Kể tuổi tác thì ông T. không còn trẻ nữa. Ngoài 60, nói dại miệng, nếu “theo ông bà” đương nhiên đã được đàng hoàng ghi hai chữ “hưởng thọ” lên bia. Ấy vậy nhưng trông ông hãy còn vạm vỡ, sung sức như người chưa qua tuổi 50. Râu tóc mới điểm vài sợi bạc, bữa cơm ăn bay lon gạo, chuyện cuốc cày, đồng áng còn rất phong độ.
Có người cắc cớ hỏi: “cày ngày” tốt thế, còn cái khoản… “cày đêm” ra sao? Ông T. cười khà khà, lấp lửng: “Ờ, đương nhiên là thua kém… chút đỉnh cái thời trai trẻ”. Ai nghe cũng lè lưỡi, lắc đầu.
Nói đáng tội, ông T. ngồn ngộn sức sống là vậy, nhưng bà T. thì ngược lại. Dạo này nhìn bà ngày càng xuống dốc, teo tóp như con cá mắm, dù bà nhỏ hơn ông những năm tuổi. Xóm giềng đều công nhận ông T. khá thương vợ. Thì đấy, ông nào có tiếc tiền sắm sanh thức nọ vật kia cho bà tẩm bổ đâu. Còn làm lụng, chuyện từ ngoài đồng đến về nhà đều một tay ông bao hết, không cho bà mó tới việc gì. Ấy vậy mà bà ốm yếu vẫn hoàn ốm yếu, không khá lên được.
“Tốt cồ hại mái…”- người ta xầm xì. Nói vụng, nhưng xét kỹ cũng không sai sự thật là mấy. Có điều, cái không sai ấy thuộc phạm trù hết sức riêng tư, tế nhị nên nó cũng chỉ dừng ở mức… nói vụng, không tiện công khai. Biết làm sao được, ngoài 60 còn khỏe mạnh đâu phải lỗi nơi ông T., nếu không muốn nói đó còn là ưu điểm đáng mơ ước. Bà T. chắc cũng hiểu điều đó nên không phàn nàn. Tuy nhiên, nhìn qua “tương quan lực lượng” bề ngoài giữa bà và ông, ai cũng đoán trong chuyện gối chăn, bà T. đang “quá tải”…
Nếu sự đời cứ êm ả trôi xuôi thì hẳn cũng không có gì lớn chuyện. Ông T. không phải thuộc loại người không biết nghĩ. Đã đành, cái nhu cầu tế nhị ấy, giờ bà không đủ sức đáp ứng khiến ông thường xuyên bị ức chế. Nhưng thương vợ thì phải cố chịu, biết sao!
Chịu đựng lâu rồi cũng quen, với điều kiện không có bất cứ biến cố nào phá vỡ thói quen. Khổ nỗi, cái biến cố ấy, nó lại đột ngột xuất hiện ít khi báo trước, gây thay đổi tới mức xào xáo cuộc đời ông T. (và của cả gia đình ông). Biến cố ấy chính là… cô X.
Không ai nghĩ rằng giữa họ sẽ có “gì đó”, bởi đơn giản cô X. nhỏ hơn ông T. gần hai con giáp. Ông T. xưa giờ lại có tiếng đàng hoàng, nhất là trong các mối quan hệ với người khác giới, ấy vậy mà nó vẫn cứ xảy ra một cách khó tin. Cô X. trẻ nhưng đã góa chồng, gia cảnh khá khó khăn. Một lần, giữa đường thấy cô gặp chuyện không hay dính dáng đến tiền, ông T. ngoảnh mặt chẳng đành nên ra tay giúp đỡ.
Món nợ ân tình đáng giá vài trăm nghìn ấy, ông T. không tính toán, nhưng cô X. thì tính, bởi cô cũng thuộc loại người có nhân cách. Khốn nỗi, cô nghèo quá, không xoay đâu ra tiền để trả nợ. Thâu đêm trằn trọc mãi, cuối cùng cô X. mới nảy ra “sáng kiến” đem… tình trả nợ tiền cho ông T. Cái “sáng kiến” đã tạo tiền đề cho một vụ tai tiếng rùm beng, khiến người trong cuộc lẫn những kẻ liên quan ai cũng dở cười dở khóc…
Chuyện chi tiết thế nào thì ít người biết, chỉ biết rằng ông T. đã “ngã ngựa” một cách thảm hại. Ông T. đã sa lầy thực sự vào một vụ tai tiếng mà ông đã cố giữ gần trọn đời không vướng mắc. Đúng, cô X. trẻ trung, bốc lửa đã đánh thức cái sinh lực đàn ông còn quá tràn trề đang ngủ quên trong ông T., khiến ông như mụ mẫm, bất cần, bỏ ngoài tai mọi sự phản đối của gia đình, dị nghị của xóm làng để tằng tịu cùng cô X.
Về phía cô X., tội nghiệp, không phải cô “táng tận lương tâm” (như có người chửi) đến mức không nhận ra chuyện cô đang làm là không phải đạo. Đơn giản, cô đã trở thành nạn nhân của chính cái “sáng kiến” mà cô từng đẻ ra với ý nghĩ giản đơn: chỉ một lần duy nhất cho xong chuyện nợ nần.
Không, nó đã không dừng lại ở mức “chỉ một lần”. Nói gọn, giờ thì không chỉ ông T. mê cô X., mà chính cô cũng… thích ông T.
Đương nhiên là gia cảnh đang yên đang lành của ông T. bỗng chốc xáo động. Bà T. hết cơn gào khóc, kể lể, lại cắp nón đi tìm lũ con gái, con dâu bàn chuyện… rình bắt ghen. Vụ xì-căng-đan cứ ngày càng ầm ĩ, náo động cái xóm nhỏ vùng quê, đến mức đoàn thể, chính quyền không thể làm ngơ, buộc phải xăn tay áo vào cuộc…
Nhờ “uy” của pháp luật, trật tự rồi cũng tới lúc được vãn hồi tương đối. Ông T. - cô X. bị buộc phải… chia tay, ai về nhà nấy; đương nhiên là ôm theo những vết thương lòng mà chỉ người trong cuộc mới thấm thía.
Cô X. xưa nay sống một thân một mình còn đỡ, còn ông T. càng buồn hơn khi mối quan hệ vợ chồng đầm ấm thuở nào giờ đã không cách nào tìm lại được. Họa vô đơn chí, sự việc nào chỉ dừng lại ở đó. Thằng con rể ông T. xưa nay hiền lành, làm ăn chí thú, không hiểu mắc chứng gì tự dưng lại đổ đốn, sa vào bồ bịch lăng nhăng. Đứa con gái cứ vài hôm lại về nhà cha mẹ đẻ khóc lóc, thở than: “Con khuyên giải, phân tích lẽ thiệt hơn mà ảnh không nghe; còn nói đâm hông: về khuyên cha mày kia…”.
Ông T. sững người, miếng cơm đang ăn chợt nghẹn ngang cổ nuốt mãi không trôi. Bà T. chống đũa xuống mâm giọng chì chiết: “Ráng đi con. Thiệt ông bà mình xưa nói có sai đâu, “cha ăn mặn, con khát nước” đây mà…”.