PNO - Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng - tác giả của cuốn sách nổi tiếng Sài Gòn trăm bước viết về di sản đô thị Sài Gòn - TPHCM - cho rằng, cần phát triển cây xanh gắn với quy hoạch đô thị thay cho cách làm manh mún, tạm bợ như hiện nay.
Phóng viên: Khi bàn về việc phát triển cây xanh, các cơ quan chức năng của TPHCM thường than thiếu đất, thiếu tiền. Theo ông, khắc phục những cái khó này như thế nào?
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng: Trước hết, Việt Nam phải có quy định rõ ràng về quy hoạch. Hiện nay, có các quy định về cây xanh, về tỉ lệ mảng xanh cũng như yêu cầu trồng nhưng chưa rõ ràng nên mỗi địa phương làm một kiểu, “mạnh ai nấy làm”. Chẳng hạn, nhiều đô thị trên thế giới quy định chỉ tiêu cây xanh 20-30 m2/người, còn đảng bộ, chính quyền TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 chỉ có 1 m2/người, các tỉnh, thành khác thì khoảng 2-3 m2/người, tức là thiếu nhất quán. Do đó, phải có quy định rất cụ thể trong các luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng.
Hiện nay, các dự án cao tầng đều đề xuất phần đế phình ra và mật độ xây dựng cao, còn tháp nhỏ lại và mật độ xây dựng thấp. Điều này là ngược với thế giới bởi đế công trình rộng thì không còn đất để làm hạ tầng, thiếu đất trồng cây xanh. Khi cấp giấy phép xây dựng trong đô thị, chính quyền thành phố ở các nước cố gắng làm cho diện tích chiếm đất càng ít càng tốt để ưu tiên làm hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cây xanh, metro, đường đi bộ; họ quy hoạch lề đường rộng hơn 10m, trồng cây lớn có tán rộng, bố trí ghế đá, lối đi bộ, lối đi cho xe đạp trên vỉa hè. Còn ở TPHCM, đi đâu cũng thấy nhà cửa san sát, đường nhỏ, lề đường cũng nhỏ nên diện tích để trồng cây xanh không còn nhiều, cây không đẹp và không có bóng mát. Theo tôi, nếu tận dụng và quy hoạch không gian 2 bên bờ sông Sài Gòn và các kênh rạch để làm công viên, sẽ giúp nâng tỉ lệ cây xanh của TPHCM lên ít nhất 2-3 m2/người. Lộ giới bờ sông mà chỉ đề xuất 20 - 30m thì không làm được gì, trong khi thế giới họ quy hoạch lộ giới 2 bên bờ sông 200 - 300m. TPHCM hiện mới làm được một chút ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng mảng xanh 2 bên kênh vẫn còn quá ít, công viên Bến Bạch Đằng ven sông Sài Gòn vẫn chưa phải là công viên đúng nghĩa bởi thiếu cây xanh, bóng mát.
Nên tham khảo cách làm của thế giới. Chẳng hạn, dọc sông Sài Gòn từ quận 1 đến huyện Củ Chi, nên quy hoạch lộ giới 2 bên 300m, có quy hoạch tổng hợp gồm chỗ nào làm khu cao tầng tái định cư cho dân, chỗ nào làm công viên, hạ tầng kỹ thuật, khu dịch vụ, sau đó lập các dự án đầu tư, người dân được tái định cư tại chỗ, trở thành những cổ đông của các dự án bằng hình thức góp đất và có thu nhập từ cổ tức tăng mãi theo thời gian. Cứ khoanh vùng khu vực này làm trong 1-2 năm, cuốn chiếu đến khu vực kia thì trong vòng 10 năm, sẽ có những không gian 2 bên bờ sông tuyệt đẹp. Đây là giải pháp lấy nội lực tại chỗ để thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở xã hội, thậm chí không cần đến vốn từ ngân sách. Cần lập hẳn công ty cổ đông phát triển sông Sài Gòn chứ đừng làm manh mún, sau này sửa tới sửa lui rất khó.
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng
* Cây xanh ở TPHCM vốn đã ít, nhưng khi triển khai các dự án hạ tầng, các nhà đầu tư cứ thấy vướng cây xanh là xin phép chặt. Chính quyền các đô thị trên thế giới ứng xử thế nào với cây xanh, đặc biệt là cây lâu năm, thưa ông?
- Ở các nước, cây xanh được xem là tài sản vô giá, bởi phải mất hàng chục, hàng trăm năm thì cây mới cao, xòe tán rộng. Khi triển khai các dự án hạ tầng, đầu tiên, họ khoanh vùng bảo vệ cây xanh, khu phố cổ và phát triển ở những nơi khác chứ không cho xây chen, vướng tới đâu chặt tới đó. Trong khi đứng về mặt quy hoạch, chúng ta hoàn toàn có rất nhiều giải pháp để giải quyết những chuyện như vậy. Có nhất thiết phải đi qua các tuyến đường trồng cây xanh thì mới làm được dự án đó không? Chưa chắc để cây cầu ở vị trí đó là hợp lý hơn những vị trí khác, chưa chắc hướng tuyến metro đó là tốt nhất. Chính quyền phải cân nhắc lợi hại chứ không phải thấy chuyện gì dễ thì làm.
Hiện nay, chúng ta đang chia nhỏ nhiều “sứ quân” trong quản lý đô thị, còn thế giới, mỗi đô thị chỉ có 1 kiến trúc sư trưởng, 1 cơ quan kiến thiết quản lý tất cả hệ thống hạ tầng cơ sở, nên mới lập ra một kế hoạch tổng hợp được. Ở ta thì mạnh ai nấy làm, ngành này trồng cây nhưng ngành kia chặt cây. Đứng về mặt nguyên tắc quy hoạch thì những người thiết kế như chúng tôi bao giờ cũng phải nghĩ đến chuyện “bảo vệ, bảo vệ, bảo vệ” rồi mới nói đến chuyện “phát triển, phát triển, phát triển”.
* Các hàng cây trên nhiều tuyến đường ở TPHCM còi cọc, lơ thơ, thậm chí héo úa nhưng cũng được thống kê là “mảng xanh”. Vậy công tác lựa chọn, chăm sóc cây ở các nước như thế nào, thưa ông?
- Ở các đô thị trên thế giới, cây xanh là một chương trình khoa học lớn chứ không phải giao đại cho một đơn vị nào đó và làm cho có. Họ có những trường, viện nghiên cứu các loài cây xanh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Phát triển cây xanh không phải chỉ trồng mà còn các công đoạn lựa chọn loài, ươm trồng, lai tạo, chăm sóc, bảo vệ.
Ở Sài Gòn trước đây, người Pháp mời kỹ sư J.B.Louis Pierre từ Ấn Độ qua nghiên cứu để phát triển vườn Bách Thảo (Thảo cầm viên hiện nay). Nhiệm vụ của ông là sưu tầm các loài thực vật của 3 nước Đông Dương và thế giới, du nhập về để ươm giống, trồng thử nghiệm, lưu trữ cho vườn Bách Thảo, nhân rộng những cây thích hợp cho đường phố Sài Gòn, nhờ vậy Sài Gòn trở thành hòn ngọc Viễn Đông tươi đẹp. Hiện nay, cây xanh đang được giao cho từng quận huyện, không có “người cầm trịch” và cứ sắp vào mùa mưa thì công nhân công ty cây xanh ra gọt trụi lủi cây mà không chăm sóc đúng cách. Việc trồng cây ở các dự án mới còn khá tùy tiện, như trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). 50 năm qua, gần như không có thêm những con đường cây xanh đúng nghĩa. Do đó, lãnh đạo thành phố muốn phát triển cây xanh thì phải thực sự quyết tâm và có cách làm bài bản. * Xin cảm ơn ông.