2 hướng đi khác biệt
Phát hành single cùng lúc với MV từ lâu đã là “quy trình” chung để các nghệ sĩ giới thiệu sản phẩm. Trong khi phần nhạc (audio) có thể được khán giả nghe trên các nền tảng streaming thì phần nhìn (MV) lại được đầu tư nhiều hơn, nhằm thu hút cũng như giúp cho sản phẩm được biết đến rộng rãi hơn. Do vậy MV thường được đầu tư với mức độ “khủng”. Nữ ca sĩ Võ Hạ Trâm tiết lộ đã chi khoảng 5 tỉ đồng để đến Ấn Độ quay hình cho dự án The Love Journey. Tuy không tiết lộ số tiền, MV Vũ trụ có anh của Phương Mỹ Chi cũng được đánh giá là tương đối cao khi lấy chủ đề đa vũ trụ, kết hợp quay hình cùng đồ họa ấn tượng.
|
Hình ảnh từ vlog trekking băng rừng của Vũ Cát Tường |
Không chỉ đến các vùng đất xa lạ, các nghệ sĩ cũng đã áp dụng công nghệ mới để giúp sản phẩm thêm phần độc đáo. Có thể kể đến các dự án như Em đang ở đâu của VP Bá Vương, dùng công nghệ CGI để tái hiện các cảnh quay ngoài vũ trụ hay MV Hope của Tùng Dương áp dụng công nghệ Virtual/Tracking Realtime với hình ảnh ảo kết hợp cùng diễn xuất thật…
Tuy vậy, dù được đầu tư lớn nhưng không phải dự án nào cũng thành công. Ngoài Võ Hạ Trâm và Phương Mỹ Chi tạo được thành tích ấn tượng khi đứng ở vị trí cao trên top trending, phần lớn các dự án “tiền tỉ” còn lại chỉ là “làm xong để đó”.
Một xu hướng khác được các nghệ sĩ trong nước cũng như quốc tế áp dụng là không quay MV hoặc chỉ ra mắt các visualizer MV (MV đồ họa) hay lyric video (MV hiện lời bài hát). Nếu như trước đây cách làm này thường được áp dụng cho các bài hát không được lựa chọn để thành single mở đường hay đĩa đơn quảng bá thì giờ đây nó đã được áp dụng cho hầu hết sản phẩm. Sơn Tùng trở lại gần đây cũng đã đi theo hướng này với bài hát Making my way. Những tưởng là màn trở lại ấn tượng sau gần 1 năm không có sản phẩm nào mới, thế nhưng ngoài audio thì single này chỉ có một visualizer video đơn giản.
MV Making my way - Sơn Tùng
Trải nghiệm “sâu” hơn
Sơn Tùng nói về lý do Making my way không có MV: “Chúng ta gắn kết với nhau thông qua giai điệu, như lúc Tùng cho ra mắt Cơn mưa ngang qua, Em của ngày hôm qua… Trước khi có MV, audio của những bài đó cũng được mọi người yêu thương, ủng hộ. Đến thời điểm này, Tùng muốn thay đổi cách mang âm nhạc đến cho khán giả. Tùng muốn mọi người chìm đắm trong âm nhạc và MV, hình ảnh cuối cùng cũng chỉ là màu sắc, làm nền cho các bài hát, dẫu nó sẽ giúp âm nhạc được biết đến nhiều hơn”.
Thay vì tập trung “cày view” để leo vào top trending, các nghệ sĩ giờ đây mong muốn khán giả quan tâm nhiều hơn vào trải nghiệm nghe, để âm nhạc được sống đúng như sứ mệnh của mình. Đây cũng là hướng đi rất gần với cách tiếp cận những thứ giản đơn và “không hoàn hảo” nhưng rất nghệ thuật của thế hệ Z hiện nay, như nghe nhạc lo-fi, dùng Instagram, chỉnh màu retro…
Ngoài ra cùng với mong muốn vươn ra thế giới, việc đưa các sản phẩm này lên những nền tảng thiên về phần nghe và có trả phí như Apple Music, Spotify… cũng là hướng đi đúng đắn. Bởi lẽ thành tích của một bài hát trên các bảng xếp hạng (BXH) âm nhạc quốc tế phần lớn phụ thuộc vào lượt streaming có trả phí, dẫn đến YouTube hay TikTok - những nền tảng thiên về phần nhìn cũng như miễn phí, không tạo được nhiều khác biệt, dẫu cho lượt xem có nhiều đi nữa.
Với BXH Billboard, lượt nghe của một ca khúc phần lớn được tính theo các tài khoản có trả phí. Theo đó, phải 4,5 lượt nghe miễn phí thì mới tích được số điểm bằng 1 lượt nghe trả phí.
|
Hình ảnh từ MV visualizer của Sơn Tùng |
Điều này dẫn đến lượt xem YouTube không đóng góp nhiều vào thành tích do dịch vụ trả phí YouTube Premium chỉ mới xuất hiện ở nước ta vào giữa tháng Tư vừa qua. Đó cũng là lý do MV Muộn rồi mà sao còn của Sơn Tùng trước đây tuy có lượt view cao ngất ngưởng nhưng chỉ đứng ở vị trí 126 trên BXH Billboard. Việc tập trung vào các nền tảng có trả phí vẫn là phương thức giúp sản phẩm được các BXH ghi nhận nhanh và chính xác nhất.
Tuy vậy, việc không phát hành các MV nhạc cũng không đồng nghĩa với việc MV được đơn giản hóa, thiếu tính sáng tạo. Trước đây, MV Em bỏ hút thuốc chưa? của Bích Phương cũng từng tạo được sự thích thú, khi chỉ bao gồm những dòng tin nhắn được viết theo lời bài hát. Wren Evans cũng cho ra mắt phiên bản MV được sản xuất với ngân sách chỉ “1 triệu đồng” của bài Cơn đau, với dụng ý rằng “tuy nghèo nhưng giàu ý tưởng”, cũng nhận được sự yêu thích từ khán giả trẻ, bởi cách làm độc đáo và mới lạ.
Có thể thấy, khuynh hướng đơn giản hóa MV đã và đang trở thành một hướng đi tốt. Không chỉ giúp cho trải nghiệm âm nhạc được tập trung hơn mà còn giúp sáng tạo của các nghệ sĩ thêm mới mẻ, không chỉ về mặt cảm nhận từ phía khán giả mà cả sự ghi nhận trên các BXH âm nhạc quốc tế với tinh thần nghe có trách nhiệm.
Thuận Phát