"Mướt mồ hôi" đặt xe, ship hàng... qua app vì xăng tăng giá

30/05/2022 - 11:27

PNO - Giá xăng trong nước lên hơn 30.000 đồng/lít khiến thu nhập của tài xế xe “công nghệ” giảm mạnh. Nhiều người đã tắt hoặc bỏ luôn ứng dụng (app) để tìm kiếm công việc khác. Đây là một phần nguyên nhân khiến thời gian gần đây, người dùng tại TPHCM và các thành phố lớn khó đặt xe, giao hàng (ship)... qua ứng dụng.

Anh Đỗ Xuân Trường - một tài xế (đối tác) của hãng Gojek - tính toán, các tháng trước, trung bình mỗi ngày chạy xe, sau khi trừ chiết khấu cho hãng, anh còn khoảng 400.000 đồng. Để đạt được mức này, anh chỉ tốn tiền đổ xăng khoảng 80.000 đồng. Hiện giờ, chi phí xăng tăng lên 120.000 đồng, doanh thu chỉ còn 280.000 đồng/ngày trong khi chi phí ăn, uống cũng tăng vọt. Anh đang tính đến việc quay lại làm công nhân.

Giá xăng quá cao khiến thu nhập của các tài xế xe “công nghệ” giảm mạnh,  nhiều người muốn chuyển nghề - ẢNH: Q.THÁI
Giá xăng quá cao khiến thu nhập của các tài xế xe “công nghệ” giảm mạnh, nhiều người muốn chuyển nghề - Ảnh: Q.Thái

Nhiều đồng nghiệp của anh Trường đã tắt hoặc xóa ứng dụng (app), kiếm nghề khác để mưu sinh. Những người còn làm tài xế chỉ thích chạy cuốc ngắn (3 - 4km đổ lại) sao cho vừa đủ điểm tích lũy số cuốc để có thưởng. Anh nói: “Chạy quãng ngắn ít tiền hơn, nhưng được nhiều cuốc hơn. Đa số tài xế chọn các khu vực đông dân cư hay các bến xe, sân bay để kiếm khách. Người ở vùng ven, ngoại thành bây giờ đặt xe khó hơn. Tài xế không chịu chạy cuốc dài do ngại hao xăng, tổng số cuốc trong ngày ít”.

Anh Ngô Thịnh Phát - tài xế hãng Grab - cho biết, doanh thu chạy xe mỗi ngày của anh được 700.000 - 800.000 đồng sau khi đã trừ chiết khấu cho hãng nhưng chi phí xăng đã ngốn gần 200.000 đồng. Chủ các app đã tăng cước để bù vào giá xăng nhưng giá cước cao lại khiến lượng đặt xe giảm. 

Anh nêu ý kiến: “Sẽ hài hòa hơn nếu các hãng xe “công nghệ” giảm bớt mức chiết khấu thay vì tăng giá cước. Khi giảm mức chiết khấu, tài xế được san sẻ một phần chi phí mà vẫn có nhiều khách đi xe. Một cuốc GrabBike 35.000 đồng mà bị trừ chiết khấu, phí 12.000 đồng là quá cao”.
Anh Hải - tài xế chạy taxi “công nghệ” - cũng cho biết, giá xăng tăng mạnh khiến thu nhập của anh và các đồng nghiệp giảm đáng kể. Trung bình mỗi ngày, anh chạy 200 - 250km. Trước đây, anh tốn tiền xăng khoảng 350.000 - 400.000 đồng, nay tốn 550.000 - 600.000 đồng/ngày. Sau khi trừ chiết khấu, ăn uống, hao mòn xe, thu nhập của anh chỉ còn 250.000 - 300.000 đồng/ngày, giảm một nửa so với trước đây. 

Đại diện các hãng xe “công nghệ” ở TPHCM thừa nhận, giá xăng tăng liên tục đã ảnh hưởng xấu đến thu nhập của tài xế. Để giữ chân tài xế, các hãng đã tăng giá cước, có thêm chính sách ưu đãi cho những người tích cực chạy xe. Theo đại diện Grab Việt Nam, hãng có chương trình thưởng cho tài xế nhận các chuyến xe có điểm đón khách xa, thưởng cho tài xế GrabCar đón khách trong khung giờ cao điểm. 

Đại diện Gojek cho biết, từ sau tết Nguyên đán đến nay, nguồn tài xế của hãng vẫn ổn định. Khi giá xăng tăng liên tục, hãng đưa ra chính sách tặng các tài xế phiếu xăng, trị giá phiếu theo hiệu suất làm việc của tài xế. Đối với đối tác tài xế chạy xe bốn bánh ở TPHCM, Gojek có thêm chương trình “Chạy một tuần, lãi 7% doanh thu”. Dựa vào hiệu suất hoạt động trong một tuần, tài xế sẽ được xếp hạng và nhận thưởng tương ứng các mức 3%, 5%, 7%. 

Phí vận chuyển hàng hóa tăng mạnh

Tại TPHCM, giá cước vận chuyển hàng hóa hiện tăng rất cao. Một số người tiêu dùng cho biết, cùng một đơn hàng gửi từ địa chỉ một nhà xe trên đường Phó Cơ Điều (Q.5) về Q.Bình Thạnh đặt qua các app giao hàng cách đây khoảng ba tháng chỉ khoảng 45.000 - 50.000 đồng/đơn (dưới 20kg), giờ là 55.000 - 91.000 đồng (tùy hãng, thời gian giao nhanh hay chậm).

Theo chị Quỳnh Trang (ngụ Q.Bình Thạnh), phí vận chuyển (ship) đồ ăn của các app cũng tăng cao, thậm chí một số đơn hàng có phí ship còn cao hơn cả giá đồ ăn. Chẳng hạn trước đây, chị đặt bún cá Nha Trang ở đường Nguyễn Gia Trí (Q.Bình Thạnh) giao về nhà với cự ly chưa quá 5km, phí giao hàng từ 14.000 - 23.000 đồng/đơn. Giờ cũng đơn hàng đó, phí giao hàng đã là 32.000 đồng, phí nền tảng 2.000 đồng, tổng phí là 34.000 đồng/đơn, gần bằng giá tô bún (40.000 đồng).
Anh Phan Thanh Hải - kinh doanh thực phẩm ở TP.Thủ Đức - cho hay: phí ship hàng hiện đã tăng bình quân 5.000 - 10.000 đồng/đơn, tùy vào thời điểm. Để tiết kiệm chi phí vận chuyển cho khách, anh thường chọn dồn nhiều đơn giao cùng lúc. Với những khách muốn đặt hàng giao nhanh trong 1 - 2 giờ, tiền ship lên đến từ 90.000 - 100.000 đồng/đơn/khoảng cách trung bình là 5km.

Một số tài xế công nghệ cho biết, ở một vài ứng dụng, tài xế có quyền lựa chọn nhận hay không nhận đơn hàng. Khi thấy khách đặt lần đầu, giá cước thấp, tài xế sẽ bỏ qua. Chờ đến khi ứng dụng tự động nâng giá (vì lý do không có tài xế, cao điểm…) tài xế mới nhận cuốc. Thủ thuật này cũng góp phần khiến giá cước tăng.

Quốc Thái 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI