Mỹ áp dụng mức thuế 46%: Việt Nam kích hoạt đối thoại cấp cao, lập Tổ công tác đặc biệt

06/04/2025 - 19:33

PNO - Trước quyết định áp mức thuế lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam của Chính phủ Mỹ, Việt Nam đã lập tức có phản ứng chính sách mạnh mẽ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài trả lời câu hỏi của phóng viên về tác động của mức thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và giải pháp ứng phó
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài trả lời câu hỏi của phóng viên về tác động của mức thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và giải pháp ứng phó - Ảnh: Nhật Bắc

Chính sách áp thuế 46% của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam không chỉ gây chấn động các ngành hàng xuất khẩu chủ lực mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết phải ứng phó chiến lược và linh hoạt. Trước tình hình này, Chính phủ Việt Nam đã triển khai loạt hành động quyết liệt: gửi công hàm ngoại giao, điện đàm cấp cao và thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, ổn định thương mại song phương.

Mỹ áp mức thuế lên tới 46% đối với một loạt sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là mức thuế được đánh giá là “đặc biệt cao”, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành xuất khẩu chủ lực như máy tính, linh kiện điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, da giày - những lĩnh vực chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu và giải quyết hàng triệu việc làm trong nước.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Ba, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, động thái tăng thuế của phía Mỹ có thể dẫn đến hàng loạt hệ lụy dây chuyền, không chỉ với doanh nghiệp mà còn với cả nền kinh tế.

“Việc tăng thuế khiến giá hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ tăng lên, làm giảm sức cạnh tranh. Cùng với đó, sức mua của người tiêu dùng Mỹ sụt giảm cũng sẽ khiến lượng tiêu thụ giảm. Một số doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu xem xét lại các hợp đồng đã ký, trong khi các hợp đồng mới có thể sẽ rơi vào trạng thái đình trệ” - ông Trương Thanh Hoài thông tin.

Không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu, chính sách thuế này còn có thể tác động tiêu cực đến thu hút đầu tư FDI, năng lực sản xuất của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thậm chí cả việc làm của hàng triệu lao động trong nước - những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu có sự hiện diện của Việt Nam.

Ngay sau khi Mỹ ban hành quyết định tăng thuế, sáng 3/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã gửi công hàm ngoại giao tới Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ, đề nghị tạm hoãn áp dụng thuế quan để tạo điều kiện cho 2 bên trao đổi, thống nhất giải pháp phù hợp, bảo đảm cân bằng lợi ích song phương.

Tối 4/4, một cuộc điện đàm giữa Tổng bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump đã diễn ra, trong đó phía Việt Nam khẳng định thiện chí hợp tác và đề xuất phương án đối ứng cụ thể:

“Việt Nam sẵn sàng đưa mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ về 0% và đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là phương án công bằng, cân bằng lợi ích và tạo nền tảng cho hợp tác bền vững” - Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu trong điện đàm.

Trước những diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành đặc biệt, do Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Tổ phó, và thành viên là lãnh đạo nhiều bộ, ngành liên quan. Bộ Công Thương giữ vai trò cơ quan thường trực.

Nhiệm vụ của tổ công tác là theo dõi sát chính sách thương mại của Mỹ, phân tích tác động đa chiều và tham mưu cho Chính phủ giải pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả, bảo vệ lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người lao động.

“Tổ công tác không chỉ đối phó với tình huống trước mắt mà còn là lực lượng nòng cốt giúp Chính phủ giữ vững môi trường đối ngoại ổn định, tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài cho tăng trưởng và phát triển kinh tế,” đại diện Bộ Công Thương khẳng định.

Bên cạnh các biện pháp đối ngoại, Chính phủ và Bộ Công Thương đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng triệt để các FTA đã ký với hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, đồng thời xúc tiến đàm phán hiệp định thương mại mới với khu vực Trung Đông, Mỹ Latin, Trung Á.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến nghị:

Chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật - môi trường của các thị trường khó tính;

Kiểm soát xuất xứ nguyên liệu, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc trong các FTA, tránh bị kiện phòng vệ thương mại;

Tăng năng lực phòng vệ thương mại, chủ động tiếp cận thông tin từ các vụ việc tương tự để có kinh nghiệm ứng phó;

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cải thiện logistics nội địa, giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt.

Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh thương mại gia tăng, việc phối hợp hài hòa giữa đối thoại chính sách và tái cơ cấu thị trường được xem là hướng đi chiến lược nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bền vững, giảm phụ thuộc vào bất kỳ thị trường đơn lẻ nào - kể cả Mỹ.

Bảo Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI