Mỹ báo động y tá tự tử

02/03/2024 - 16:40

PNO - Áp lực công việc cũng như lương thưởng thấp đã khiến nhiều y tá bỏ nghề nhưng cũng có người tự tử vì stress.

 

Sau khi nữ y tá Tristin Kate Smith qua đời do tự tử, lá thư tuyệt mệnh kể chi tiết về những khó khăn trong công việc của cô đã được lan truyền rộng rãi, nêu bật một cuộc khủng hoảng rộng lớn trong ngành y tế Mỹ.

Trong thư, Tristin Kate Smith cho biết tất cả những gì cô muốn làm là giúp đỡ mọi người. Khi còn là học sinh trung học, cô đăng ký vào một khu học chánh để giúp đỡ những người lớn tuổi trong viện dưỡng lão.

Nhưng dần dần, cuộc sống làm y tá cấp cứu của cô gái 28 tuổi ngày càng xấu đi.

Khi cô và các đồng nghiệp của mình nói với ban quản lý bệnh viện về những khó khăn trong công việc của họ trong đại dịch COVID-19, cô càng thất vọng hơn.

“Những lời khen ngợi, những chiếc pizza, những lá thư cảm ơn dần dần không còn ý nghĩa với tôi nữa” - cô viết trong một bức thư có tựa đề Thư gửi kẻ ngược đãi tôi vào tháng Ba năm ngoái.

“Mọi người phớt lờ những tâm tư của chúng tôi. Chúng tôi nhận được một bữa tiệc pizza và những chiếc bút miễn phí vì đã trở thành anh hùng chăm sóc sức khỏe nhưng điều đó không còn ý nghĩa".

Smith đã viết về việc nghe thấy những y tá bị đánh đập và lạm dụng thể xác bởi chính những bệnh nhân mà họ được giao nhiệm vụ chăm sóc và cách họ được khuyên “không nên chống trả” mà thay vào đó hãy cố chịu đừng và chờ đợi an ninh đến giải cứu.

“Họ đánh tôi đến mức cơ thể và tâm trí tôi bầm tím và chảy máu" - Smith mô tả và nói thêm rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe không cung cấp sự bảo vệ nào cho những y tá như cô. Ngoài ra, cô cũng tố cáo các trung tâm chăm sóc y tế đã sử dụng và bóc lột công sức lao động của y tá để nhét tiền vào túi của mình, sử dụng tiền của người dân cho việc chăm sóc sức khỏe với giá quá cao.

Tristin đã viết về việc cô sống trong nỗi sợ hãi thường trực. Vào tháng 7/2023, cha cô, Ron Smith, phát hiện cô đã chết tại nhà vì vết thương tự gây ra.

“Tristin nói với tôi rằng nó luôn khóc trước khi đi làm. Đôi khi nó còn cảm giác muốn bệnh. Tristin tâm sự với tôi: 'Bố ơi, chẳng giúp được gì cả'. Tôi nói với con gái rằng nên bắt đầu nghĩ về một nghề nghiệp khác”.

Cuộc đấu tranh của Tristin khi làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã lan truyền sau khi Smith đăng bức thư của cô trên một tờ báo vào tháng Mười.

Nhưng Tristin không hề đơn độc. Tỉ lệ nữ y tá ở Mỹ tự kết liễu đời mình đã tăng trong những năm gần đây. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ,  hành vi quấy rối nhân viên y tế đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2018.

Các cựu y tá kể lại việc họ được yêu cầu làm công việc quá nhiều và điều này càng làm tăng thêm căng thẳng do công việc của họ.

Janet Michaelis - một y tá ở Ohio - người đã làm việc trong phòng cấp cứu trong 19 năm, cho biết: “Khi đọc câu chuyện của Tristin, tôi nghĩ đến việc đã bao nhiêu lần tôi thấy các y tá trong phòng nghỉ chỉ biết khóc. Họ đau khổ vì cảm thấy mình đang thất bại".

Hiệp hội Y tá Hoa Kỳ (ANA), một tổ chức quốc gia với 4 triệu thành viên, đã đổ lỗi cho “các quyết định cắt giảm chi phí” là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nhân sự điều dưỡng.

Jennifer Mensik Kennedy - Chủ tịch ANA - cho biết những tác động tiêu cực tại nơi làm việc liên quan đến tình trạng thiếu nhân sự. Các y tá bắt buộc phải làm thêm giờ, bị tấn công tại nơi làm việc nhiều hơn, sức khỏe tâm thần và lương thưởng cũng bị xem nhẹ.

Trọng Trí  (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI