Mưu sinh cùng mẹ

24/08/2018 - 06:00

PNO - Vu Lan, nghĩ về mẹ, những người mẹ tảo tần địu con trên quang gánh ngày xưa đã được thế chỗ đi bởi những người mẹ khác. Dẫu hình ảnh có thay đổi, nhưng nỗi vất vả chẳng kém gì nhau.

Hôm rồi, chợt thấy có người phụ nữ địu con bán vé số giữa trời Sài Gòn nắng gắt. Không kịp dừng lại để mua một tờ vé số cho hai mẹ con nhà ấy, nhưng vẫn kịp nhận ra người mẹ cười và hôn đứa con nhỏ xíu. Thấy mắt mình cay xè.

Mẹ tôi vốn là người phụ nữ vất vả. Bằng tuổi tôi bây giờ, mẹ đã góa chồng, nuôi hai đứa con còn nhỏ. Lúc ba tôi còn sống cũng không hạnh phúc gì vì nhà nghèo, hai vợ chồng cũng lục đục nhưng dẫu sao cũng có đàn ông trong nhà.

Ba tôi mất thì nhà đơn chiếc và khó khăn hơn. Mười ba tuổi tôi đã phải phụ bán hủ tiếu với mẹ. Một buổi đi học, một buổi phụ bán, tối thì học bài xong thì đi ngủ chứ mẹ thì thức bán đến khuya.

Có những hôm, học bài xong chạy ra nhà trước thì thấy mẹ ngủ gà ngủ gật. Dáng mẹ ốm, khắc khổ và gầy gò. Thấy thương mẹ, một đời vất vả. Vậy mà, dường như, đến đời của mình, tưởng rằng mình cũng là người phụ nữ hiện đại, sống trong một thành phố năng động nhất nước nhưng rồi cũng thấy mình không khác mẹ là bao nhiêu.

Ở Sài Gòn này, nếu nhìn người giàu thì có thể nhìn cả ngày cũng không hết, nhưng nếu nhìn người nghèo, nhất là những người mẹ nghèo có thể nhìn từ ngày này qua ngày khác cũng không hết những hoàn cảnh khó khăn.

Muu sinh cung me
Có nhiều đứa trẻ phải cùng mẹ mưu sinh trên đường. Ảnh minh họa

Có những khoảng thời gian khó khăn mà nhớ lại là tôi chảy nước mắt vì thương con. Đứa đầu thì 3 tháng, mẹ đã phải đi làm, đứa sau thì được 6 tháng nhưng rồi phải gửi vào nhà trẻ vì nhà đơn chiếc.

Hơn 4 giờ sáng, tôi đã phải dậy nấu cơm để mang theo và chiều về có cái ăn ngay, con không đói vì chờ cơm. Có ai hỏi khi thấy tôi lỉnh kỉnh hộp lớn hộp nhỏ thì tôi nói là thích cơm nhà, chứ thực ra chỉ để tiết kiệm. 

Đó cũng chưa là những khó khăn nhất mà mấy mẹ con trải qua. Thất nghiệp một thời gian thì tôi đi bán sách dạo. Có lúc nhờ được ai giữ con giúp thì thôi, không thì na con theo ngoài hè đường đội nắng đội mưa để cùng bán sách. 

Có phải những khó khăn rồi sẽ tôi luyện con người nên vững vàng cứng cáp hơn hay không mà sau những ngày lê la cùng mẹ, cậu con trai lớn dù chỉ mới hơn 4 tuổi đã biết tiêu tiền.

Có hôm giày bị hở mũi, hỏi con mẹ nên mua giày hay mẹ mua đồ chơi? Con trả lời ngay: mẹ mua giày đi, khi nào mẹ nhiều tiền mua đồ chơi cho con cũng được. Thấy mũi cay xè và bèn ngó đi chỗ khác để nước mắt khỏi rơi.

Những ngày con lê la bán sách, cậu lớn biết giúp mẹ bỏ sách vào túi, cậu nhỏ thì thường sẽ có ai đó giữ cậu giúp, có khi mệt lã thì lăn ra ngủ trên ghế. Lúc đó, vì xót con chỉ ước mình giàu có, để con có thể được đi chơi chỗ này chỗ nọ chứ nhìn con không khác những đứa trẻ “bụi đời” là mấy.

Vậy mà, tối về con cứ nói khi nào mẹ đi bán sách mẹ cho con đi nữa. Vì vui, vì có mẹ. Trẻ con thật đơn giản. Một cái bánh, một ly nước lọc cũng đã khiến con vui như mình có một bữa ăn thịnh soạn. Và chỉ cần ở bên mẹ, con đã cảm thấy như mình có đủ tất cả những thứ con cần.

Muu sinh cung me
Dường dài giông gió, có mẹ là đủ. Hình minh họa

Tôi có cậu bạn lớn hơn tôi bốn tuổi nhưng học cùng lớp, vì bạn có bốn năm bôn ba qua đất Campuchia cùng mẹ. Để mưu sinh. Để bán bánh còng, bánh cam giữa chợ bên Biển Hồ. Sau đó bạn mới về lại Việt Nam và tiếp tục đi học. Hỏi bạn nếu như được chọn, ở cùng mẹ mà phải nghỉ học, đi qua đất khách quê người để kiếm sống và ở quê cùng ông bà và đi học, bạn chọn cái nào? Câu trả lời không do dự của bạn là đi cùng mẹ.

Mưu sinh chưa bao giờ dễ dàng và có những đứa trẻ cũng chỉ ước mong được đi cùng bố mẹ. Nhưng chúng không được chọn lựa. Rất nhiều những người mẹ đã phải nuốt nước mắt mà xa con để mong kiếm được tiền gửi về cho con hàng tháng, có những đứa trẻ chỉ ước mẹ đừng đi làm xa mà ở nhà với chúng.

Ngẫm lại, tôi thấy mình còn may mắn, bởi những khó khăn luôn có con cùng chia sẻ và đi cùng. Nhờ vậy mà cuộc mưu sinh ấy đỡ chênh vênh.

Kim Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI