Muốn sớm đổi đời, nhiều thanh thiếu niên rơi vào bẫy lừa đảo, buôn người

24/06/2022 - 06:17

PNO - Tin lời dụ dỗ của các đối tượng buôn người, nhiều thanh thiếu niên hăm hở sang bên kia biên giới với ước vọng đổi đời. Thế nhưng sau đó, họ liền bị biến thành con nợ, phải tìm đường chạy trốn hoặc nhờ gia đình chuộc về với số tiền 2.000 - 3.000 USD.

Chạy trốn sau khi vỡ mộng 

Ngày 19/6, chị D. - 34 tuổi, quê ở TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang - đã được một nhóm thiện nguyện đưa về quê nhà sau 21 năm bị lừa sang Campuchia. Khi D. đang học lớp Sáu, cha mẹ ly hôn nên D. ở với mẹ và dì. Buồn chuyện gia đình, D. nghỉ học, đi lượm ve chai kiếm sống qua ngày. Được một người bạn rủ sang Campuchia lập nghiệp, D. đồng ý lên đường.

Một nhóm thanh thiếu niên bị lừa sang Campuchia được lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh ngăn chặn ở biên giới ẢNH: LÊ QUÂN
Một nhóm thanh thiếu niên bị lừa sang Campuchia được lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh ngăn chặn ở biên giới - Ảnh: Lê Quân

“Đêm đó, tôi cùng nhiều cô gái bị nhét dưới gầm xe tải, chở sang Campuchia. Tôi bị ép làm tiếp viên quán bia ôm, bán dâm. Tôi đã bỏ trốn nhưng bị bắt lại, bị tra tấn, ngược đãi. Năm ngoái, khi dịch COVID-19 bùng phát, các quán bia ế ẩm nên tôi mới trốn thoát được ra ngoài, làm nghề lượm ve chai” - chị D. kể.

Tháng 6/2022, một nhóm youtuber từ Việt Nam sang Campuchia du lịch đã vô tình bắt gặp chị D. khi chị đang nằm co ro trong một căn chòi tạm. Sau khi clip về cô gái người Việt ở Campuchia được đăng lên YouTube, người thân ở An Giang đã nhận ra chị D. và liên hệ với nhóm youtuber để nhờ giúp đỡ. Nhóm này đã đến tỉnh An Giang tìm hiểu, sau đó liên hệ với cơ quan chức năng địa phương để làm thủ tục, giấy tờ và sang Campuchia đưa chị D. về nước.

Mới đây nhất, ngày 21/6, thiếu nữ N.T.T.N. - 16 tuổi, quê ở tỉnh Phú Yên - đã trở về nhà sau nửa tháng mất tích. Theo đó, tin lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội, N. đã vào TPHCM để nhận việc làm. Rạng sáng 6/6, khi đến bến xe 537 Phạm Văn Đồng, P.13, Q.Bình Thạnh, N. được một phụ nữ đón về một căn nhà, cho ở cùng năm cô gái khác. Ngày 7/6, một nhóm người đã đến chở N. cùng các cô gái khác đến tỉnh Tây Ninh, băng qua cánh đồng lúa để vượt biên sang Campuchia. Khi đến khu vực biên giới, cả nhóm bị nhốt vào một phòng riêng, có người canh gác ngày đêm. Ngày 18/6, cảnh sát Campuchia đã tìm thấy N., đưa N. qua cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) để về lại Việt Nam.

Một cô gái trẻ xuất cảnh trái phép theo lời dụ dỗ sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”,  bị lực lượng biên phòng tạm giữ - ẢNH: LÊ QUÂN
Một cô gái trẻ xuất cảnh trái phép theo lời dụ dỗ sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”, bị lực lượng biên phòng tạm giữ - Ảnh: Lê Quân

Thời gian gần đây, các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia ở tỉnh Tây Ninh nhận được nhiều cuộc gọi của người dân nhờ hỗ trợ giải cứu người thân đang bị các tổ chức tội phạm trên đất Campuchia bắt giữ. Điểm chung của các nạn nhân là bị các tổ chức tuyển dụng việc làm trên mạng lừa qua biên giới, sau đó viện cớ không đủ tiêu chuẩn, trình độ và buộc phải trả chi phí đưa đón, ăn uống, ngủ nghỉ khoảng 2.000 USD/người (tương đương 50 triệu đồng) kèm theo lời nhắn rằng, sẽ bán nạn nhân cho người khác để trừ nợ nếu người nhà không trả đủ số tiền trên.

Đại tá Lê Hồng Vương - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh - cho biết, kể từ sau tết Nguyên đán đến nay, lượng người xuất, nhập cảnh qua biên giới tăng trở lại. Sự gia tăng này do ba nguyên nhân: chủ trương của hai nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên mậu; nhiều người muốn qua biên giới để tìm việc làm sau kỳ nghỉ tết; một số người bị các tổ chức tuyển dụng lừa đưa sang nước bạn. 

Đại tá Lê Hồng Vương nhấn mạnh: “Trước đây, họ chỉ đi lẻ tẻ một vài người, nay đi thành từng đoàn, có tổ chức đưa đón hẳn hoi. Qua điều tra, lực lượng biên phòng nhận thấy, đang có những đường dây xuyên quốc gia sử dụng công nghệ cao, tổ chức đưa đón người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới để làm việc”.

Ôm nợ sau khi được “tuyển dụng” qua mạng

Những ngày này, người dân xã biên giới Tà Long, H.Đakrông, tỉnh Quảng Trị rất hoang mang khi nghe tin hai thanh niên trong xã bị các đối tượng môi giới việc làm lừa bán sang Campuchia rồi đòi tiền chuộc. Hai thanh niên tên là Hồ Văn T., 19 tuổi và Hồ Văn H., 18 tuổi, cùng ở thôn Ly Tôn, là người dân tộc Vân Kiều.

Cán bộ Đồn biên phòng Hướng Lập (H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị)  đến từng hộ dân để tuyên truyền người dân không được vượt biên  để đi lao động nước ngoài trái phép để tránh bị lừa gạt - ẢNH: VĨNH PHAN
Cán bộ Đồn biên phòng Hướng Lập (H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đến từng hộ dân để tuyên truyền người dân không được vượt biên để đi lao động nước ngoài trái phép để tránh bị lừa gạt - Ảnh: Vĩnh Phan

Theo lời kể của em Hồ Văn H., khoảng tháng 3/2022, T. và H. vào tỉnh Bình Dương làm việc. Sau đó, cả hai được một tài khoản Zalo có tên Phan Anh chào mời đi làm “việc nhẹ, lương cao”. Tin lời, T. và H. đến TPHCM gặp “nhà tuyển dụng” rồi được đưa sang Campuchia làm việc tại khu Chinatown Building thuộc tỉnh Sihanoukville. Nhận thấy công việc không như mong muốn, T. và H. xin về nước, liền bị bắt phải nộp tiền chuộc. 

Cuối tháng 5/2022, T. và H. gọi điện về nhà cầu cứu. Thương con, gia đình T. và H. phải bán heo, gà và đi vay mượn khắp nơi để có đủ hơn 1.500 USD chuộc con. Ngày 20/5, khi gia đình chuyển đủ tiền chuộc, T. và H. được một người đàn ông đưa đến cửa khẩu, làm thủ tục để về nước. 

Mới đây, gia đình Trần Bảo N. - 17 tuổi, ở khối 6, thị trấn Khe Sanh, H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - cũng phải vay mượn 38 triệu đồng để chuộc con từ Campuchia về. Tháng 5/2021, qua mạng xã hội, Bảo N. được một người hứa tuyển vào tỉnh Tây Ninh làm việc với mức lương cao. Tuy nhiên, khi đến chỗ hẹn, Bảo N. bị đưa sang Campuchia, bị đẩy vào một công ty có hệ thống canh giữ nghiêm ngặt, khép kín, được “đào tạo” các kỹ thuật lừa đảo tiền qua mạng. Vỡ mộng “việc nhẹ, lương cao”, Bảo N. nhiều lần tìm cách trốn nhưng thất bại, sau đó được cho gọi điện về nhà, yêu cầu người nhà chuyển 38 triệu đồng tiền chuộc.

Thượng tá Hoàng Văn Trung - Trưởng công an H.Đakrông - cho biết, sau khi xác minh thông tin, đơn vị đã có thông báo về thủ đoạn lừa bán người sang Campuchia để người dân biết và phòng tránh. Thượng tá Hồ Sỹ Nhung - Trưởng công an H.Hướng Hóa - cũng cho hay, đã yêu cầu công an các xã tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ con em trước nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người dân cần hết sức cảnh giác 

Đại diện Trạm Kiểm soát biên phòng, Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài cho biết, trung bình mỗi tháng, trạm tiếp nhận khoảng 5 - 6 vụ với khoảng 15 - 20 nạn nhân do Đại sứ quán Việt Nam can thiệp với chính quyền Campuchia và bàn giao người về Việt Nam. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khá ít so với số lượng thông tin mà người dân cung cấp, kêu cứu. Điều này cho thấy, việc “giải cứu” các công dân bị lừa đưa sang Campuchia là vô cùng khó khăn.

Để góp phần ngăn chặn tình trạng lừa đảo, đưa người qua bên kia biên giới, các cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát biên phòng thường xuyên tuyên truyền cho người dân về thủ đoạn lừa đảo này. Có một số trường hợp chấp nhận quay trở lại sau khi nghe tuyên truyền nhưng một số vẫn tiếp tục đi và cán bộ trạm không thể ngăn cản bởi họ có giấy tờ, làm thủ tục hợp lệ.

Một nhóm thanh thiếu niên băng rừng sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” bị lực lượng biên phòng phát hiện, ngăn chặn  - ẢNH: LÊ QUÂN
Một nhóm thanh thiếu niên băng rừng sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” bị lực lượng biên phòng phát hiện, ngăn chặn - Ảnh: Lê Quân

Theo thượng tá Vũ Quang Quân - Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - thời gian gần đây, mỗi ngày, đồn tiếp nhận 5 - 6 cuộc điện thoại kêu cứu từ bên kia biên giới. Tuy nhiên, đơn vị không thể can thiệp cho mọi trường hợp. Mỗi lần có thông tin, các đơn vị phải điều tra ban đầu, sau đó liên hệ với các lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn để nhờ hỗ trợ. Tất cả các hoạt động này đều phải dựa vào các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng như các biên bản ghi nhớ giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai nước.

“Nạn nhân kêu cứu đa phần là nữ. Các cháu cho biết bị đám tay chân trong sòng bạc truy đuổi, khống chế, buộc phải làm những nghề nhạy cảm để trả chi phí cho chuyến đi từ Việt Nam sang Campuchia tìm việc làm. Khi hỏi địa điểm cần giải cứu, các cháu cũng không biết. Có những cuộc điện thoại bị ngưng nửa chừng do các cháu bị bắt nhốt lại, nên chúng tôi không thể nào giúp được” - thượng tá Vũ Quang Quân chia sẻ.

Trong nhiều vụ việc, người nhà nạn nhân cung cấp địa chỉ không chính xác (do các tổ chức đưa đón người cố tình cung cấp sai nhằm tránh bị cơ quan chức năng Campuchia xác minh, theo dõi) nên cơ quan chức năng không thể xác minh, không thể nào nhờ lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn can thiệp được. 

Theo thượng tá Vũ Quang Quân, qua tìm hiểu thông tin từ lực lượng chức năng nước bạn, các trường hợp công dân Việt Nam kêu cứu đều vướng bẫy hợp đồng đã ký kết với các công ty cờ bạc khi họ vừa mới đặt chân đến Campuchia. Đó là các khoản chi phí, trách nhiệm mà người lao động phải cam kết với người sử dụng lao động. Vì vậy, khi vụ việc vỡ lở, cho dù lực lượng chức năng nước bạn biết được cũng rất khó can thiệp.

Cũng theo thượng tá Vũ Quang Quân, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là đăng tin trên các trang mạng xã hội tuyển người sang Campuchia làm việc với mức lương khởi điểm trên 20 triệu đồng/tháng. Sau khi câu móc được những người có nhu cầu ra nước ngoài làm việc, các đối tượng chủ mưu tổ chức đưa đón với phương thức, thủ đoạn rất chặt chẽ. Chúng tổ chức thành nhiều chặng, bằng nhiều phương tiện khác nhau, sau đó tập kết lại gần sát biên, chờ đêm tối và lợi dụng những nơi hiểm trở, không có sóng điện thoại để đưa người qua bên kia biên giới. 

Khi qua đến nơi, trong kỳ sát hạch đầu tiên, với lý do “ứng viên” không đáp ứng được yêu cầu nên công ty không tuyển dụng, chúng buộc các nạn nhân phải trả chi phí cho toàn bộ chuyến đi từ 2.000 - 3.000 USD. Bắt đầu từ lúc này, bọn chúng liên tục khủng bố tinh thần nạn nhân nhằm gây áp lực, buộc gia đình của nạn nhân ở Việt Nam nhanh chóng gửi tiền chuộc sang. 

“Người dân cần thận trọng với những lời chào mời đi làm “việc nhẹ, lương cao” ở bên kia biên giới” - thượng tá Vũ Quang Quân khuyến cáo. 

Chiều tối 23/6, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh cho biết, gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ xuất nhập cảnh trái phép. Trong đó, có nhiều thanh thiếu niên từ các tỉnh, thành khác đến Tây Ninh rồi lén lút vượt biên trong đêm. 

Cụ thể, tối 9/6, chốt phòng, chống dịch COVID-19 của Đồn biên phòng Long Phước (Tây Ninh) phát hiện và bắt giữ hai đối tượng (quê Đắk Nông) qua lại biên giới trái phép. Cùng ngày, chốt phòng, chống dịch số 9, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài cũng bắt giữ bốn thanh thiếu niên (quê Đắk Lắk, Quảng Nam và Hà Nội) xuất cảnh trái phép. Khuya 8/6, có ba đối tượng nam nữ (quê Thanh Hóa, Tiền Giang và Cà Mau) xuất cảnh trái phép bị tổ mật phục Trạm kiểm soát biên phòng Long Thuận - Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài bắt giữ. Rạng sáng cùng ngày, lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh phát hiện hai đối tượng (quê Đồng Nai và Nam Định) nhập cảnh trái phép. Sau đó, lực lượng biên phòng Tây Ninh lại phát hiện ba thanh thiếu niên (quê Nghệ An, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh) xuất cảnh trái phép.

Cuối tháng 5/2022, một nhóm tám người đã đi bộ từ Campuchia về hướng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài để về Việt Nam. Qua kiểm tra, lực lượng biên phòng nhận thấy họ không có hộ chiếu, không thực hiện các thủ tục nhập cảnh theo quy định của pháp luật. Nhóm người này cho biết, họ đến từ các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Điện Biên, Lạng Sơn, Phú Yên và TPHCM. Cách đây không lâu, thấy thông tin tuyển người trên mạng xã hội, họ ứng tuyển và được “cò” đưa sang Campuchia. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, họ bị giam giữ, tra tấn nên đã tìm cách trốn thoát, đi bộ về Việt Nam.

Khởi tố nhiều vụ đưa người qua biên giới trái phép

Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận 21 đơn đề nghị giải cứu của những gia đình trong tỉnh có người thân bị lừa sang Campuchia, bị bóc lột, cưỡng bức, đòi tiền chuộc.

Từ ngày 1/1 - 1/4/2022, Công an tỉnh Tây Ninh thụ lý 17 vụ án liên quan đến xuất, nhập cảnh trái phép với 38 bị can (có một số vụ từ năm 2021 chuyển sang), truy tố 9 vụ, 16 bị can, đang điều tra 7 vụ, 22 bị can. Mới đây nhất, ngày 8/6, Công an H.Bến Cầu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Thành Công (38 tuổi), Trần Ngọc Hảo (36 tuổi), Trần Quốc Tuấn (26 tuổi) và Trần Tuấn Em (26 tuổi, cùng ở H.Bến Cầu) về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 4 vụ án, 8 bị can để điều tra về hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Toàn tỉnh Thanh Hóa có tổng cộng 381 người dân đi lao động trái phép ở Campuchia, trong đó có 179 người đã trở về nước. Trong 179 người trở về nước, có 19 người bị cưỡng bức lao động trong các sòng bạc, cơ sở game online, được cơ quan chức năng giải cứu, 13 trường hợp được gia đình chuộc về.

Cũng trong thời gian này, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận đơn xin giải cứu của tám công dân trong tỉnh có người thân bị lừa sang Campuchia, bị cưỡng bức, đòi tiền chuộc.


Nhóm phóng viên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI