Nói một đằng, làm một nẻo
Sau khi ca khúc Người lạ ơi gây sốt trong giới trẻ, MV Người lạ ơi phiên bản solo do nữ ca sĩ Orange thể hiện, với sự tham gia của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa, cũng được thực hiện. Ngay khi vừa phát hành đã “làm mưa làm gió”, lọt top trending trên YouTube.
|
Hình ảnh trong MV Người lạ ơi phiên bản solo của nữ ca sĩ Orange do Châu Đăng Khoa thực hiện
|
Chia sẻ về nội dung MV Người lạ ơi và việc gắn nhãn 16+ trong một bài phỏng vấn mới đây, nhạc sĩ Châu Đăng Khoa cho biết: “Khi người lớn cô đơn, ai cũng cần một “người lạ” để chia sẻ và chúng ta tìm đến nhau, làm “chuyện người lớn” đơn giản vì chúng ta đều là những người lớn phải không?”. Tuy nhiên, dù chủ động thông tin đây là MV 16+ nhưng khi đăng tải sản phẩm này trên YouTube, chủ nhân phát hành không thực hiện đúng những gì đã công bố là hạn chế người xem, thay vào đó bất kỳ ai cũng có thể theo dõi MV trên kể cả người dùng dưới 16 tuổi.
Trước đó, nhiều MV ca nhạc khác cũng rơi vào tình trạng tương tự như: Em không hối tiếc của Hương Giang Idol, Xin đừng đi của Mia, Make love của Trà Ngọc Hằng... đều “đậm đặc” cảnh “nóng” và được dán mác 18+. Điểm chung của các MV này là việc chủ nhân tự gắn nhãn một đằng, nhưng rồi phát hành một nẻo và không hề có bất cứ sự hạn chế, rào cản nào dành cho người xem không phù hợp với nội dung sản phẩm. Vậy, việc gắn nhãn hạn chế người dùng có tác dụng gì? Và đơn vị nào sẽ đảm bảo hành lang giới hạn khán giả tiếp cận sản phẩm trên YouTube?
Thực tế, chủ nhân của những MV 16+, 18+ phát hành trên YouTube hoàn toàn có thể chủ động hạn chế đối tượng khán giả bằng việc bật chức năng giới hạn độ tuổi người xem có sẵn trên YouTube khi đăng tải MV. Theo đó, YouTube sẽ mặc định những người dùng có độ tuổi dưới 18 sẽ không thể nhìn thấy các sản phẩm đã được chủ nhân giới hạn người xem.
|
Rất hiếm hoi, MV của Caroon Bùi chỉ có tài khoản YouTube đăng ký trên 18 tuổi mới được xem |
Tuy nhiên, nếu một video được chủ nhân bật chức năng trên thì đồng nghĩa với việc video đó sẽ không còn khả năng kiếm tiền từ YouTube bởi nó sẽ không được gắn quảng cáo hay giới thiệu rộng rãi. Đây là lý do khiến nhiều MV tuy được gắn mác giới hạn nhưng ngay đến trẻ em cũng xem được MV này.
"Lỗ hổng" về quản lý
Thực tế cho thấy, việc nghệ sĩ phát hành sản phẩm nghệ thuật trên YouTube ngày nay đã không còn xa lạ với khán giả, thậm chí nó đã nở rộ thành trào lưu của làng giải trí Việt.
Không khó để lý giải về sự phổ biến của việc phát hành bởi đây là cách quảng bá sản phẩm đến công chúng nhanh và rộng lớn nhất, đồng thời nó còn giúp nghệ sĩ tránh được các khâu xin giấy phép vốn rườm rà tại cơ quan quản lý Nhà nước như việc phát hành băng, đĩa truyền thống. Cũng từ “lỗ hổng” này, nhiều MV ca nhạc có nội dung nhạy cảm dù được ca sĩ dán nhãn 16+, 18+ nhưng vẫn được lưu hành phổ biến và bất kỳ ai cũng có thể xem, kể cả đối tượng khán giả chưa đủ tuổi.
Nắm bắt được thực trạng trên và nhận thấy trách nhiệm trong việc góp phần kiểm soát tốt những sản phẩm văn hóa, bởi nó liên quan đến việc định hướng thẩm mỹ cho công chúng, định hướng những giá trị tư tưởng tốt đẹp, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM – NSƯT Thanh Thúy cho biết trong thời gian sắp tới, Sở VHTT TP.HCM sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Sở Thông tin truyền thông TP.HCM trong công tác quản lý các sản phẩm văn hóa hiện đang được phát hành trên mạng trực tuyến.
“Hiện tại, Sở VHTT TP.HCM đang nghiên cứu phương thức để tham mưu cho lãnh đạo thành phố về việc xây dựng cơ chế phối hợp với Sở Thông tin truyền thông TP.HCM trong công tác quản lý các sản phẩm văn hóa được phát hành trên mạng trực tuyến. Trên thực tế, để quản lý được các sản phẩm, văn hóa phẩm trên mạng trực tuyến thì phải có một hình thức khác, đó là mong muốn của Sở VHTT ở thời điểm hiện tại”, NSƯT Thanh Thúy nhấn mạnh.
|
Ca sĩ Hương Giang Idol cũng từng vướng ồn ào khi phát hành MV dán nhãn 18+ trên YouTube
|
Bày tỏ quan điểm của Cục Nghệ thuật biểu diễn về vấn đề sản phẩm gắn nhãn 16+, 18+ lưu hành rộng rãi trên YouTube nhưng không được kiểm soát bởi cơ quan chức năng, ông Lê Minh Tuấn – Trưởng phòng Quản lý Biểu diễn từng chia sẻ rằng theo Nghị định của Chính phủ, Nhà nước không quy định việc phân biệt 18+ hay 16+ đối với các chương trình, tiết mục biểu diễn nghệ thuật, thay vào đó là những quy định chặt chẽ về nội dung các tác phẩm nghệ thuật được sáng tác, biểu diễn phải phù hợp với giá trị đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục dân tộc và các quy định pháp luật có liên quan.
Vậy, mác 16+ hay 18+ của các sản phẩm âm nhạc trong thời gian qua, tuy về hình thức là một cách nghiêm túc cảnh báo với sản phẩm của mình, nhưng thật ra chỉ là một cách để thu hút nhiều sự tò mò của khán giả.
Quang Hùng