Muốn nghèo!

23/10/2017 - 16:30

PNO - Tất nhiên, chẳng ai mong mình nghèo khổ đi, chỉ là vì hiện tại họ không hạnh phúc nên mới ước ao được quay về 'những ngày xưa thân ái'.

Nhiều lúc vợ cũng muốn chia sẻ công việc với chồng, nhưng chưa một lần chồng cho vợ cơ hội. Như lời chồng thì đó là những việc lớn, vợ không nên xen vào, nhỡ hỏng việc rồi vợ chồng xích mích, không hay. Vợ biết, đó là chồng suy nghĩ cho vợ, cho hạnh phúc gia đình nên mới thế. Nhưng ngày trước, làm gì hai vợ chồng cũng chung tay, mà vẫn thấy hài lòng, thoải mái.

Tất nhiên, chẳng ai mong mình nghèo khổ đi, chỉ là vì hiện tại họ không hạnh phúc nên mới ước ao được quay về “những ngày xưa thân ái”.

Muon ngheo!
 

Có ai ngược đời như vợ không - đang ở trong một ngôi nhà khang trang lại muốn trở về cái thời sống trong căn phòng trọ chật chội. Vợ chưa dám nói với ai mong ước điên rồ đó, đặc biệt là với chồng.

Còn nhớ cảm giác sung sướng đến trào nước mắt ngày chúng mình dắt tay nhau bước vào ngôi nhà hai tầng này. Nhờ vào sự “viện trợ” nhiệt tình của hai bên nội ngoại, cộng với mấy năm liền thắt lưng buộc bụng, vợ chồng mình cũng có được một cơ ngơi mà nhiều người mơ ước. Vợ cứ tưởng cuộc sống từ đây sẽ không còn gì phải băn khoăn, lo nghĩ nữa.

Nhưng từ cái “mốc” có nhà mới ấy, cuộc sống gia đình mình dần dần rời rạc. Vợ là người phụ nữ dễ hài lòng với những gì mình đang có. Có lẽ vì vậy mà khi vợ chồng mình trả hết nợ, vợ thở phào nhẹ nhõm và bắt đầu nới lỏng lịch làm việc, lên ý tưởng tận hưởng cuộc sống bằng những kế hoạch nho nhỏ. Nhưng chồng không thế. Kể cả khi kinh tế gia đình đã bắt đầu ổn định, chồng vẫn lao vào những “chiến dịch” làm ăn mới, ngày một mạo hiểm hơn. Vợ đôi lần can ngăn, nhưng chồng khoát tay, cho là “đàn bà con gái biết gì”.

Muon ngheo!
Ảnh minh họa

Sau mấy lần thất bại, bản tính hiếu thắng khiến chồng cay cú. Bao nhiêu tâm sức chồng dồn hết vào những dự án và bao nhiêu dự định của vợ chồng lùi vào quên lãng. Chồng bảo vợ nghỉ việc ở nhà để tập trung chăm lo cho tổ ấm. Vợ biết, đồng lương mà vợ kiếm được chẳng là bao, nhưng ít nhất khi đi làm, vợ thấy mình được làm chủ cuộc sống.

Chiều chồng, vợ từ giã chốn công sở, lui về làm một bà nội trợ vui vẻ. Vợ cố tìm niềm vui trong những món ăn, dồn hết tâm huyết vào những bữa cơm để đợi chồng. Vậy mà, những lần chồng về ăn ngày càng thưa thớt. Tội nghiệp cu Tí, hôm nào nó cũng hỏi đi hỏi lại: “Ba không về ăn cơm với con được hả mẹ?”. Hồi trước, dù vất vả đến mấy, vợ chồng mình cũng đi làm cùng giờ, về nhà cùng lúc. Tiếng cười lúc nào cũng râm ran trong căn phòng trọ chỉ 14m2.

Kiếm được nhiều tiền, vợ biết chồng bí mật lập “quỹ đen”. Thực ra điều vợ quan tâm không phải là chồng lập “quỹ đen” để làm gì mà là cuộc sống của vợ chồng ngày một tách biệt. Chồng vẫn muốn gánh vác phần lớn công việc trong gia đình nhưng sự “phân công” của chồng đã có vẻ rạch ròi hơn. Ngày ấy, vợ chồng mình có vô vàn việc chung, giờ thì đi đâu cũng thấy gắn mác “việc của chồng” hoặc “việc của vợ”.

Có quá không khi tất cả ước mong của vợ đôi lúc chỉ là cái ôm lúc chồng trở về nhà, sau một ngày làm việc. Đáng lý vợ sẽ không đòi hỏi “nhiều” như vậy đâu, nhưng vì đã có tiền lệ từ cái thời mình ở trọ, giờ không còn nữa nên vợ thấy thiếu thôi. Chắc chồng sẽ bảo: “Thì vẫn ôm thường xuyên đấy chứ”, nhưng đó là những cái ôm kèm với đòi hỏi gối chăn. Có phải khi cuộc sống khá lên thì những cử chỉ lãng mạn giản đơn cũng sẽ dần bị lãng quên? Mà nếu chỉ có vậy, chắc vợ cũng không điên đến mức muốn quay về cái thời chui lủi trong căn phòng chật chội.

Vợ tình cờ phát hiện, trong những chuyến công tác xa nhà của chồng, bao giờ cũng có một người phụ nữ đi cùng. Khi chuyện vỡ lở, vợ như mất hồn. Ngày trước, vợ chưa hề nhìn thấy ánh mắt chồng liếc dọc liếc ngang một “bóng hồng” nào, huống hồ là chuyện tày trời này. Nếu là người phụ nữ khác, có thể họ đã làm toáng lên, hoặc đánh ghen, hoặc viết đơn ly dị vì quá tổn thương. Nhưng vợ chọn cách im lặng. Có lẽ, chồng cũng thấy sự im lặng đó đáng sợ hơn mọi thứ âm thanh ồn ào khác. Chồng tự giác cắt liên lạc, may mắn là cô ấy cũng dần buông tha chồng. Nhưng những tổn thương trong lòng vợ thì thật khó lành, dù chồng đã bao lần rơi nước mắt xin vợ tha thứ, dù chồng hết lòng quan tâm vợ như một sự đền bù, chuộc lỗi.

Trước đây, vợ từng nghĩ, cuộc sống thoải mái hơn sẽ khiến cho vợ chồng mình hạnh phúc hơn. Nhưng trong hoàn cảnh này, những thoải mái về vật chất đã không ngăn được những cám dỗ của nhịp sống mới. Vợ chồng mình cùng trở lại thời “rau cháo mà hạnh phúc” có nên không chồng?

Vũ Hoài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI