Muốn nghỉ hưu sớm nhưng chồng không cho

02/10/2024 - 19:30

PNO - Quyết định nghỉ hưu sớm hay tiếp tục đi làm nên là quyết định của riêng chị, bởi chị mới hiểu rõ mong muốn, sức khỏe của mình. Ý kiến của chồng chị là một kênh tham khảo.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Sang tuổi 50, tôi thấy mình không còn nhiều thời gian cho bản thân. Nhiều bạn bè tôi đang tính chuyện nghỉ hưu sớm. Tính ra, suốt từ khi lấy chồng, sinh con, nuôi dạy con cái, tôi vẫn vừa phải đi làm kiếm tiền vừa lo việc nhà, cơm nước giặt giũ, thu vén trong ngoài.

Bây giờ, nếu tôi nghỉ, kinh tế gia đình cũng không bị ảnh hưởng mấy, các con cũng đã lớn và tự lập. Tôi muốn được sống cho bản thân, có thời giờ đọc sách, đi đây đi đó thăm thú du lịch, kể cả việc về quê ở một thời gian, sống lại quãng đời con gái, gặp gỡ bạn bè giờ đã ở tuổi xế chiều…

Thế nhưng chồng tôi phản đối. Ông ấy bảo chưa gì đã tính chuyện hưu, các bà nghỉ hưu lắm chuyện rồi sinh ra đàn đúm hội này hội kia: hội tập thể dục, hội đi chùa, từ thiện… ông ấy không thích.

Tính tôi trước nay vẫn nghe theo ý chồng - trong nhà mọi việc đều do ông ấy quyết định. Ông ấy bảo công việc đang ổn, việc gì mà nghỉ, gắng vài năm nữa rồi vợ chồng cùng hưu, hưởng lương theo chế độ tốt hơn, mà có đi đâu cũng 2 người. Tôi thật lòng từ hồi trẻ đã không thích công việc này, chẳng qua đi làm nhà nước yên ổn nên làm tới bây giờ.

Tôi nghĩ, giờ đang còn sức khỏe, còn vài người bạn vui vẻ; vài năm nữa, có nghỉ hưu cũng chỉ lại quanh quẩn ở nhà chứ sức đâu nữa mà đi đây đi đó hay làm gì. Nếu tôi kiên quyết nghỉ, chắc chồng tôi sẽ phản ứng mạnh rồi làm ồn ào nhà cửa, rồi nặng nề mệt mỏi. Nhưng nếu tôi cứ nghe theo lời ông ấy mãi thì đến bao giờ tôi mới được sống theo ý mình?

Tôi nên làm sao bây giờ?

Ngọc Tâm (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Ngọc Tâm thân mến,

Quyết định nghỉ hưu sớm hay tiếp tục đi làm nên là quyết định của riêng chị, bởi chị mới hiểu rõ mong muốn, sức khỏe của mình. Ý kiến của chồng chị là một kênh tham khảo. Chị hãy chia các yếu tố thành 2 gói, viết ra giấy, đặt trước mặt mình và suy nghĩ, cân nhắc.

Gói thứ nhất là các điều kiện “được” để nghỉ: mình đã tích lũy đủ để có thể tạm yên tâm về tuổi già, các con đã tự lập, chế độ lương hưu phù hợp (dù chắc chắn không thể bằng với lương khi đi làm), mình có thêm thời gian, có kế hoạch để sử dụng thời gian đó, mình đang khỏe mạnh, mình có bạn bè…

Gói thứ hai là những điều sẽ “mất” khi nghỉ: không còn lương hằng tháng, lương hưu thấp, thiếu vắng đồng nghiệp, không có công việc làm hằng ngày để duy trì sự nhanh nhẹn, có thể sẽ ở nhà một mình, có thể vợ chồng lục đục…

Chị hãy liệt kê thật cụ thể. Khi so sánh 2 gói, chị xem gạch đầu dòng nào trong gói “mất” có thể tìm cách giải quyết được, cái nào không giải quyết được. Nếu gói “được” nhiều hơn, ta sẽ mạnh mẽ hơn khi chọn lựa.

Nghỉ hưu sớm là giấc mơ của nhiều chị em, nhưng cũng có thể trở thành ác mộng nếu ta không chuẩn bị lối sống và kế hoạch phù hợp. Với chị, hầu như suốt cuộc đời đã nghe theo ý kiến của chồng, việc cân nhắc kỹ, tính toán các kế hoạch riêng là rất cần thiết, quan trọng. Hạnh Dung ủng hộ việc phụ nữ chủ động trong các quyết định.

Tuy nhiên, chị cũng đừng đặt hết mọi kỳ vọng vào chuyện về hưu. Ngay cả khi chưa về hưu, ngay lúc này, chị cũng có thể quyết định thay đổi bằng những việc cụ thể như: tự cho mình kỳ nghỉ phép để về quê dài ngày hơn, đi du lịch cùng bạn bè, chọn ra ngoài nhiều hơn, tham gia hoạt động xã hội nhiều hơn…

Ở tuổi này, chị có đủ kinh nghiệm và năng lực để chủ động thu xếp công việc sao cho hiệu quả, vừa sức mình và vẫn còn thời gian cho những mối quan tâm khác. Chúc chị thoải mái trong một thời kỳ mới của cuộc sống, dù là đang làm việc hay nghỉ hưu.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI