Mỹ áp thuế cao vào hàng Việt: Trong khó có cơ hội

03/04/2025 - 16:15

PNO - Doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đa dạng hóa thị trường để vượt qua thách thức vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngay từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu vận động tranh cử, tôi đã cảnh báo về nguy cơ Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa Việt Nam và cần đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa với mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này.

Đáng lo ngại, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có rủi ro lớn khi từng bị Mỹ đưa vào danh sách nghi ngờ thao túng tiền tệ vào cuối nhiệm kỳ trước của ông Trump (hiện Việt Nam chỉ nằm trong "danh sách theo dõi" và Bộ Tài chính Mỹ khẳng định nước ta không thao túng tiền tệ – PV), thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam hiện đứng thứ tư, chỉ sau Trung Quốc, Canada và Mexico. Điều này khiến Việt Nam trở thành mục tiêu tiềm ẩn trong chính sách thương mại của tân Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, phản ứng của Việt Nam dường như chưa đủ nhanh và mạnh mẽ. Cách đây 2 ngày, Chính phủ có điều chỉnh giảm thuế một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, nhưng mức giảm còn mang tính hình thức, thiếu đi những cử chỉ thiện chí rõ ràng. Việc ký kết hợp đồng mua máy bay trị giá hàng chục tỷ USD tuy là động thái tích cực, song mới dừng lại trên giấy tờ, chưa chuyển thành giá trị thực tế.

Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân

Nhìn lại chính sách của ông Trump, có thể thấy cách tiếp cận thường thiếu nhất quán – giai đoạn đầu thường quyết liệt, sau đó giảm dần cường độ. Điển hình như năm 2018, Mỹ áp thuế cao với Trung Quốc rồi nới lỏng dần, khiến tác động không còn quá nghiêm trọng.

Trong kịch bản này, dù Mỹ có thể giảm mức thuế xuống 20-25%, nhưng đây vẫn là rào cản đáng kể, ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu Việt Nam – nhất là khi Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu trọng yếu của nước ta. Việc tiếp tục giảm thuế hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào năng lực đàm phán của Việt Nam trong thời gian tới.

Các ngành dệt may, gỗ và da giày Việt Nam vốn đã chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia trong khu vực, nay lại đối mặt với một thách thức mới: nguy cơ suy giảm sức cạnh tranh khi thuế xuất khẩu tăng. Phần lớn doanh nghiệp Việt hiện nay vẫn phụ thuộc vào mô hình gia công, thiếu vắng thương hiệu riêng và khả năng chủ động nguyên liệu. Trong bối cảnh này, việc tăng thuế có thể khiến các đối tác nước ngoài chuyển hướng sang những thị trường được hưởng ưu đãi, đẩy doanh nghiệp Việt vào thế bất lợi.

Tuy nhiên, khó khăn này cũng chính là cơ hội để ngành sản xuất trong nước tái cơ cấu. Thay vì né tránh, doanh nghiệp buộc phải đối mặt với thực tế như một "cú hích" để thay đổi. Đa dạng hóa thị trường là một hướng đi, nhưng thị trường Mỹ quá lớn để có thể thay thế dễ dàng. Do đó, bên cạnh việc tìm kiếm thị trường mới, doanh nghiệp cần chủ động đánh giá rủi ro, tối ưu hóa chi phí và quan trọng nhất là nâng cao giá trị sản phẩm.

Việc Mỹ áp thuế cao không chỉ mang lại thách thức mà còn mở ra cánh cửa cơ hội. Đây chính là thời điểm để Việt Nam chuyển mình từ một nền sản xuất gia công thành một cường quốc xuất khẩu thực thụ, thay vì mãi đóng vai trò trung gian cho hàng hóa nước ngoài, doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và xây dựng thương hiệu riêng.

Hơn bao giờ hết, ngành công nghiệp Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, thiết kế và chuỗi cung ứng để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Khi hàng hóa mang nhãn mác "Made in Vietnam" không chỉ dừng lại ở giá rẻ mà còn khẳng định được chất lượng và uy tín, Việt Nam mới thực sự có chỗ đứng vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về phía Chính phủ, cần đẩy mạnh đối thoại chiến lược với Mỹ nhằm giảm thiểu tác động bất lợi từ các biện pháp thuế quan, đồng thời hướng tới mức thuế ưu đãi nhất có thể. Bên cạnh đàm phán thương mại, Việt Nam nên xem xét điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ theo hướng ưu đãi hơn. Mặc dù hàng hóa từ Mỹ có thể chưa cạnh tranh được về giá so với hàng Trung Quốc, nhưng việc áp dụng các chính sách khuyến khích như giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu sẽ góp phần cân bằng thương mại, đồng thời thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc giảm thặng dư thương mại với Hoa Kỳ.

Nếu Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam, ngành dệt may sẽ tiếp tục đối mặt khó khăn - Ảnh: Thanh Hoa
Khi Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam, ngành dệt may sẽ tiếp tục đối mặt khó khăn - Ảnh: Thanh Hoa

Về phía xuất khẩu, cần tránh để phía Mỹ hiểu nhầm rằng Việt Nam đang trở thành "bàn đạp" trung chuyển hàng hóa từ các nước bị áp thuế cao. Để làm được điều này, cần siết chặt quy định về xuất xứ hàng hóa và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm xuất khẩu.

Ví dụ, nếu kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 300 tỷ USD nhưng phần lớn là hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc, cần có biện pháp điều chỉnh để phản ánh đúng giá trị thương mại thực của Việt Nam. Việc minh bạch hóa nguồn gốc hàng hóa không chỉ giúp tránh nguy cơ bị áp thuế mà còn tạo động lực cho doanh nghiệp nội địa phát triển, mở rộng cơ hội việc làm và thúc đẩy kinh tế trong nước.

Đã đến lúc xây dựng những tập đoàn tư nhân lớn mạnh, không chỉ đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế trong nước mà còn đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Chúng ta cần những chính sách đột phá để biến khu vực kinh tế tư nhân thành trụ cột vững chắc của nền kinh tế. Một trong những yếu tố then chốt chính là nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu, giúp tăng giá trị gia tăng và chủ động hơn trong thương mại toàn cầu.

Bên cạnh việc tăng cường nội địa hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu là nhiệm vụ cấp thiết. 2 thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp Việt không thể bỏ qua là Đông Nam Á và Trung Đông. Tuy nhiên, việc chinh phục những thị trường mới không hề dễ dàng. Điều này đòi hỏi sự chung tay của cả Nhà nước và doanh nghiệp, trong đó, các cơ quan thương vụ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường hiệu quả.

Tóm lại, để tận dụng thời cơ, chúng ta cần một chiến lược đồng bộ: xây dựng doanh nghiệp tư nhân mạnh, đẩy mạnh nội địa hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu. Chỉ khi làm được điều đó, nền kinh tế Việt Nam mới thực sự cất cánh, khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI