MV một đằng, nhạc một nẻo:

22/05/2020 - 06:58

PNO - Không ít MV hoành tráng nhưng không có sự kết nối với ca khúc. Thực tế này đang trở thành chuyện “thường ngày ở huyện” trong làng nhạc Việt.

Chuyện nhạc một đàng, MV một nẻo

Tối 13/5, MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy ra mắt và nhanh chóng vươn lên vị trí dẫn đầu xu hướng tìm kiếm trên YouTube tại Việt Nam. Sự trở lại của Hòa Minzy sau hơn một năm vắng bóng được đánh giá thành công về mặt truyền thông.

Tuy nhiên, MV thực hiện tại Huế với khung cảnh mộng mơ, hoài cổ, thỏa mãn phần nhìn, tạo hình nhân vật đầu tư kỹ lưỡng, chỉn chu - vẫn không đủ tạo nên cái kết tròn vẹn. Bởi bài hát Không thể cùng nhau suốt kiếp (sáng tác Mr Siro) đặt vào nội dung MV là chuyện tình của Hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại hoàn toàn lạc điệu, khiên cưỡng.

Hình ảnh trong MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy
Hình ảnh trong MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy

Những ca từ như “Điều gì đã khiến anh không cầm tay em nữa? Có phải mình thật sự không xứng đôi?”, “Chuyện buồn đôi ta đã hết sao chẳng thể hết tàn tạ?/ Chỉ vì cố quên một người mà dằn vặt đến nỗi thân tâm không ngừng héo úa”… thực sự không phù hợp với hình tượng của Nam Phương hoàng hậu.

Một biểu tượng bỗng dưng bị tầm thường hóa, trong khi chuyện tình của vua và hoàng hậu mang nhiều tầng ý nghĩa hơn so với những lục đục thất tình đời thường. Câu chuyện mang tính lịch sử được trưng dụng nhằm tạo nên lớp vỏ bóng bẩy bên ngoài cho MV, nhưng bên trong lại thiếu đi chiều sâu và tính kết nối, thực sự là điều đáng tiếc.

Câu chuyện của Hòa Minzy tô đậm thực tế làng nhạc Việt thời gian qua. Nhiều MV hoành tráng ra đời, nhưng bài hát tâm sự một đằng, còn nội dung MV lại đi một nẻo. Điển hình là chuỗi 4 MV của ca sĩ Hương Giang Anh đang ở đâu đấy anh

Trong đó, phần 4 Tặng anh cho cô ấy lệch pha giữa MV và nội dung ca khúc. Bài hát nói lên sự dằn vặt, đau đớn của một cô gái đánh mất người yêu vào tay kẻ khác, thì MV kể về kế hoạch trả thù của một cô gái sau khi bị bạn thân cướp người yêu.

MV Tặng anh cho cô ấy nói về kế hoạch trả thù của một cô gái dành cho người bạn, khi từng bị người bạn này giật người yêu
MV Tặng anh cho cô ấy nói về kế hoạch trả thù của một cô gái dành cho người bạn, khi từng bị người bạn này giật người yêu

Những MV gây ấn tượng của Hoàng Thùy Linh sử dụng chất liệu truyền thống, dân gian như Duyên âm, Kẻ cắp gặp bà già… tuy có giai điệu kết nối với chất liệu nền tảng, nhưng nội dung bài hát và MV lại không có chút liên quan. Chẳng hạn, lời ca khúc Duyên âm kể chuyện cô gái từ chối tình cảm của chàng trai, thì MV lại thể hiện tầng nghĩa sâu xa hơn, mà theo lời Hoàng Thùy Linh, đó là cách cô khép lại những ồn ào, chuyện buồn đã qua, triệt tiêu năng lượng tiêu cực để nhìn về tương lai.

Thấy gì từ chuyện “hình và tiếng không sánh đôi”?

Ngoài âm thanh, thì hình ảnh đóng vai trò khá quan trọng, đặc biệt khi khán giả ngày nay dễ dàng sở hữu các thiết bị điện tử thông minh. Sự phát triển mạnh mẽ của YouTube trở thành thước đo mới của âm nhạc, càng khiến ca sĩ lao mình vào cuộc chiến những MV hoành tráng, bóng bẩy. Hiện tại, các MV thường được phát triển thành một câu chuyện dài chứ không còn mang tính minh họa.

Hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng được đổ vào cuộc chơi năm ăn - năm thua này, với thành bại là điều không thể đoán trước. Giữa guồng cạnh tranh khốc liệt ấy, các ê-kíp tranh thủ đi tìm của lạ, của độc để mong có cơ hội giành phần thắng. Nhưng điều đó không bảo chứng cho việc ra đời một sản phẩm tương thích giữa hình ảnh và âm nhạc. Sự tồn tại của hàng loạt sản phẩm lệch pha trên thị trường cho thấy sự chi phối ngày càng mạnh của yếu tố nhìn, xem trong một tổng thể - vốn xuất phát điểm thiên về thính giác. 

Các ca sĩ ngày càng đầu tư khủng vào các MV để tạo nên diện mạo bắt mắt cho các sản phẩm
Các ca sĩ ngày càng đầu tư khủng vào các MV để tạo nên diện mạo bắt mắt cho các sản phẩm

Đây không đơn thuần là câu chuyện của một xu hướng. Dễ thấy, MV đang trở thành vỏ bọc hoàn hảo cho những giọng hát yếu. Điển hình như trường hợp Hương Giang. Chuỗi 4 MV của cô nhanh chóng dẫn đầu xu hướng tìm kiếm trên YouTube, nhưng giọng hát ca sĩ chỉ ở mức tạm ổn, chứ không hay.

Sản phẩm mới nhất của Hòa Minzy có giai điệu, ca từ không quá đặc biệt, đã được cứu rỗi bằng MV hoành tráng, bắt mắt. Không ít MV còn đánh đố khán giả bởi nội dung khó hiểu, buộc họ phải xem đi xem lại. Điều này chỉ có lợi cho ca sĩ, nhà sản xuất khi MV gia tăng lượt xem, nhưng đồng thời cũng khiến âm nhạc bị mờ nhạt.

Thị trường thay đổi, buộc ca sĩ phải chuyển mình thích ứng. Nhưng lớp áo chỉ góp phần làm đẹp, chứ không tạo nên một sản phẩm tròn trịa nếu không có sự tính toán cẩn trọng. 

Trung Sơn

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
  • SS 25-05-2020 08:48:19

    Tôi cũng không thích MV của Hòa Minzy. Giai điệu không có điểm nhấn. Lời bài hát thì hời hợt.

  • Jubn 23-05-2020 20:00:29

    lời phân tích quá thực tế, và thẳng thắn ko theo số đông

  • Nguyen hai 22-05-2020 17:52:18

    1 MV nhạt nhẽo,thiếu chuyên nghiệp,giọng ca quả chán vì sự thật rất chán,làm xấu đi hình ảnh đẹp của Huế,ý tửơng kém và đạo diễn dở,thiếu trình độ và ca sĩ diễn viên hạng C tạo ra 1 sản phẩm quá tệ,quá dở,quá chán

  • Biển Cạn 22-05-2020 15:46:29

    Đừng ngạc nhiên khi các ca sĩ đầu tư chủ yếu vào các MV. Đa số bây giờ không nghe nhạc mà xem nhạc. Thực tế là người ta chủ yếu là xem nhạc trên Youtube, mặc dù ai cũng biết rằng chất lượng âm thanh trên Youtube rất hạn chế. Hơn nữa, ngày nay còn ca sĩ nào ra album dưới dạng CD, LP... mà chỉ phát hành MV. Đừng trách họ, nhạc thị trường mà!

  • Anh Võ 22-05-2020 12:01:38

    Nghệ sĩ nếu được đúng với nghĩa này cần phải có cái đầu có văn hóa, không thể làm văn nghệ mà không có văn hóa được. Họ bị tô vẽ, bị dùi làm những cái vượt sức mình và thế là đẻ ra những quái thai. Chất lượng nghệ thuật không phải được đánh giá bằng số lượng người xem, họ chỉ vào xem cho biết nó quái thế nào thôi ấy mà!!!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI