Muốn thi tốt nghiệp đúng kế hoạch: Ngành giáo dục nên “hỏi ý kiến” người học

07/06/2021 - 06:49

PNO - Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều địa phương bị phong tỏa, cách ly y tế. Học sinh cuối cấp trở thành F cũng ngày càng nhiều. Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn kiên quyết “chốt” phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông đúng theo kế hoạch, có thể tổ chức thêm đợt hai với việc cố gắng xây dựng đề thi tương đồng giữa các kỳ thi...

Ngày 6/6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết: Cho đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) rất nghiêm túc và bảo đảm đúng tiến độ. Tuy nhiên, gần đây, do dịch COVID-19 diễn biến có chiều hướng phức tạp, với kinh nghiệm của năm trước, Bộ GD-ĐT tính toán sẽ cùng các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo đúng kế hoạch, cụ thể là vào các ngày 7-8/7. 

Tuy nhiên, gần đến thời gian này, nếu vẫn có những nơi phải thực hiện phong tỏa hay cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19 thì đợt thi ngày 7-8/7 chỉ tổ chức cho những nơi an toàn và cho những thí sinh không thuộc diện F0, F1, F2. Bộ GD-ĐT sẽ cùng các địa phương sẽ tổ chức thêm đợt thi thứ hai cho những thí sinh chưa thể thi được ở đợt thi thứ nhất. Thời gian thi tốt nghiệp THPT đợt hai như thế nào, Bộ GD-ĐT sẽ cùng các địa phương tính toán một cách kỹ lưỡng để đảm bảo việc phòng, chống dịch COVID-19 đồng thời giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng và công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Lý Thái Tổ  (Q.Gò Vấp) ôn tập trước ngày tạm dừng  đến trường - ẢNH: GIA TUỆ
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lý Thái Tổ (Q.Gò Vấp) ôn tập trước ngày tạm dừng đến trường - ẢNH: GIA TUỆ

Theo ông Mai Văn Trinh, phương án này không mới và nằm trong kịch bản tính toán sẵn của Bộ GD-ĐT, đặc biệt kế thừa kinh nghiệm của năm 2020 nên tin rằng sẽ được xử lý tốt, đảm bảo công bằng và quyền lợi cho các thí sinh.

Lưu ý với các sở GD-ĐT, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh cần tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình diễn biến của dịch COVID-19 ở địa phương mình, đặc biệt là sàng lọc các thí sinh sẽ dự thi phân nhóm F0, F1, F2 để cùng Bộ GD-ĐT sẵn sàng, chủ động có giải pháp phù hợp.

Bộ cũng sẽ xây dựng đề thi giữa các đợt thi tương đồng về độ khó để đảm bảo sự công bằng với các thí sinh dự thi các đợt thi khác nhau. Thí sinh có thể yên tâm vì Bộ GD-ĐT cùng các địa phương sẽ có những giải pháp để bảo đảm quyền lợi cao nhất cho các thí sinh. Các thầy cô, thí sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới hạn chế đi lại, hoặc đến những nơi không thật sự cần thiết trong thời gian này. 

Về vấn đề thi tốt nghiệp THPT trong mùa dịch hiện nay, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), nói: Giữa tình hình này, thi cử là chuyện nhỏ. Nếu chỉ tính đến yếu tố xét tốt nghiệp THPT thì có thể xét tuyển hoặc dời lại đến khi bớt dịch. Còn chuyện tuyển sinh đại học, cao đẳng nên để các trường tự lo. Kỳ thi tổ chức làm nhiều đợt nói thế nào cũng không thể công bằng tuyệt đối, hai đề thi không thể như nhau. Ngành phải thông báo sớm, đừng để học sinh vừa bất an vừa gấp rút ôn tập rồi sát ngày lại hoãn sẽ ảnh hưởng tâm lý thí sinh.

Về phía phụ huynh, chị Nguyễn Kim Hằng (Q.Gò Vấp) đặt vấn đề: “Nhà tôi nằm trong vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, con tôi vẫn phải ôn tập trong sự bất an với những thông tin chưa rõ ràng của Bộ GD-ĐT. Bởi, theo thông báo, TP.HCM thực hiện giãn cách trong hai tuần, ai dám chắc hai tuần sau sẽ dừng phong tỏa hay tiếp tục.

Có hai tình huống xảy ra, nếu thời điểm đó hết giãn cách xã hội thì sẽ phải thi, nếu vẫn còn thì chờ tiếp, và phải sát ngày thi mới biết kết quả chính thức. Có ai hiểu là tâm lý của thí sinh căng thẳng như thế nào không, còn phải chịu thêm áp lực “dự đoán tương lai” thi hay không thi. Tôi tin những học trò lớp 12 ở TP.HCM, Bắc Giang… rất khó có tâm lý tốt nhất khi bước vào kỳ thi đầu tháng Bảy này”. 

Việc học tập - thi cử cũng cần có những điểm rơi phù hợp để đạt kết quả tốt nhất. Các chuyên gia tư vấn tâm lý mùa thi cũng nói việc thi cử của học sinh cũng giống như vận động viên thi đấu, sẽ có quá trình rèn luyện nước rút cả về chuyên môn lẫn tâm lý thi đấu. Điểm rơi tốt nhất của kỳ thi là ngay sau giai đoạn ôn tập nước rút, qua thời điểm này rất dễ hụt hẫng. Thí sinh cũng vậy, ôn tập cật lực, đến ngày thi lại dời, ảnh hưởng tâm lý dẫn đến ảnh hưởng hiệu quả làm bài. Chính vì vậy, việc Bộ GD-ĐT cứ khăng khăng phải tổ chức bằng được kỳ thi tốt nghiệp THPT đúng kế hoạch ở thời điểm này chỉ để đúng kế hoạch mà người lớn đã vạch ra. Nếu đứng về phía học sinh mà nghĩ, có khi quyết định sẽ khác. 

Theo một số nhà giáo đề xuất, dữ liệu học sinh đã có, ngành giáo dục có thể khảo sát nhanh ý kiến của phụ huynh, học sinh có đồng thuận với việc tổ chức kỳ thi làm nhiều đợt hay không? Chọn xét tuyển hay thi tuyển trong tình hình dịch bệnh phức tạp?... Suy cho cùng, việc học là của người học, trong những tình huống đặc thù, “hỏi” ý kiến nguyện vọng người học trước khi đưa ra quyết định cũng là một giải pháp. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI