Muộn phiền xuất bản

30/03/2013 - 14:58

PNO - PNO - “Bệnh” cũ chưa chữa khỏi, sai phạm mới đã xảy đến là tình trạng của ngành xuất bản trong bối cảnh loay hoay với nhiều khó khăn, chỉ có ba đơn vị trong số 64 nhà xuất bản trên cả nước làm ăn có lãi.

Muon phien xuat ban
Độc giả mua sách thời bao cấp tại Hội sách 2013 - Ảnh: VÕ TIẾN

Dấu ấn buồn của ngành

Tại hội nghị triển khai công tác xuất bản - phát hành xuất bản phẩm năm 2013 diễn ra ngày 27/3 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn thẳng thắn chỉ ra trường hợp một cuốn sách dịch của nước ngoài có nội dung không phù hợp do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành mới đây. “Cho xuất bản những cuốn sách kiểu như vậy để làm gì? Chúng ta đang phụng sự cho sự nghiệp của đất nước mà các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để bảo vệ. Đưa cuốn sách đó ra thì giải quyết vấn đề gì, nên buộc phải nghiêm khắc xem lại để suy ngẫm” - ông Doãn nói.

Ngoài sự việc này, thị trường sách gần đây còn xảy ra nhiều sai phạm trong việc cho ra đời những tựa sách sai sót về chủ quyền đất nước. Ông Nguyễn An Tiêm, Phó vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản nói rằng đó là những “tai nạn đáng tiếc, kỷ niệm buồn” cho ngành xuất bản lẫn xã hội. Vi phạm gây nhiều phản ứng trên truyền thông và dư luận xã hội chính là việc một số đơn vị, xuất bản sách mua bản quyền từ nước ngoài sử dụng hình ảnh minh họa cờ Trung Quốc thay cho cờ Tổ quốc, in hình bản đồ quốc gia thiếu quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa như Tiếng Hoa dành cho trẻ em, Bé làm quen với chữ cái...

Cơ quan quản lý đã vào cuộc. Sách sai phạm đã bị thu hồi hoặc đơn vị xuất bản tự thu gom, nhưng hậu quả của nó thì không thể xóa hết trong một sớm một chiều. “Tôi xem các tác phẩm sai sót mà buồn. Một kiểu làm ăn tắc trách, đạo đức nghề nghiệp kém, tại sao lại có thể đem đến cho các em bé mới vào đời bằng những sản phẩm kiểu như vậy. Chế tài 25 triệu đồng có thể giảm nhưng án phạt lương tâm, dư luận xã hội trên các trang mạng xã hội lẫn truyền thông chính thống thì nặng gấp nhiều lần, đau lắm” - ông Đỗ Quý Doãn tâm tư.

Làm sách nhưng không có sách nộp lưu chiểu

Không khó để nhận diện những sai phạm nghiêm trọng chủ yếu nằm ở mảng sách liên kết xuất bản. Đó là nơi mà các nhà xuất bản hầu như chỉ bán giấy phép cho các đơn vị tư nhân rồi phó mặc đối tác muốn làm gì thì làm. Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản dùng đến chữ “hài hước” chua cay khi đề cập tồn tại trong khu vực này: “Một số nhà xuất bản trong hợp đồng liên kết đã không thể hiện điều kiện ràng buộc trách nhiệm của đối tác là phải nộp sách cho mình, nên sách có quyết định xuất bản, do giám đốc ký, nhưng nhà xuất bản đó lại… không có sách để nộp lưu chiểu”.

Đến giám đốc một công ty sách tư nhân - ông Nguyễn Mạnh Hùng của Thaihabooks, cũng tỏ ra không hiểu nổi đồng nghiệp: “Nộp lưu chiểu là trách nhiệm và cũng là một cách để quảng bá sách, đưa đến các thư viện. Công ty nhỏ như chúng tôi mà còn có cả trăm đầu sách nộp lưu chiểu hàng năm, vậy mà có nhà xuất bản lại chỉ được hơn chục cuốn để nộp là quá phi lý”. Tình trạng không nộp lưu chiểu, không có sách để nộp hoặc dồn sách của năm trước sang năm sau mới nộp trở nên bình thường đến mức Cục Xuất bản phải mở ngoặc rõ trong báo cáo rằng “theo thống kê lưu chiểu”, còn Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn thì ngao ngán: “Không có sách nộp lưu chiểu thì giải tán, không còn lời nào để nói nữa”.

Lại có trường hợp nhà xuất bản chưa ký phát hành, chưa nộp lưu chiểu nhưng đối tác liên kết đã nhanh nhảu đưa sách ra thị trường. Thực tế, do một số đơn vị không chủ động được nguồn bản thảo nên phụ thuộc phần lớn vào đối tác, để bên B thao túng, giữ quyền kiểm soát quy trình xuất bản, in và phát hành. Lãnh đạo ngành cho rằng trách nhiệm trước tiên thuộc về tổng biên tập nhà xuất bản và biên tập viên non kém về trình độ chính trị, pháp luật, biên tập không kỹ... Trao đổi bên lề hội nghị, ông Chu Văn Hòa nói sắp tới ngành sẽ tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật cho biên tập viên, trong đó các đơn vị tư nhân cũng phải tham gia, tiến đến triển khai việc cấp chứng chỉ hành nghề biên tập cho đội ngũ này.

Theo báo cáo triển khai nhiệm vụ, ngành xuất bản có rất nhiều đầu việc phải làm trong năm 2013 như triển khai chương trình đặt hàng xuất bản phẩm, hoàn thành quy hoạch phát triển ngành đến năm 2020, xây dựng đề án Ngày đọc sách Việt Nam… Việc gần nhất là thực hiện đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xuất bản có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, làm hành lang để phát triển một lĩnh vực mà ông Đỗ Quý Doãn nói sẽ “tạo ra giá trị văn hóa chứ không phải đem đến những phiền muộn” như thời gian qua.

VÕ TIẾN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI