Mứt tết hàng xá "lên đời"

26/12/2015 - 07:26

PNO - Hiện, các loại mứt đã tràn ngập tại các chợ sỉ, lẻ TP. HCM. Không chỉ được bày bán trong chợ, mứt tết còn tràn ra đường.

Mut tet hang xa

Nhiều mặt hàng "ba không" (không nhãn mác, không nguồn gốc, không hạn sử dụng) nhưng chỉ cần khách yêu cầu, sản phẩm sẽ có ngay thương hiệu.

Mứt trong chợ "thay áo"

Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày này mặt hàng mứt chưa tăng giá, chênh lệch từ 40.000-240.000đ/ký, tùy loại. Chợ sỉ Bình Tây (Q.6) như một trạm trung chuyển mứt “ba không”.

Hầu hết, khách đến lấy mứt sỉ tại chợ này đều là mối quen hoặc “truyền tai”, tiểu thương không cần quảng cáo. Với khách mới, vãng lai, khách du lịch, tiểu thương sẽ trưng ra các thùng giấy có ghi tên cơ sở sản xuất mứt hoặc tem dán mang tên các thương hiệu nổi tiếng ở Bến Tre, Đà Lạt, TP.HCM...

Thấy sạp O.H. chỉ trưng bày mứt hàng xá trong các bao giấy, chúng tôi thắc mắc nguồn gốc, chị bán hàng nhanh tay moi trong gầm bàn ra một xấp thùng giấy, trên thùng độc nhất dòng chữ: “Mứt gia truyền T.P.”, kèm địa chỉ, rồi nói: “Mứt lấy về phải khui thùng để bày ra bán. Nếu khách mua nhiều từ 10kg trở lên mới đóng thùng trở lại. Đâu phải hàng trôi nổi mà nghi ngờ, thắc mắc”.

Nhưng khi chúng tôi tìm đến địa chỉ ghi trong thùng giấy thì đó chỉ là một ngôi nhà cấp bốn luôn đóng kín cửa. Một người đàn ông nhìn chúng tôi từ đầu đến chân, nói gọn lỏn: “Cơ sở sản xuất đặt dưới Hóc Môn”.

Mut tet hang xa
Mứt dừa hàng xá được đựng trong bao có logo của nhà sản xuất, ghi rõ thành phần của mứt… để lấy lòng tin với khách hàng

Mọi năm, các loại mứt ướt như mứt gừng, mứt tắc, mứt chanh, mứt mận… đều được chị Liên, chủ sạp L. (chợ Bình Tây) để trong bao cứng, miệng bao mở tênh hênh. Gió, bụi bặm, ruồi… có cơ hội “tẩm” vào mứt, làm mứt mất ngon. Năm nay, chị mua giấy kiếng có in hình hoa mai, hoa đào về gói từng trái tắc, trái mận; bên trong dán kèm miếng giấy nhỏ ghi cơ sở sản xuất “Tắc gừng đặc biệt Tuấn”.

Theo chị, mứt hàng xá nhưng chỉ cần đóng gói, mứt tự dưng “lên đời”. Nếu mứt chanh gừng chưa đóng gói có giá 80.000đ/ kg, đóng gói thì tăng lên 85.000- 90.000đ/kg (mua nhiều sẽ giảm giá). Không chỉ mối mà du khách nước ngoài tham quan cũng mua nhiều vì tin tưởng vào mứt có nguồn gốc, ăn không dính tay, giữ nguyên độ dẻo. “Em mua số lượng bao nhiêu cũng có, cứ đặt trước với chị, chị sẽ đóng gói đàng hoàng” - chị Liên nói.

Tại sạp C.L. (chợ Bình Tây), đập vào mắt chúng tôi là hai bịch mứt dừa rất to (mỗi bịch khoảng 10kg), được kê cao, để ngay lối đi. Mứt được buộc kỹ càng, bên ngoài là logo bắt mắt của cơ sở sản xuất.

Không ghi sơ sài, đối phó như nhiều thương hiệu khác, cơ sở này ghi rõ thành phần gồm: dừa rám, đường cát, màu thực phẩm làm trắng dừa, hương dâu, hương dừa, hương dứa, sữa; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu: độ ẩm, hàm lượng đường, thành phần… là bao nhiêu. Anh Tuấn, chủ sạp này cho biết, năm nay cơ sở sản xuất chủ động in logo lên bao mứt. Dù hàng xá nhưng khách hàng nhìn thấy nhãn sẽ tin sản phẩm hơn.

Đến các sạp mứt tại chợ An Đông (Q.5), các chủ sạp rất niềm nở mời mọc: “Mua mứt nào, chọn đi. Từ sen, nhãn, bí, khoai lang, chùm ruột, mãng cầu… loại nào chị cũng đóng gói, ép nhựa, hút chân không hoặc đóng vào keo”.

Chúng tôi mua thử một ít mứt mận, chị tiểu thương sạp B.T. bỏ mứt vào bao ni lông, dùng kim bấm đầu, bên ngoài dán thêm miếng giấy có logo gồm số điện thoại, số sạp; phía sau là ruy băng có nơ với dòng chữ “chúc mừng năm mới”. “Dán logo thông tin về sạp để tạo lòng tin cho khách” - chủ sạp T.N. cho biết.

Còn tại chợ Tân Định (Q.1), mứt hàng xá bày bán nhiều, ngoài số bịch hút chân không, dù mua số lượng nhiều hay ít đều được bỏ vào trong túi ni lông hoặc túi có khóa kéo, bên ngoài dán thêm logo thông tin về sạp.

Chủ sạp H.L. cho biết: “Mứt mua về đâu thể ăn hết một lần, túi khóa kéo giúp bảo quản được mứt lâu dài. Một ký túi khóa kéo giá 90.000đ nhưng đựng được hàng trăm ký mứt, tiểu thương lời ít hơn một chút nhưng lấy được lòng khách”.

Nếu mọi năm, các khay đựng mứt chỉ bằng nhựa thì năm nay một số nơi bán trang bị hẳn khay inox. Theo các tiểu thương, khay inox vừa đẹp vừa giữ chất lượng mứt tốt hơn. Mỗi khay mứt đều có giấy ghi tên, địa chỉ, số điện thoại cơ sở sản xuất.

Mứt hàng xá không chỉ “lên đời” về bao bì, màu sắc, chất lượng cũng có sự thay đổi. Mọi năm, mứt chùm ruột sẽ có một màu đỏ tươi bắt mắt thì năm nay có hai màu: đỏ nhạt và đỏ sậm, không còn ngọt gắt mà vị chua chua ngọt ngọt; các loại mứt sấy khô như mít, khoai lang tím không còn màu vàng tươi hoặc tím sậm mà có màu sắc tự nhiên hơn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI