Muốn tự bảo vệ, phải nhận diện được bạo hành

29/06/2024 - 06:14

PNO - Khi nhắc đến bạo lực gia đình (BLGĐ), người ta nghĩ ngay rằng nạn nhân là nữ. Đó không chỉ do trên thực tế, nữ thường chiếm đa số trong tỉ lệ nạn nhân của BLGĐ mà còn do những định kiến về giới, những lối mòn trong suy nghĩ, chẳng hạn nam giới là phái mạnh nên không thể là nạn nhân của vụ BLGĐ.

Điều này dẫn đến hiện tượng đa số nam giới bị BLGĐ sẽ phớt lờ hoặc im lặng chịu đựng, ngại lên tiếng do những định kiến xã hội áp đặt lên giới tính của anh ta.

Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 đã chỉ ra một sự thật rằng, nam giới cũng là nạn nhân của BLGĐ. Chắc chắn rằng, con số được đưa ra chưa sát với thực tế nhất bởi có rất nhiều lý do khiến nạn nhân nam giới và cộng đồng xung quanh phủ nhận.

Luật Hôn nhân và Gia đình là văn bản luật điều chỉnh bao hàm, khái quát quan hệ trong hôn nhân và gia đình. Hệ thống pháp luật Việt Nam còn điều chỉnh các hành vi BLGĐ bằng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Hành vi bạo lực gia đình được chia làm 4 nhóm: thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo quy định của pháp luật, BLGĐ không chỉ là những hành vi xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, tính mạng, được biểu hiện ra bên ngoài da thịt là những vết bầm tím mà còn thể hiện dưới rất nhiều dạng khác nhau như lăng mạ, chì chiết, kỳ thị, phân biệt đối xử, cưỡng ép, cô lập.

Tuy nhiên, hiện nay, chỉ những hành vi như đánh đập gây nên thương tích, tổn hại cho sức khỏe mới được dư luận nhận diện là BLGĐ, còn những dạng hành vi khác thường bị bỏ qua hoặc xem nhẹ.

Điều này dẫn đến việc một thành viên trong gia đình (có cả nam) bị một thành viên khác trong cùng gia đình chì chiết hay bị tiết lộ, phát tán thông tin về đời sống riêng tư, gây nên những hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và thể chất sẽ không được mọi người xung quanh nhận thức rằng thành viên này đang bị BLGĐ.

Cộng với định kiến cố hữu của xã hội về hình tượng nam giới là phải mạnh mẽ, là trụ cột gia đình, tình trạng nam giới bị BLGĐ đã và đang không được nhận diện một cách đúng đắn, đầy đủ.

Trên thực tế, đàn ông có thể bị “cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn” nhưng cộng đồng xã hội thường nghĩ rằng chỉ có phụ nữ mới bị cưỡng ép tình dục.

Nam giới bị bạo hành tinh thần nhiều hơn so với bạo hành thể chất bởi phụ nữ thường nói nhiều, lặp đi lặp lại những điều không vừa ý, chưa đạt được. Đàn ông đã quá quen với tình trạng đó nên khi bị bạo hành, chính họ cũng không nhận ra hoặc nhận thức rất mù mờ. Nếu việc chì chiết cay nghiệt diễn ra thường xuyên thì đó là bạo hành tinh thần chứ không phải là “phụ nữ lèm bèm”.

Việc thay đổi nhận thức của chính người trong cuộc, thay đổi các định kiến xã hội theo hướng nhìn nhận thấu đáo nguyên nhân, thực trạng là cơ sở quan trọng để nhận diện vấn đề và tìm ra giải pháp căn cơ.

Một điều quan trọng hơn, khi nam giới là nạn nhân của BLGĐ, việc cần làm là phải lên tiếng ngay và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền can thiệp, hỗ trợ, nhằm khắc phục được phần nào những hệ lụy mà nạn nhân của BLGĐ phải gánh chịu. Mọi giải pháp cần được bắt đầu từ nhận diện.

Nếu “phái mạnh” không nhận diện được mình là nạn nhân của bạo lực thì sao có thể tự bảo vệ và lên tiếng, tìm kiếm sự can thiệp, hỗ trợ?

Luật sư VÕ THỊ ANH LOAN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI