Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên hai cá nhân thân Thủ tướng Hun Sen

11/12/2019 - 10:06

PNO - Bộ Ngân khố Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một doanh nhân và một quan chức chính phủ cao cấp có liên kết chặt chẽ với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, cáo buộc họ tham nhũng.

Động thái diễn ra khi các nước phương Tây tăng áp lực lên Thủ tướng Hun Sen về một cuộc đàn áp phe đối lập và sau khi Mỹ bày tỏ lo ngại về mối quan hệ quân sự của Campuchia với Trung Quốc.

Bộ Ngân khố Mỹ cho biết họ quyết định xử phạt Kun Kim - cựu tư lệnh của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) - về vai trò của ông trong một dự án phát triển bất động sản ở tỉnh Koh Kong và mối quan hệ của ông với một thực thể nhà nước Trung Quốc.

Bộ Ngân khố viết trong thông báo: “Ông Kim đã sử dụng binh lính RCAF để đe dọa, phá hủy và giải phóng mặt bằng cho một thực thể từ (Cộng hòa nhân dân Trung Quốc)”.

“Sau đó, ông Kim được chuyển sang làm làm Tham mưu trưởng RCAF đã không chia sẻ lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp của mình với các quan chức chính phủ cao cấp của Campuchia”.

Ba thành viên của gia đình Kim, và năm thực thể thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của những cá nhân này cũng bị xử phạt.

Nhà tài phiệt Campuchia - Try Pheap - thành viên đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen, cũng bị xử phạt vì xây dựng một tập đoàn khai thác gỗ bất hợp pháp quy mô lớn với sự thông đồng của các quan chức. 11 tổ chức đăng ký tại Campuchia của ông Try Pheap cũng bị xử phạt.

Kun Kim và Try Pheap chưa đưa ra bình luận.

My ap dat lenh trung phat len hai ca nhan than Thu tuong Hun Sen
Mỹ và châu Âu tìm cách tạo áp lực lên Thủ tướng Hun Sen về vấn đề xử lý đảng đối lập và báo cáo về các mối liên hệ với Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Campuchia nói trong một tuyên bố hôm thứ Ba: “Thật là đáng lo ngại khi các nhân vật công cộng của một quốc gia trở thành đối tượng của các biện pháp trừng phạt từ một quốc gia khác dựa trên sự suy đoán và cáo buộc vô căn cứ, trong sự coi thường tính độc lập pháp lý và tư pháp của quốc gia”.

“Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc quốc tế về bình đẳng chủ quyền và không can thiệp vào các vấn đề đối nội của các quốc gia khác như được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc cũng như các luật pháp quốc tế khác”.

“Các biện pháp trừng phạt là một cuộc tấn công vào ‘những nỗ lực liên tục để khôi phục niềm tin giữa Campuchia và Mỹ’, mà các nhà lãnh đạo gần đây đã cố gắng thực hiện”.

Một phát ngôn viên của Đảng Dân chủ Campuchia cầm quyền - Thượng nghị sĩ Sok Eysan - nói với Reuters rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không hiệu quả, và chỉ phục vụ như là sự hỗ trợ cho phe đối lập.

Ông Sok Eysan nhận xét: “Mỹ đã làm điều này chỉ để hỗ trợ cho những con rối của họ, nó hoàn toàn không hiệu quả” - đề cập đến Đảng Cứu nguy Quốc gia Campuchia đối lập đã bị giải thể vào năm 2017.

Mỹ kêu gọi thả nhà lãnh đạo phe đối lập bị giam giữ Kem Sokha; đồng thời bày tỏ quan ngại trước các báo cáo Campuchia đang hợp tác với Trung Quốc xây dựng một căn cứ hải quân, điều mà ông Hun Sen phủ nhận.

Campuchia cũng đã chịu áp lực từ Liên minh châu Âu, nơi đang xem xét việc loại bỏ các ưu đãi thương mại đối với Campuchia sau những cuộc đàn áp phe đối lập.

Linh La (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI