Sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế bác yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông, Trung Quốc một mặt lớn tiếng cảnh báo các nước can thiệp, mặt khác tìm cách "ve vãn" để có thể đàm phán sóng phương vấn đề này với Phiippines.
Gần đây, hãng tin AFP cho biết, tại cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ John Kerry bên lề Hội nghị ngoại trưởng ASEAN diễn ra ở Lào ngày 25/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tìm cách thuyết phục Washington hỗ trợ nối lại đàm phán với Philippines về vấn đề Biển Đông.
“Trung Quốc hy vọng phía Mỹ sẽ có những bước đi cụ thể để hỗ trợ nối lại đàm phán giữa Trung Quốc và Philippines, đồng thời ủng hộ nỗ lực nhằm duy trì hòa bình và ổn định", thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị.
|
Vương Nghị nhờ Mỹ giúp nối lại đàm phán với Philippines |
Ông Vương còn nói rằng, Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí rằng tranh chấp cần được giải quyết bằng các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, đây chỉ là luận điệu của Bắc Kinh.
Trái với tất cả những tuyên bố rằng sẵn sàng đàm phán với Philippines và sẽ giải quyết vấn đề biển Đông trên nguyên tắc hòa bình thì Trung Quốc lại đang đẩy mạnh hiện diện quân sự trong khu vục này.
Tất cả những hoạt động trái phép của phía Bắc Kinh đã bị báo Mỹ vạch trần. Cụ thể, tờ “Bưu điện Huffington” của Mỹ đưa tin, có thể Bắc Kinh sẽ hoàn tất kế hoạch sản xuất tàu sân bay 001A vào cuối năm nay. Hồi trung tuần tháng 6, cũng đã có thông tin cho biết các bộ phận cấu thành chính của tàu sân bay này đã bắt đầu được lắp ráp.
Đây là chiếc hàng không mẫu hạm đang được dư luận quan tâm bởi nó là sản phẩm quốc nội đầu tiên của Trung Quốc.
Tờ “New York Times” cũng bình luận rằng, ngay sau khi biên chế tàu sân bay đầu tiên, giới chức lãnh đạo quân đội Trung Quốc cũng đã tuyên bố, Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên nhưng chắc chắn không phải là chiếc tàu sân bay cuối cùng được biên chế cho hải quân nước này.
Trang mạng Học viện Hải quân Mỹ phân tích cho rằng, Trung Quốc rất có thể sẽ chế tạo 3 chiếc tàu sân bay nội địa trong lô đầu tiên. Bởi vì, về lý thuyết, 1-2 tàu sân bay rất khó hình thành sức chiến đấu có hiệu quả, yêu cầu tối thiểu là phải có 3 tàu sân bay trở lên.
Sau khi hoàn tất chế tạo 4 tàu sân bay thông thường, trong tương lai Bắc Kinh sẽ khởi đóng ít nhất là 2 tàu sân bay hạt nhân (CVN) có lượng giãn nước lớn hơn, mang được nhiều máy bay hơn, số lượng máy phóng hơi nước cũng nhiều gấp đôi so với 001A là 4 chiếc.
Như vậy, có thế thấy báo Mỹ đã vạch trần một cách tỉ mỉ âm mưu "nuốt chửng" biển Đông của Trung Quốc trong tương lai. Dường như những lời tuyên bố "ngọt nhạt" kia của Bắc Kinh chỉ là bức màn nhằm che mắt thế giới về kế hoạch khó lường này.
Hiện tại nước này còn ngang nhiên tuyên bố sẽ mở cuộc tập trận với Nga trên biển Đông vào tháng 9 tới khiến quốc tế phẫn nộ.
|
Tàu chiến của Nga và Trung trong một cuộc tập trận |
Reuters đưa tin, ngày 28/7, ông Yang Yujun, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc và Nga sẽ tập trận chung ở Biển Đông vào tháng Chín tới.
Chưa hết, gần đây nước này còn đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc về biển Đông nhằm reo rắc vào đầu người dân thế giới những tư tưởng sai trái để thuận lợi cho kế hoạch thôn tính trái phép của mình.
Trung Quốc tiếp tục mua thời lượng chiếu một video xuyên tạc về Biển Đông trên biển quảng cáo khổng lồ ở Quảng trường Thời đại (Mỹ). Đoạn video kéo dài 3 phút 12 giây được phát sóng 120 lần một ngày trên màn hình cao 19 m, rộng 12 m cho đến ngày 3/8. Đây là biển quảng cáo chuyên hiển thị hình ảnh của Trung Quốc kể từ năm 2011. Dự kiến, 500.000 người qua lại mỗi ngày sẽ được tiếp cận video này.
Video này được tung ra nhằm mục đích gây sự chú ý của nhiều người cũng như chỉ cho họ những bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
|
Trung quốc "chi mạnh" để mua truyền thông tuyên truyền nhảm về vấn đề biển Đông |
Trong video có một số chuyên gia và quan chức quốc tế đưa ra quan điểm ủng hộ lập trường Trung Quốc ở Biển Đông.
Trang Shanghaiist cho video này là “công cụ tuyên truyền mới nhất” của Trung Quốc. Ước tính chi phí phát sóng video có thể từ 300.000 USD đến 400.000 USD một tháng (giá năm 2011). Chính sách dùng tiền để quảng bá những thứ thông tin xuyên tạc này vẫn được Bắc Kinh sử dụng với chiến thuật mưa dầm thấm lâu, đổi trắng thay đen mà nếu cứ im lặng chấp nhận cũng sẽ tạo nên những nguy cơ mất chủ quyền trong nhận thức của những nạn nhân mà Trung Quốc đang bao vây.
Ngay lập tức phía Washington cũng đưa ra những bài báo lật tẩy bản chất của đoạn video phi lý này. Tạp chí Buzz Feed lên tiếng cảnh báo không nên xem video tuyên truyền sai trái về Biển Đông của Trung Quốc nếu như không muốn "lãng phí 3 phút 12 giây cuộc đời".
Theo Buzz Feed, các "chuyên gia" xuất hiện trong video này vốn không mấy tiếng tăm cũng như là các nhân vật thân Trung Quốc ngay từ đầu. Ví dụ như John Ross, người được nhắc đến trong clip nói trên với danh xưng "cựu Giám đốc chính sách của Viện Chính sách Kinh tế và Kinh doanh London" vốn là cộng tác viên thường xuyên cho tờ China Daily và Đại học Renmin.
Còn Catherine West, thành viên Nghị viện Anh thuộc đảng đối lập thì cho biết, mình cảm thấy "bối rối" trước sự dàn dựng của tác phẩm tuyên truyền này và ngỡ ngàng khi video còn "bóp méo" về chức danh của bà.
Có thể thấy Bắc Kinh liên tục tung ra những chiêu trò hai mặt mang tính chất "mật ngọt chết ruồi" nhưng cũng liên tục bị phía Washington bóc mẽ. Có thể thấy được sự quyết tâm và tinh thần cảnh giác của Mỹ đối với Trung Quốc là vô cùng cao.
Tiêu Giao