'Mượn tay' trò phạt trò: nghề giáo đang có vấn đề

28/11/2018 - 08:02

PNO - Liên tiếp những kiểu trừng phạt đã giáng xuống đầu học sinh. Người trong cuộc “đổ thừa” bằng những lý do hết sức nhân văn: quá thương học sinh, nôn nóng khi học sinh chưa giỏi, muốn lớp có thành tích tốt hơn…

Căn cứ vào sự “đổ thừa” ấy, cấp trên lại tìm cách bao che. 

'Muon tay' tro phat tro: nghe giao dang co van de
Người làm nghề giáo phải có đạo đức tốt, chuyên môn giỏi và tình yêu thương trẻ…

Ém sai phạm vì thành tích

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM bày tỏ phẫn nộ về vụ học sinh (HS) bị tát 231 cái: “Không ai thương HS bằng cách tàn nhẫn như vậy. Thành tích là những con số ám ảnh nhiều người trong nghề giáo phải chạy theo bằng mọi cách. Cô giáo bắt HS tát HS để lớp đạt thành tích cao hơn. Hiệu trưởng biết nhưng vẫn bao che vì trường sắp xét chuẩn quốc gia. Phòng GD-ĐT huyện biết sớm nhưng vẫn chậm xử lý. Tổng tư lệnh ngành im thin thít để mặc cả triệu nhà giáo bị xã hội “tát”. Câu chuyện này thể hiện nhận thức của người thầy, người quản lý và kể cả người đứng đầu ngành giáo dục đang bộc lộ hạn chế”.

Vấn đề nằm ở chỗ người thầy biết sai mà vẫn làm, thấy khuyết điểm mà vẫn bao che đang trở nên phổ biến trong ngành giáo dục. Nếu có thể giữ im sự việc hoặc dàn xếp được với gia đình HS, chắc hẳn những sự vụ có nguy cơ ảnh hưởng đến thành tích sẽ dễ dàng “chìm xuồng”. Sau cái tát 231, cô Nguyễn Thị Phương Thủy còn mang 10 triệu đồng đến gia đình em HS bị tát để xin tha thứ. Nhà trường và chính quyền địa phương cũng đến thăm nhưng chủ yếu là… thuyết phục gia đình không làm to chuyện... 

Mới đây, sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh cô giáo Trường tiểu học Trần Văn Ơn (Q.Tân Bình, TP.HCM) phạt HS tự tát khi nói chuyện trong lớp, lãnh đạo trường còn “trách” phụ huynh sao làm lớn chuyện. Nhiều phụ huynh của lớp cũng “quay lưng” với những phụ huynh đứng đơn tố hành vi sai trái của cô giáo.

Một trong những phụ huynh đứng đơn kêu cứu nói rằng: “Tôi mất niềm tin. Người sai là cô giáo chứ đâu phải những đứa trẻ. Thế mà giờ đây các phụ huynh trong lớp lại bao che cho cô, vận động lấy ý kiến, chữ ký để cô về dạy lại; trách phụ huynh làm ảnh hưởng thi đua của lớp... Họ còn phũ phàng rằng: có phải con trời đâu mà tát vài cái không được. Nhưng họ không hiểu, ngoài nỗi đau thể xác còn là sự tổn hại về tinh thần dài lâu ở trẻ. Ngày cô quay lại đứng lớp, con tôi và một bé nữa sợ không dám vào. Cuối cùng, tôi phải chuyển lớp cho con”.

Một giáo viên THPT ở Q.3 thừa nhận, nhà trường và giáo viên vi phạm đều đưa ra những lý do… rất cao thượng: phạt vì muốn HS tốt hơn, vì cô quá nhiệt tình, lo lắng cho lớp, cho trò… Nhưng không phải thế, họ biết những cách giáo dục đó là sai, nhưng vẫn làm bằng cách bắt HS tự tát mình hoặc bắt HS đánh HS để tránh tội. Thường thì sự việc rơi vào in lặng, nhưng nếu có lộ ra thì rồi cũng giơ cao đánh khẽ. 

Xử phạt trong ngành giáo dục: làm cho có!

Vị phụ huynh lớp 5/2, người đi tố cô giáo tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn, ấm ức: “Hiệu trưởng ra quyết định tạm đình chỉ 15 ngày đối với cô giáo bắt HS tự tát kể từ ngày 29/10. Thế nhưng, chỉ vài ngày cô giáo đã quay lại lớp dạy. Phải chăng, họ ra quyết định xử phạt chỉ để cho có? Nếu cứ bao che như vậy thì ai còn sợ nữa”.

Kiểu xử phạt qua loa ấy từng có nhiều tiền lệ. Ngay tại TP.HCM, ai cũng biết hiệu trưởng T.H.U. của trường THPT G. gây ra biết bao sai phạm ở nơi mình quản lý, được rút về công tác tại đơn vị quản lý cao hơn để sau đó được chuyển về làm hiệu trưởng một trường quốc tế công lập duy nhất của thành phố. Chịu ”án phạt” như thế này thì còn mấy ai sợ!

Rõ ràng bộ máy cái của nghề giáo đang có vấn đề rất lớn. Không phải tất cả nhưng rất nhiều giáo viên đang trở nên thực dụng hơn, cán bộ quản lý cũng thiếu tâm và tầm. Thời nay, không tìm được nhiều ông giáo như xưa, chỉ cần nhắc tới tên là bao thế hệ học trò nể trọng.

Những biểu hiện vừa qua là hệ lụy của việc không quan tâm đến người thầy. Làm giáo dục, cơ sở vật chất có tốt, chương trình có ưu việt vẫn không quan trọng bằng trình độ và cái tâm của nhà giáo. Những người muốn vào nghề giáo phải có những tiêu chuẩn nhất định: đạo đức tốt, trình độ chuyên môn giỏi và có tình yêu thương trẻ...

Khác với trường đời, trường học là nơi dạy dỗ, thương yêu và bảo vệ trẻ. Người làm giáo dục phải thực hiện tốt nhất nhiệm vụ này. Nhưng tiếc rằng, giờ đây trường học và trường đời lẫn lộn quá. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI