Mượn phim để quảng bá võ Việt: Tại sao không?

04/01/2021 - 05:30

PNO - Phim ảnh là phương tiện hữu hiệu nhất để quảng bá văn hóa, mà võ Việt cũng là một di sản văn hóa của dân tộc. Vạn sự khởi đầu nan, cứ đi rồi sẽ thành đường.

Không thể phủ nhận yếu tố võ thuật trong phim Việt ngày càng được nâng cao, nhất là ở thể loại phim hành động. Tuy nhiên, chọn võ thuật làm chủ đề của câu chuyện thì chưa có nhiều phim Việt khai thác; nếu có, thì sự kết hợp này cũng rất nhạt nhòa. Song, những gì bộ phim Võ sinh đại chiến làm được mới đây, đang nhóm lên niềm tin sự kết duyên của võ Việt với phim ảnh sẽ không còn “vô duyên” như trước.

Hiếm có khó tìm

Nhắc đến chuyện võ thuật kết duyên với điện ảnh để quảng bá bộ môn thể thao này, thế giới đã làm rất tốt, nhất là châu Á. Những bộ phim như Diệp Vấn, Thái cực quyền, Tuyệt đỉnh kungfu, Hoàng Phi Hồng, Túy quyền, Tinh võ anh hùng… không chỉ quảng bá các môn phái võ Trung Quốc, mà còn là bệ phóng tên tuổi cho các võ sư như Lý Tiểu Long, Thành Long, Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt, Ngô Kinh, Triệu Văn Trác… Ở phương Tây, những võ sĩ như Jean-Claude Van Damme, Dwayne Johnson, Jason Statham cũng nhờ phim ảnh mà vụt sáng thành “ngôi sao”.

Phim Võ sinh đại chiến thổi làn gió mới vào phim chủ đề võ thuật
Phim Võ sinh đại chiến thổi làn gió mới vào phim chủ đề võ thuật

Võ cổ truyền Việt Nam là di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Võ Việt có nhiều môn phái, số lượng võ sinh khá đông, và điện ảnh Việt cũng có nhiều diễn viên thành danh xuất thân là võ sư, như cố nghệ sĩ nhân dân Lý Huỳnh, Lý Hùng, Dustin Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn; nhưng trên màn ảnh, lượng phim lấy chủ đề võ thuật hoặc đề cập sâu đến một phái võ nào đó để truyền tải những triết lý về võ thuật đếm trên đầu ngón tay. Có thể kể đến Huyền thoại bất tử, Kungfu phở và gần đây là Võ sinh đại chiến

Vì thế, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được yêu cầu khán giả. Hạn chế lớn nhất là kịch bản không thuyết phục, nên việc lồng ghép võ thuật vào phim bị gượng. Phim Kungfu phở sở hữu ý tưởng kịch bản rất hay là kết hợp hai đề tài võ thuật và ẩm thực. Các phân đoạn học nấu phở hoặc trình diễn chế biến phở thực hiện bằng những động tác kungfu được miêu tả đẹp mắt, thú vị. Tiếc là diễn tiến phim thiếu cao trào, nhiều tình tiết phi lý, tạo hình nhân vật sến sẩm, lời thoại khá kịch, tạo nên một tổng thể rối rắm.

Tương tự, phim Huyền thoại bất tử khiến người xem bối rối vì sáng tạo quá đà khi để cho nhân vật bà Lan - mẹ của nam chính Lý Tiểu Long - kể rằng huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long từng sang Việt Nam học võ Bình Định. Chưa kể, nhiều khán giả tinh ý còn “bóc phốt” phim nói về võ Bình Định, nhưng nhân vật toàn múa Muay Thái. 

Chờ đợi tín hiệu vui

Võ sinh đại chiến là tác phẩm điện ảnh mới nhất đề cập chủ đề võ thuật, và thật hiếm hoi làm người xem hài lòng. Phim gây ấn tượng khi vẽ ra một thế giới võ cổ truyền sống động, mà ở đó, mỗi nhân vật có một bài võ sở trường phù hợp với tính cách của mình. Những bài võ của vùng đất Tây Sơn như Hùng Kê Quyền, Lão Mai Quyền, Ngọc Trản Ngân Đài, Độc Lư Thương, Song Phượng Kiếm, Miêu Quyền được nhắc đến, kèm lời giải thích về xuất xứ, cung cấp những kiến thức khái quát cho người xem về võ Bình Định.

Các pha tỉ thí trong phim do những diễn viên xuất thân là con nhà võ thể hiện, cộng với hiệu ứng quay dựng đem đến những màn hành động đẹp mắt, mãn nhãn và chân thật. Ngoài điểm sáng về yếu tố võ thuật, Võ sinh đại chiến cũng khắc phục hạn chế ở khâu kịch bản. Phim kể một câu chuyện có mô típ đơn giản, kết thúc dễ đoán, nhưng vẫn lôi cuốn nhờ cách dẫn dắt tình huống, tâm lý nhân vật thuyết phục. 

Thành công của Võ sinh đại chiến cho thấy các nhà làm phim Việt hoàn toàn có khả năng dùng phim ảnh để lan truyền tình yêu võ thuật, và bộ môn này cũng có thể là mảnh đất giàu tiềm năng để khai thác.

Được biết, sau Võ sinh đại chiến, điện ảnh Việt sắp có thêm một tác phẩm khác đào sâu chủ đề võ thuật: Sám hối (dự kiến ra rạp ngày 15/1), với bộ môn được đề cập là quyền Anh. Thông qua trailer đã trình làng, có thể thấy các cảnh đánh đấm trong phim được dàn dựng khá công phu, trong đó đại cảnh thượng đài khắc họa rất hoành tráng - mà theo nhà sản xuất là phải tốn đến 7,7 tỷ đồng chỉ cho 15 phút lên phim.

Ngoài Sám hối, còn một dự án phim ngắn mang tên Nhất đại tông sư cũng đang được chờ đợi. Phim khai thác câu chuyện có thật về đại võ sư Phan Thọ của vùng đất võ Tây Sơn từ khi còn trẻ cho đến tuổi thất thập, dự kiến sẽ trình chiếu trên mạng trong năm nay. 

Phim ảnh là phương tiện hữu hiệu nhất để quảng bá văn hóa, mà võ Việt cũng là một di sản văn hóa của dân tộc. Có một bộ phim lan truyền tình yêu võ thuật cho người xem, quảng bá bản sắc võ cổ truyền ra thế giới, như điện ảnh các nước khác đã làm, vẫn là ước mơ của khán giả và các nhà làm phim trong nước. Vạn sự khởi đầu nan, cứ đi rồi sẽ thành đường, hẳn là thế! 

Hương Nhu

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI