Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe ở Los Angeles vì cháy rừng

11/01/2025 - 18:37

PNO - Ngày 10/1 (giờ địa phương), các quan chức Hoa Kỳ đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do cháy rừng ở California.

Một máy bay chữa cháy thả chất chống cháy ở Topanga, California. Ảnh: Mario Tama/Getty Images
Một máy bay chữa cháy thả chất chống cháy ở Topanga, California - Ảnh: Mario Tama/Getty Images

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) cho biết, họ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe tại địa phương để ứng phó với những tác động lan rộng của hỏa hoạn nghiêm trọng đang diễn ra và tình trạng gió bão.

Lệnh này áp dụng cho tất cả các khu vực của quận Los Angeles.

Trong một tuyên bố, bộ phận này cho biết: "Các đám cháy kết hợp với gió mạnh đã làm giảm nghiêm trọng chất lượng không khí, thải ra khói độc hại và các hạt vật chất, gây ra rủi ro trước mắt và lâu dài cho sức khỏe cộng đồng. Khuyến cáo này khuyên bất kỳ ai phải ra ngoài trong điều kiện khói bụi ở những khu vực có nhiều khói hoặc có tro bụi nên đeo khẩu trang N95 hoặc P100".

"Không thể thở được. Chúng tôi chỉ cố gắng ở trong nhà.” - cô Dulce Perez - một đầu bếp tại nhà hàng gần khu vực bị cháy - cho biết, khi một làn khói mù cay xè bao phủ trên đầu.

Do ảnh hưởng của vụ cháy, ngoài cảnh báo về chất lượng không khí, các quan chức đã ban hành cho các trường học đóng cửa khi mà các nhà khoa học cảnh báo về hậu quả nguy hiểm - thậm chí tử vong - của khói cháy rừng.

Trên khắp thành phố lớn thứ 2 của Hoa Kỳ, người dân lo lắng về bầu không khí đôi khi trở nên ngột ngạt vì tro, bồ hóng và khói bốc ra từ các đám cháy đã phá hủy 10.000 công trình.

Một số cư dân đã dán băng dính cửa sổ để khói không tràn vào nhà. Và các viên chức Los Angeles đã kêu gọi mọi người ở trong nhà tại những khu vực có thể nhìn thấy khói.

Người dân lo lắng về không khí đôi khi có thể gây bỏng phổi vì tro, bồ hóng và khói bốc ra từ các đám cháy. ẢNH: AFP
Khói bụi mịt mù khiến người dân lo lắng - Ảnh: AFP

Mặc dù tình hình đám cháy đã được cải thiện nhưng cảnh báo chất lượng không khí vẫn có hiệu lực cho đến tối và nồng độ các hạt vật chất nguy hiểm vẫn ở mức gấp 4 lần hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Khói cháy rừng thường mang theo các loại khí độc hại và các hạt vật chất khiến chúng độc hại hơn ô nhiễm không khí thông thường.

Cháy rừng không chỉ đốt cháy thực vật, bụi rậm và cây cối mà còn đốt cháy cả các tòa nhà, ngôi nhà và ô tô chứa nhựa, nhiên liệu, kim loại và nhiều loại hóa chất khác.

Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa khói cháy rừng với tỉ lệ đau tim, đột quỵ và ngừng tim cao hơn cũng như làm suy yếu hệ thống miễn dịch.

Các nhà khoa học và bác sĩ về sức khỏe môi trường đã cảnh báo rằng các hạt vật chất gây nguy hiểm cho những người mắc bệnh tim và phổi từ trước, cũng như người già và trẻ em.

Phó giáo sư Carlos Gould - nhà khoa học về sức khỏe môi trường tại Đại học California San Diegocho biết: "Mức độ khói cháy rừng mà chúng ta thấy ở LA trong vài ngày qua cho thấy tỉ lệ tử vong hàng ngày tăng từ 5 đến 15%".

Tiến sĩ Afif El-Hasan - phát ngôn viên của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ - cho biết các sản phẩm phụ hóa học từ đám cháy, đặc biệt là các sản phẩm bắt nguồn từ vật liệu do con người đốt, sẽ xâm nhập sâu hơn vào phổi và thậm chí có thể đi vào máu. Bên cạnh đó, khi con người cố hít thở hoặc khó thở, cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ đau tim.

Các chuyên gia cảnh báo rằng đối với một số người dân trên khắp Los Angeles, rủi ro sẽ không chấm dứt ngay cả khi đám cháy được dập tắt.

Tiến sĩ Justin Gillenwater - Giám đốc khoa bỏng tại Trung tâm Y tế Đa khoa Los Angeles - cảnh báo ​​những tác động lâu dài đến sức khỏe do hít phải khói ở những người mắc bệnh về đường hô hấp và dị ứng.

Ông cho biết: “Đây sẽ là vấn đề mà chúng ta sẽ phải xem xét không chỉ trong nhiều tuần mà thực sự là nhiều năm”.

Ít nhất 11 người đã thiệt mạng, trong đó có 5 người tử vong trong vụ cháy Palisades và 6 người tử vong trong vụ cháy Eaton. Các quan chức cho biết, dự kiến ​​con số này sẽ tăng lên khi chó nghiệp vụ đi qua các khu dân cư bị san phẳng để đánh giá mức độ tàn phá của một khu vực rộng lớn hơn San Francisco.

Thảo Nguyễn (theo Guardian, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI