Không ít lần tôi tự hỏi vì sao chị dâu tôi vừa không có ngoại hình, lại cũng không giỏi nữ công gia chánh nhưng anh tôi luôn hết mực yêu chiều? Tôi rủ rỉ hỏi thăm, chị không ngại chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn đàn ông yêu mình, trước hết mình phải hiểu họ”.
Thời thanh niên, anh tôi nổi tiếng là người ngang bướng nhưng khi lấy vợ về lại răm rắp nghe theo lời vợ. Anh luôn xem chị như là “thần tượng”. Tôi nhiều lần dùng cơm ở nhà anh chị thấy khoản bếp núc của chị chỉ ở bậc trung bình, nếu nói chị dùng sự đảm đang, khéo léo nội trợ để giữ trái tim chồng là không đúng.
Chị dâu tôi cao 1,5m, nhan sắc trung bình, vẻ ngoài cũng không có gì hấp dẫn nên bảo anh tôi yêu vì sắc đẹp lại càng không đúng. Một lần, tôi tò mò hỏi nửa đùa, nửa thật: “Chắc chuyện chăn gối chị phải giỏi lắm?”.
Chị cười lớn, lắc đầu quầy quậy. Chị bảo: “Anh em nghe lời chị chủ yếu vì chị giỏi nắm bắt tâm lý của anh”. Theo chị, không ít lần anh trai tôi phải thốt lên ngạc nhiên khi thấy vợ “đi guốc trong bụng mình”.
|
Ảnh mang tính minh họa - shutterstock |
Chị nói “trong mỗi người đàn ông đều có một đứa trẻ”, nên việc chiều chuộng chồng phải có chừng mực. Anh tôi mở tiệm sửa xe nên rất mê xe mô tô. Nhiều lần anh có ý định tậu xe mô tô về chỉ để “chưng cho đẹp”, vì anh nhỏ con, hơn nữa công việc sửa xe, buôn bán phụ tùng bận bịu nên cũng không có thời gian cưỡi xe diễu phố.
Thấy sở thích ấy của chồng tốn kém, chị nhất định không đáp ứng. Trước những đòi hỏi vô lý của chồng, chị áp dụng ba chiêu: Đầu tiên là nhỏ nhẹ, phân tích thiệt hơn để khuyên nhủ anh. Khi chiêu này thất bại, chị dùng đến chiêu “dọa nạt”, làm mình làm mẩy.
Nếu vẫn thất bại, chị sẽ áp dụng chiêu thứ ba là giận, bỏ mặc anh theo kiểu “muốn làm gì thì làm”. Chị làm mặt lạnh, không chuyện trò, không nói năng khiến anh rất sợ.
Thường anh dễ mủi lòng nên khi thấy vợ bỏ xuống phòng khách, nằm còng queo cả tuần liền, anh vừa sợ, vừa thương chị nên xuống dỗ ngọt, gọi vợ lên phòng ngủ, vậy là hai vợ chồng làm hòa.
Nhưng chị nói, việc giận hờn không thể áp dụng thường xuyên, chồng sẽ “lờn thuốc”. Ngay sau khi chồng xin lỗi, làm hòa, người vợ phải quay lại vỗ về, chăm sóc chồng nhiệt tình. Sau thời gian bị vợ “bỏ đói” tình thương, khi được yêu thương trở lại, anh chồng sẽ vui vẻ đáp ứng theo những mong muốn vợ đưa ra.
Nhưng theo chị, người phụ nữ không nên ích kỷ, chỉ biết đến sở thích của bản thân mà không quan tâm đến sở thích của chồng. Chiều chồng những điều đơn giản, nhỏ nhặt mà không gây hại sẽ mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho chồng.
Biết tính anh trai tôi mê bóng đá nên mỗi lần có bóng đá là chị đều nhường ti vi chồng xem. Những mùa SEA Games, World Cup, dù nửa đêm về sáng, chỉ cần chồng muốn đi “bão” là lập tức chị và con gái sẽ vui vẻ đi theo, cùng hòa vào dòng người cổ động náo nhiệt với chồng.
Theo chị, người vợ còn phải tinh ý hiểu được tính cách của chồng để có cách ứng xử phù hợp. Chị biết anh tôi là người sĩ diện, thích được người khác khen ngợi nên mỗi khi đi đâu, chị đều sửa soạn cho hai mẹ con thật đẹp.
Ra ngoài, chị luôn giữ bộ mặt cho chồng. Chị chăm chút quần áo cho cả nhà thật tươm tất. “Người thân của chồng luôn tốt”, là câu cửa miệng chị luôn nhắc nhở mình.
Từ cách nói năng, ứng xử của chồng, chị nhận ra anh tôi rất ghét vợ coi thường hay nói xấu người thân của anh nên từ lời ăn tiếng nói đến cách ứng xử với nhà chồng, chị đều phải giữ ý tứ, tế nhị để không làm phật lòng chồng.
Chị nói, người vợ nên để ý xem chồng của mình coi trọng điều gì trong cuộc sống để từ đó có cách ứng xử cho phù hợp.
Dù chồng luôn tỏ ra tôn trọng, nể vì nhưng chị dâu tôi luôn biết khi nào “nhu”, khi nào “cương”. Bình thường, anh tôi là người ít nói, hiền lành nhưng mỗi khi có chút hơi men sẽ biến thành con người khác.
Nhiều khi trước mặt bạn bè, thấy anh uống vài ly bia, chị vui vẻ nhịn để anh mắng hay nói nặng nói nhẹ. “Đó là rượu nói chứ không phải người nói. Phụ nữ không nên đôi co, lắm lời khi chồng đang có hơi men trong người nếu không muốn rước họa vào thân”, chị dâu tôi kết luận.
Mỗi người phụ nữ đều có một “bí kiếp” riêng để “quản” chồng và thật lòng tôi rất ngưỡng mộ chị dâu bởi khả năng nắm bắt tâm lý người bạn đời tinh tế, khéo léo. Theo chị thì: “Đôi khi người đàn ông tốt hay xấu còn phụ thuộc vào người phụ nữ mà anh ta lấy làm vợ”.
Nguyễn Nga