Muốn sửa nhà, phải xin hai bộ

10/11/2014 - 17:37

PNO - PN - Trong căn nhà của chị Phạm Thị Nga (69/5B Phan Chu Trinh, P.Minh An, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) có bốn chiếc giường. Trên mỗi chiếc giường đều có căng ni lông để che mưa, trông như những căn lều dã chiến dựng lên giữa...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cảnh tình thê thảm hơn là căn nhà số 7 đường Trần Phú của gia đình ông Nguyễn Kim Bảo. Toàn bộ mái ngói đã được thay tôn, nhưng tôn cũng đã mục. Hệ khung, tường cũng rệu rã. “Chỉ cần gió lớn, nhà sẽ bay mất” - ông Bảo lo lắng.

Đó là hai trong số 52 ngôi nhà cần phải tu bổ khẩn cấp. Nhưng, dẫu có tiền cũng không dễ làm, thậm chí là không thể làm. Bởi trong trường hợp này, điều 17 Nghị định (NĐ) 70 của Chính phủ (70/2012/NĐ-CP) ngày 18/9/2012, quy định: thỏa thuận các bước chủ trương đầu tư, thẩm định dự án và thẩm định thiết kế bản vẽ thi công thuộc về Bộ VH-TT-DL.

Chưa hết, tại khoản 2, mục a, điều 21 NĐ 15 của Chính phủ (15/2013/NĐ-CP) ngày 6/2/2013 về trách nhiệm thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước lại quy định: đối với di tích cấp quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia hồ sơ thẩm định phải được cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Xây dựng thẩm tra thiết kế công trình… Điều này có nghĩa là những gia đình như ông Bảo, chị Nga, khi muốn sửa chữa hay làm lại nhà, phải cầm hồ sơ chạy ra hai bộ trên để… xin.

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nói: “Di tích phố cổ Hội An là những hộ riêng lẻ nằm trong một quần thể chung, nhưng kiến trúc đặc biệt này khi được công nhận, xếp hạng thì không được tính riêng lẻ mà khoanh vùng lại, được công nhận chung là di tích quốc gia đặc biệt. Nếu tu bổ, sửa chữa “chạy” theo hai NĐ này, thì đó là một quá trình gian nan làm khổ từ dân đến chính quyền địa phương”.

Muon sua nha,  phai xin hai bo

Nhà bà Phạm Thị Huệ, trên mỗi giường ngủ có thêm tấm bạt để chống dột

TP Hội An có khoảng 84% di tích thuộc sở hữu tư nhân và tập thể (do dân đang ở), mỗi năm có khoảng 200 hộ có nhu cầu sửa chữa khi xuống cấp. Nhưng theo quy định của hai NĐ trên, nhất là NĐ 15, chẳng khác nào đánh đố người dân, bởi họ làm sao có điều kiện và thời gian ra tới trung ương để xin sửa nhà.

Những người có trách nhiệm tại Hội An cũng đặt câu hỏi: cứ cho là toàn bộ dân khu vực phố cổ có nhà khi hư hỏng, mang hồ sơ ra tận Hà Nội để xin sửa, thì khi thẩm định hồ sơ hai bộ VH-TT-DL và Xây dựng có trái chiều không? Các bộ có đủ sức, đủ thời gian để mỗi năm phải thẩm định 200 bộ hồ sơ nhà cổ không? Khi các bộ không cùng quan điểm thì ai là người quyết định cuối cùng? Chẳng lẽ muốn lợp một mái nhà mà phải trình hồ sơ xin Thủ tướng?

Muon sua nha,  phai xin hai bo

Nhà ông Nguyễn Kim Bảo cũ nát

Ông Nguyễn Chí Trung cho biết, đơn vị ông đã gửi văn bản về tỉnh để tỉnh gửi ra Chính phủ, kiến nghị xin một cơ chế đặc thù trong tu bổ nhà cổ Hội An. Trên thực tế đã có 10 hồ sơ xin sửa nhà và đã được ông Trung giải quyết (vì nhà xuống cấp quá nghiêm trọng), vì không thể trông chờ ý kiến cấp trên, nhưng đó là làm liều. Theo ông Trung, NĐ 15 chỉ phù hợp với các công trình sở hữu nhà nước hoặc di tích lớn, chứ từng hộ dân riêng lẻ, với nhu cầu ăn ở, sinh hoạt cấp thiết, thường nhật, thì hãy cho họ quyền được tự quyết về việc sửa chữa nhỏ trên chính ngôi nhà mình, tất nhiên là không phá vỡ những quy định nghiêm ngặt của di tích.

Mưa bão đã cận kề, chị Nga ngậm ngùi: “Có nhà, nhưng năm nào bão đến cũng phải đóng cửa chạy núp chỗ khác. Năm nay, sẽ để một người ở lại giữ nhà, để nó sụp xuống, bị thương, chắc Nhà nước sẽ sửa liền”(!!!)…

TRUNG VIỆT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI