Mỹ càng vỗ về thuyết phục, Nga -Trung Quốc càng giãy nảy

31/03/2016 - 08:11

PNO - “Chúng tôi nhận thấy rằng, Trung Quốc không tin tưởng nên chúng tôi đưa ra công nghệ và bản chi tiết kĩ thuật với họ," ông Blinken nói.

Mỹ muốn Trung Quốc tin tên lửa cạnh mình

Ngày 30/3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken cho biết, sẽ công bố chi tiết về tính năng, tác dụng của hệ thống đánh chặn tên lửa muốn lắp đặt tại Hàn Quốc, với hy vọng Trung Quốc chấp nhận.

Theo ông Anthony Blinken lý giải, Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) là cần thiết đối với Mỹ và các đồng minh trong khu vực để tự vệ trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ Triều Tiên. Trong khi đó, Bắc Kinh cho rằng, THAAD đe doạ an ninh của họ, vì radar của nó bao trùm không chỉ bán đảo Triều Tiên mà cả Trung Quốc.

My cang vo ve thuyet phuc, Nga -Trung Quoc cang giay nay
Hệ thống phát hiện và đánh chặn tên lửa đạn đạo THAAD của Mỹ. Ảnh: Want China Times

“Chúng tôi nhận thấy rằng, Trung Quốc không tin tưởng nên chúng tôi đưa ra công nghệ và bản chi tiết kĩ thuật với họ," ông Blinken nói. Ông cũng bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ tham gia cuộc họp kỹ thuật về THAAD sắp tới.

Washington muốn thuyết phục, trấn an rằng kế hoạch đưa hệ thống lá chắn tên lửa của họ đến lãnh thổ Hàn Quốc không làm phương hại đến khả năng răn đe chiến lược của Trung Quốc.

Trước đó, Mỹ và Hàn Quốc đã đàm phán triển khai THAAD từ tháng trước, ngay sau khi Triều Tiên thử bom hạt nhân lần thứ tư ngày 6/2, phóng tên lửa tầm xa hôm 7/2.

Nga, Trung Quốc lắc đầu

Trước các động thái, nỗ lực của Mỹ, cùng ngày Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tái khẳng định quan điểm phản đối việc Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh, việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối không đơn giản chỉ là về vấn đề kỹ thuật mà nó còn liên quan tới vấn đề hòa bình và ổn định mang tính chiến lược tại Đông Bắc Á.

Đồng thời, ông Hồng Lỗi cũng cho rằng, việc triển khai hệ thống này vượt xa nhu cầu ổn định trên bán đảo Triều Tiên và làm ảnh hưởng tới lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc cũng như sự ổn định của khu vực.

Bắc Kinh lập luận rằng, việc triển khai THAAD sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Thể hiện thái độ kịch liệt phản đối trước động thái của Washington và Seoul, Bắc Kinh đánh giá, radar của khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối có thể phát hiện các tên lửa ở vị trí cách 2 nghìn km, tức là thấy được cả các tên lửa trên lãnh thổ Trung Quốc, tức là điều này đe dọa trực tiếp đến an ninh của họ.

Và mặc dù cả Seoul cũng khẳng định việc triển khai THAAD là xuất phát từ nhu cầu phòng thủ hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng, song điều này cũng không thể khiến Washington mảy may động lòng tin.

Không chỉ Trung Quốc, Nga cũng thể hiện phản ứng gay gắt trước việc THAAD được đặt "sát nách" mình. Bày tỏ sự bức bối, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa như vậy là một hành động thái quá.

My cang vo ve thuyet phuc, Nga -Trung Quoc cang giay nay
Nga, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc.

Theo ông Lavrov: “Các kế hoạch mà Mỹ sửa soạn cùng Hàn Quốc đang vượt quá bất kỳ mối đe dọa nào có thể tưởng tượng ra đến từ Triều Tiên, trong đó tính cả tới những hành động hiện nay của Bình Nhưỡng”.

Từ khi Washington bắt đầu nảy sinh ý định triển khai THAAD tại khu vực này, Bắc Kinh và Moscow đã nghi ngờ hệ thống này sẽ được sử dụng để đối phó với Trung Quốc và rất có thể là để do thám vùng Viễn Đông của Nga.

Lờ đi đi các hành động thử tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên khi Mỹ triển khai hệ thống phòng không, trong một cuộc họp báo chung tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết: "Cả hai bên đã xác nhận chung quan điểm - cần đảm bảo hạn chế các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đồng thời, chúng tôi không hề biết về những tham vọng hạt nhân của Triều Tiên".

Ông Vương Nghị cũng cho rằng, Trung Quốc “kiên quyết phản đối Mỹ lấy vấn đề bán đảo Triều Tiên làm cớ để triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc”, vì nó sẽ “trực tiếp gây thiệt hại cho lợi ích chiến lược của Trung Quốc và Nga”.

Đặc biệt là từ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter ngày 22/3 thông tin về việc đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc với Hàn Quốc về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc càng khiến cho 2 Nga, Trung Quốc đứng ngồi không yên.

Đồng thời, Moscow và Bắc Kinh lo ngại đây là chiến lược giúp Mỹ thay đổi cán cân sức mạnh quân sự ở Đông Á. Nếu Mỹ vẫn cố tình giăng hệ thống đánh chặn bách phát bách trúng của mình, thì tất yếu phải dẫn đến sự hợp tác của Nga - Trung Quốc.

Khánh Ly (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI