'Mưu nữ lang' kỳ lạ nhất của đạo diễn Trương Nghệ Mưu

11/09/2023 - 15:15

PNO - Bộ phim năm 1999 của đạo diễn Trương Nghệ Mưu là tác phẩm làm thay đổi cuộc đời Ngụy Mẫn Chi - nữ chính trong phim - nhưng không phải theo hướng nở rộ trong sự nghiệp diễn xuất như những “Mưu nữ lang" (những nữ diễn viên nổi tiếng nhờ tác phẩm của Trương Nghệ Mưu) khác. Thay vào đó, tác phẩm giúp cô gái này có cơ hội học hành thoát khỏi cái nghèo của vùng thôn quê để có sự nghiệp ở xứ người.

Sau thất bại về doanh thu phòng vé lẫn tiếng tăm của Có lời thì nói - bộ phim về đô thị đương đại - vào năm 1997, đạo diễn Trương Nghệ Mưu quyết định quay lại với đề tài thế mạnh của mình - nông thôn. Trong lúc đang suy nghĩ về kịch bản cho dự án tiếp theo, ông bắt gặp cuốn tiểu thuyết Thái dương trên bầu trời và bị lôi cuốn trước câu chuyện về một cô bé chưa đủ tuổi phải làm cô giáo dạy thế tại một trường tiểu học ở nông thôn. Ông quyết định chuyển thể tác phẩm thành phim vào năm 1998. 

Ngụy Mẫn Chi bên đạo diễn Trương Nghệ Mưu - Nguồn ảnh: Into Film
Ngụy Mẫn Chi bên đạo diễn Trương Nghệ Mưu - Nguồn ảnh: Into Film

“Đúng là cô gái này rồi!”

Ở một vùng quê nghèo khó, Ngụy Mẫn Chi được thầy giáo trong lớp và người trong xã giao nhiệm vụ quản lớp học vì thầy của em có công việc phải lo trong gia đình. Và rồi một cô bé chỉ mới học đến lớp Bảy, gương mặt còn ngây ngô phải trải qua lần đầu làm người lớn: ngày ngày quản một lớp học với 28 đứa trẻ cỡ tuổi em trai, em gái mình nhưng vẫn phải xưng “cô" trước mặt tụi trẻ, chịu trách nhiệm chăm lo, giải quyết những nổi loạn, phá phách từ những học trò gia cảnh khó khăn.

Chi tiết ấn tượng nhất trong phim là 2 lần rượt đuổi của Mẫn Chi: lần đầu tiên nhằm bắt lại cậu học trò đáo để nhất lớp để đưa cậu ta về lớp, lần thứ hai là chạy theo chuyến xe mà trưởng thôn và thầy thể dục đưa cô học trò nhỏ của mình đi rèn luyện thành vận động viên. Ngụy Mẫn Chi - một người được gán cho nhiệm vụ gieo chữ - lại chọn đối đầu vấn đề theo cách của một đứa trẻ - rượt đuổi cho đến khi bắt được mục tiêu.

Cuộc rượt đuổi đó tượng trưng cho sự quyết liệt, tinh thần chiến đấu đến cùng của một cô bé. Nó vượt khỏi những khuôn phép, lề thói dạy bảo dành cho con gái lúc bấy giờ, vốn chỉ là đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Ở Ngụy Mẫn Chi toát lên khí chất mạnh mẽ, kiên cường và không chịu khuất phục. Càng lớn, con người càng sợ chạy. Họ sợ mệt, sợ thở dốc, sợ té ngã, sợ bị thương... Nhưng Mẫn Chi lại khác. Kể cả khi những cuộc chạy đua có thể khiến cô thua cuộc, đổ máu, cô vẫn chạy. Có lẽ đó là “tố chất” chỉ có ở độ tuổi vị thành niên. Người lớn ngại chạy và cũng dạy dỗ trẻ con đừng rượt đuổi nhưng Chi, cô giáo của bọn trẻ con, thì bất chấp để đấu tranh cho học trò của mình, mặc cho người lớn đã bảo cô ngừng lại. 

Nét hồn nhiên và sự dũng cảm, táo bạo của Ngụy Mẫn Chi đã chinh phục cảm xúc khán giả - Nguồn ảnh: Letterboxd
Nét hồn nhiên và sự dũng cảm, táo bạo của Ngụy Mẫn Chi đã chinh phục cảm xúc khán giả - Nguồn ảnh: Letterboxd

Và rồi cuộc rượt đuổi của cô cũng được những người làm truyền thông biết đến. Họ đưa cô lên truyền hình phỏng vấn như một tấm gương - nhưng hình ảnh Mẫn Chi trên sân khấu lại là một cô giáo không ngừng rơi nước mắt kêu gọi học trò của mình trở về lớp học.

Thông điệp cuối phim là con số đáng lưu tâm về số trẻ em phải bỏ học hằng năm do đói nghèo và lời kêu gọi quan tâm nhiều hơn nữa đến giáo dục, học hành cho lứa mầm non. Kể cả khi đây là bộ phim có thông điệp truyền thông cụ thể về một vấn đề xã hội, Không mất một em vẫn chinh phục khán giả bởi sự mộc mạc, chân thực, quyết liệt một cách trẻ thơ đến từ nhân vật chính. Thêm vào đó là nét hồn nhiên, tinh nghịch nhưng biết phục thiện của 28 đứa trẻ trong lớp. 

Nguỵ Mẫn Chi cũng chính là tên thật của nữ diễn viên chính ngoài đời và thời điểm đóng phim, cô bé cũng ở độ tuổi 13, là con thứ trong một gia đình nông dân bình thường. Để bộ phim chân thực và bám sát với tiểu thuyết gốc nhất có thể, trong quá trình tuyển chọn diễn viên, đạo diễn họ Trương quyết định sử dụng các diễn viên không chuyên, hy vọng thể hiện đúng tinh thần tác phẩm. 

Đoàn làm phim đến các vùng nông thôn ở Hà Bắc để tiến hành công việc tuyển chọn, thử vai. Họ dừng chân ở làng Zhenningbao, huyện Xích Thành, thành phố Trương Gia Khấu. Người trưởng thôn đã tập hợp tất cả trẻ em trong làng để chụp ảnh và đoàn đã “chấm” cặp chị em song sinh Ngụy Mẫn Chi - Ngụy Công Chí. Ban đầu, mọi người để ý đến Ngụy Công Chí nhiều hơn do cô bé có vẻ nhanh nhẹn và ăn ảnh hơn. Nhưng khi được yêu cầu thực hiện tiết mục biểu diễn tài năng, Ngụy Công Chí lại không làm được do bản tính nhút nhát và sống nội tâm. Cô cứ nép mình sau lưng chị mình. Lúc này, Ngụy Mẫn Chi chủ động xin đoàn cho mình hát và nhảy.

Cô bé đã hát lạc điệu bài hát thiếu nhi yêu thích của mình, nhảy cũng không đẹp. Thế nhưng, sự trong sáng, dũng cảm của cô bé lại cực kỳ thu hút các thành viên đoàn phim. Thậm chí, cô không hề tỏ ý ngần ngại khi nghe lời đề nghị đóng phim.

Lập tức, cô gái nhỏ chưa hề có kinh nghiệm diễn xuất được đoàn làm phim đưa về Bắc Kinh để thử vai với những ứng cử viên nặng ký khác. Khi chỉ còn Ngụy Mẫn Chi và một người cuối cùng, Trương Nghệ Mưu quyết định lựa chọn bằng cách kiểm tra tính cách bùng nổ, táo bạo của 2 cô bé. Ông đưa cả 2 đến một con phố náo nhiệt và yêu cầu họ hét vào đám đông đi qua. Trong khi ứng viên kia nhút nhát và hét rất nhỏ, Ngụy Mẫn Chi đã hét lớn, bất chấp nhiều người nhìn ngó. Tiếng hét của cô bé vang vọng khắp đường phố. Vị đạo diễn họ Trương đang ngồi trước máy quay nhìn thấy vậy vui sướng chỉ tay vào Ngụy Mẫn Chi, hét lớn: “Đúng là cô gái này rồi!”.

Trailer phim Không mất một em:

 

Lối đi khác của "Mưu nữ lang" 

Năm 1999, Không mất một em chính thức ra rạp và đạt doanh thu ngất ngưởng, giúp Trương Nghệ Mưu lấy lại danh dự sự nghiệp khi góp mặt ở nhiều liên hoan phim lớn trong và ngoài nước. Ngụy Mẫn Chi - 14 tuổi khi ấy - trở thành cái tên được nhiều nhà làm phim và cánh phóng viên săn đón. Cùng năm đó, đạo diễn họ Trương cũng thành công với bộ phim Đường về nhà và Chương Tử Di - nữ chính trong phim - cũng có sự nghiệp phất lên từ khi tham gia phim của ông. Nhà của Ngụy Mẫn Chi cũng được cánh báo chí đến gõ cửa. Nhưng cuối cùng, cô bé chọn gác lại việc diễn xuất.

Cha mẹ của Ngụy Mẫn Chi là những nông dân ít chữ. Họ cũng rất đắn đo về việc con gái có nên tiếp tục theo đuổi nghiệp diễn xuất hay không. Cô bé quyết định cầu cứu vị đạo diễn của mình. Ông bèn trao đổi nghiêm túc với Ngụy Mẫn Chi rằng tuy lúc này cô bé nổi tiếng nhưng không đồng nghĩa cô phù hợp với môi trường giải trí. Việc diễn xuất chỉ là một trải nghiệm độc đáo trong cuộc đời, tốt nhất hãy quay lại trường, học thật chăm chỉ để vào được trường đại học tốt, trở thành người có ích cho đất nước.

Bộ phim của đạo diễn họ Trương đã giúp cô gái này có cơ hội học hành để làm nên sự nghiệp ở xứ người
Bộ phim của đạo diễn họ Trương đã giúp cô gái này có cơ hội học hành để làm nên sự nghiệp ở xứ người

Nghe lời Trương Nghệ Mưu, đồng thời chứng kiến truyền thông không ngừng so sánh ngoại hình của cô với Chương Tử Di, gọi cô là “Mưu nữ lang" xấu xí nhất trong lịch sử, Ngụy Mẫn Chi không tiếp tục đóng phim, từ chối lời mời của các trường nghệ thuật.

Cô bé đến trường trung học trọng điểm Thạch Gia Trang học văn hóa. Hiệu trưởng của trường chẳng những không thu học phí của cô mà mỗi tháng còn trợ cấp cho cô khoảng 50 USD. Ông còn nhận cha mẹ và em gái cô vào trường làm việc.

Nhận ra mình có ước mơ làm đạo diễn, cô nộp đơn đến các trường đại học. Trúng tuyển vào một trường cao đẳng truyền thông ở tỉnh Tây An, năm 2006, cô ra mắt bộ phim đầu tiên, sau đó làm đạo diễn một vài vở kịch.

Việc gặp được một phó giáo sư đại học từ Mỹ, người hâm mộ bộ phim cô đóng năm xưa đã mở đường cho Ngụy Mẫn Chi đến với xứ sở cờ hoa. Đến quê hương mới, cô vừa chăm chỉ học tiếng Anh, vừa đi làm bán thời gian ở đài truyền hình, dẫn chương trình song ngữ và lập gia đình, định cư. Cô vẫn tiếp tục theo đuổi con đường thành đạo diễn chuyên nghiệp, và vẫn coi đạo diễn Trương Nghệ Mưu là người truyền cảm hứng trong sự nghiệp của mình. 

Vĩnh Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI