Mỹ bị Hội đồng Bảo an triệu tập, Nga tranh thủ vạch trần "bộ mặt thật" của Mỹ

18/09/2016 - 16:57

PNO - Ngày 18/9 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức một cuộc họp khẩn kéo dài 1 giờ đồng hồ về các vụ không kích do liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu thực hiện tại Syria.

Cuộc họp trên được tổ chức theo đề nghị của Nga vì nước này cho rằng những vụ không kích trên đã khiến nhiều binh lính Syria thiệt mạng và có thể khiến thỏa thuận ngừng bắn do Moskva và Washington làm trung gian bị đổ vỡ.

My bi Hoi dong Bao an trieu tap, Nga tranh thu vach tran
Các cuộc không kích thực hiện ngày 17/9 bởi liên quân do Mỹ cầm đầu đã khiến nhiều binh sĩ Syria thiệt mạng.


Trả lời kênh truyền hình Rossiya 24, Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ: "Nếu như trước đó chúng tôi nghi ngờ đây là hành động bảo vệ nhóm Mặt trận al-Nusra thì cho tới hiện tại, sau những vụ không kích nhằm vào quân đội Syria ngày 17/9, chúng tôi đi đến một kết luận đáng sợ là Nhà Trắng đang bảo vệ IS".

"Nếu đúng như vậy thì đây chắc hẳn là lý do tại sao phía Washington không đồng ý công bố thỏa thuận Mỹ-Nga về vấn đề Syria", bà nhấn mạnh.

Hãng tin TASS dẫn lời bà Zakharova cho biết Nga yêu cầu phía Washington phải giải thích rõ liệu đây chỉ là một sai sót hay là chính sách có tính toán nhằm ủng hộ IS.

My bi Hoi dong Bao an trieu tap, Nga tranh thu vach tran
Nga đề nghị HĐBA LHQ tổ chức cuộc họp để yêu cầu Mỹ giải thích rõ về việc liệu chính sách của Mỹ có đang bảo vệ cho IS.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power cho biết Washington vẫn đang điều tra về các vụ không kích trên. Bà Power tuyên bố: "Nếu xác định đúng là chúng tôi đã tấn công binh lính Syria, thì đây không phải là ý đồ của chúng tôi và đương nhiên Mỹ lấy làm tiếc".

Bà cũng cho rằng việc Nga kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức cuộc họp trên là "nhạo báng và đạo đức giả", khi trước đó Moscow chưa từng bày tỏ thái độ giận dữ như vậy trước các hành động giết hại dân thường của quân đội chính phủ Syria trong suốt 5 năm xung đột.

Trong khi đó, khi được hỏi về việc liệu các vụ không kích trên có phải là dấu chấm hết cho thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga dàn xếp hay không, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho rằng đây vẫn là một câu hỏi chưa được giải đáp. Theo ông Churkin, lẽ ra Mỹ có thể đợi đến lúc Moskva và Washington bắt đầu hợp tác quân sự chung trong hai ngày tới thay vì thực hiện một chiến dịch không kích "liều lĩnh".

My bi Hoi dong Bao an trieu tap, Nga tranh thu vach tran
Vụ việc ngày 17/9 đe dọa không chỉ thỏa thuận ngừng bắn, nó cũng khiến viễn cảnh hợp tác Nga – Mỹ trong chuyện không kích IS và các nhóm khủng bố khác trở nên càng mờ mịt.

Trước đó, truyền thông nhà nước Syria đưa tin vào khoảng 5 giờ chiều (giờ địa phương) ngày 17/9, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã không kích một vị trí của quân đội Syria ở khu vực Jebel Tharda, gần sân bay Deir al-Zor, miền Đông nước này. Theo quân đội Syria, vụ không kích này đã khiến nhiều binh sĩ Syria thiệt mạng. Còn theo Bộ Quốc phòng Nga, 62 binh sĩ Syria đã thiệt mạng và 100 người khác bị thương trong các vụ không kích trên. Theo phía Nga, các vụ không kích do 2 máy bay F-16 và 2 máy bay A-10, xuất phát từ biên giới Syria-Iraq, thực hiện. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định những máy bay này đến từ liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu, tuy nhiên không nói rõ thuộc quốc gia nào.

Mỹ đang dốc sức phá Nga trong tiến trình hòa bình Syria?

Trong bài viết trên tờ The Nation, chuyên gia Mỹ về Liên bang Nga Stephen Cohen viết rằng, Moscow và Washington đã có thể đi đến những thỏa thuận ngoại giao làm giảm khả năng của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhưng Mỹ đã phản đối hợp tác với Nga.

Nhà chính trị học Cohen cho rằng, Nga và Mỹ đã có nhiều cơ hội hợp tác nhưng Mỹ đã bỏ lỡ hoặc cố tình phớt lờ nó. Ví dụ như Washington đã nhiều lần không đếm xỉa hoặc thực hiện nửa vời những kế hoạch giải quyết xung đột ở Syria mà họ đã đạt được với Moscow.

Ông Cohen chỉ ra, chiến thuật của Washington là phỉ báng Tổng thống Nga Vladimir Putin và mô tả ông như là một đối tác không xứng đáng với Mỹ. Đây là một chiến thuật không mới vì đã được sử dụng nhiều lần, dựa trên chính sách thủ cựu nhiều năm chống Nga.

Vị chuyên gia Mỹ giải thích rằng, sở dĩ Mỹ phủ nhận và dốc sức phá hoại những công lao của Nga trong tiến trình hòa bình Syria là do Washington nhận thức được rằng, hợp tác với Moscow về Syria sẽ có nghĩa là sự trở lại của nước Nga trên sân khấu thế giới với tư cách một siêu cường quốc.

Tác giả nhấn mạnh rằng, sự cần thiết phải tranh luận về hợp tác với Nga đã xuất hiện từ lâu trong sách lược của Mỹ. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông luôn chỉ trích bất cứ ai ủng hộ việc loại bỏ căng thẳng, tiếp tục đổ dầu vào lửa của cuộc Chiến tranh Lạnh.

Minh Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI