Mượn mác công ty, người nổi tiếng để bán hàng lừa đảo

09/08/2024 - 06:30

PNO - Gần đây, nhiều kẻ xấu lập fanpage (trang trên Facebook) rồi sử dụng hình ảnh người nổi tiếng hoặc cắt ghép các video live stream (phát sóng trực tiếp) trước đó của người nổi tiếng để chạy quảng cáo rao bán hàng. Nhưng những kẻ này nhận tiền rồi không giao hàng, hoặc giao toàn hàng giả.

Nhận tiền rồi... im re

Mới đây trang “Hóng Biz” đăng hình ảnh nữ diễn viên N.T. nói rằng do cô dính quá nhiều tai tiếng nên bị nhãn hàng Chanel chính thức ngưng hợp tác; để thay lời cảm ơn đến những khách hàng đã tin tưởng, Chanel giảm giá 75% cho một số dòng nước hoa, còn 930.000 đồng/sản phẩm. Để thu hút khách hàng, trang này còn “nổ” rằng đã bán được hơn 5.000 chai nước hoa chỉ sau 24 giờ giảm giá. Dưới nội dung quảng cáo là đường dẫn (link) website để đặt mua hàng.

Nhiều cá nhân, tổ chức cũng lợi dụng thương hiệu M.O.I Cosmetics của ca sĩ Hồ Ngọc Hà để lập nên các fanpage có tên na ná thương hiệu này rồi chạy quảng cáo rao bán sản phẩm với giá cực rẻ. Như trang “MOI Comsmetics tại HCM” hay trang “Hồ Ngọc Hà - MOI cosmetics HCM” đang chạy quảng cáo các video có hình ảnh nữ ca sĩ này đang giới thiệu son môi rồi rao bán combo 2 thỏi son với giá 200.000 đồng, trong khi giá sản phẩm chính hãng dao động từ 300.000-5 triệu đồng/sản phẩm. Các trang này không có thông tin liên hệ nào ngoài số điện thoại di động nên sau khi nhận tiền chuyển khoản, họ không giao hàng mà chặn liên lạc với bên mua hàng.

Ca sĩ Mỹ Tâm cũng bị một fanpage mượn hình ảnh để rao bán nước hoa giảm giá. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, đại diện của ca sĩ Mỹ Tâm và Hồ Ngọc Hà đều khẳng định, những hình ảnh đang được dùng để quảng cáo, bán nước hoa giảm giá trên Facebook là cắt ghép, giả mạo. Sau khi 2 ca sĩ này báo cáo sai phạm với Facebook, các fanpage mạo danh trên cũng biến mất.

Thành Lâm (ghi)

Thấy trang “Tiệm nhà nón chuyên sỉ” trên Facebook live stream rao bán 3 sản phẩm Nón Sơn với giá 99.000 đồng, quá rẻ so với giá trên thị trường, chị Ngọc Hà (quận Bình Tân, TPHCM) nhanh chóng đặt mua chục chiếc để tặng người thân.

Thế nhưng, sau khi chuyển khoản tiền cho trang trên, chị chờ hoài mà không nhận được sản phẩm, mở tìm lại trang thì không thấy đâu. Đến cửa hàng của Công ty Nón Sơn phản ánh, chị mới biết mình đã tin nhầm fanpage lừa đảo, mạo danh Nón Sơn.

Nhân viên Công ty Nón Sơn đang kiểm tra các sản phẩm giả mạo được bán với giá chưa bằng một nửa so với sản phẩm thật - ẢNH: THANH HOA
Nhân viên Công ty Nón Sơn đang kiểm tra các sản phẩm giả mạo được bán với giá chưa bằng một nửa so với sản phẩm thật - Ảnh: Thanh Hoa

Chị phân trần, sở dĩ tin tưởng là vì fanpage trên tự nhận là đại lý của Công ty Nón Sơn, thường xuyên đăng hình ảnh đoàn lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn đến thăm và làm việc với công ty, các nghệ sĩ sử dụng nón của công ty. Hơn nữa, sản phẩm được giới thiệu trong live stream đều được quay rõ nét, trên sản phẩm đều có tem nhãn, logo của Công ty Nón Sơn. Sau khi biết mình bị lừa, chị vào Facebook thì thấy nội dung live stream tương tự xuất hiện nhan nhản dưới dạng “được tài trợ” (tức có đóng tiền cho Facebook để chạy quảng cáo), mỗi cuộc thu hút hàng ngàn lượt thích (like) và bình luận (comment).

Điều kiện kinh doanh trực tuyến quá dễ dãi

Theo ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty Nón Sơn - tình trạng hàng gian, hàng giả xuất hiện trên không gian mạng ngày càng nhiều là do Việt Nam chưa có tiêu chí kiểm soát thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội có hoạt động kinh doanh. Các cửa hàng kinh doanh truyền thống (có mặt bằng thật) bị kiểm tra thường xuyên, sản phẩm phải đảm bảo nhiều tiêu chí, trong khi các cửa hàng trực tuyến lại không bị kiểm tra, điều kiện kinh doanh cũng rất dễ dãi.

Nhân viên của Công ty Nón Sơn đang kiểm tra các fanpage giả mạo để xử lý nhưng xử lý trang này thì trang khác lại mọc lên - ẢNH: THANH HOA
Nhân viên của Công ty Nón Sơn đang kiểm tra các fanpage giả mạo để xử lý nhưng xử lý trang này thì trang khác lại mọc lên - Ảnh: Thanh Hoa

Ông cho rằng, nếu không có giải pháp kiểm soát thì những hành vi bán hàng lừa, hàng giả sẽ gây rối thị trường, khiến trắng đen lẫn lộn, làm giảm uy tín của doanh nghiệp chân chính, tổn hại quyền người tiêu dùng. “Chính phủ phải ban hành các tiêu chí khi kinh doanh trên mạng xã hội, trên sàn thương mại điện tử. Con người có mã định danh thì sản phẩm trên các kênh này phải có mã định danh, gồm chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ, chất lượng, công bố hợp chuẩn; hồ sơ đăng ký bán sản phẩm phải do một đơn vị hành chính kiểm soát chứ không phải để các sàn tự quyết định. Với cá nhân bán hàng giả, lừa tiền thì phải xử lý hình sự, song song với việc bị cấm mở tài khoản trên sàn, trên mạng” - ông Nguyễn Ngọc Tý đề xuất.

Theo ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok Việt Nam - sản phẩm được bán trên TikTok Shop phải là hàng thật và không gây ra sự nhầm lẫn do sự tương đồng của sản phẩm đó với tài sản trí tuệ của bên thứ ba. Chính sách chống hàng giả và hàng nhái của TikTok Shop được cập nhật định kỳ. Đối với các sản phẩm bị nghi ngờ là giả mạo hoặc chủ sở hữu bản quyền nộp báo cáo giả mạo, TikTok Shop sẽ loại bỏ hoặc hủy đăng sản phẩm đó, chấm dứt tài khoản của nhà bán hàng, tịch thu các khoản đặt cọc của nhà bán hàng. TikTok Shop cũng khuyến khích chủ sở hữu thương hiệu, chủ sở hữu quyền và người dùng báo cáo về các sản phẩm giả mạo hoặc đạo nhái đáng ngờ.

Diễn viên Nhật Kim Anh cũng bị sử dụng hình ảnh để quảng cáo mỹ phẩm, nước hoa - Ảnh: Thanh Hoa (chụp màn hình Facebook)
Diễn viên Nhật Kim Anh cũng bị sử dụng hình ảnh để quảng cáo mỹ phẩm, nước hoa - Ảnh: Thanh Hoa (chụp màn hình Facebook)

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Quang Huy - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM - đánh giá, hình thức bán hàng trực tuyến gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát bởi các đối tượng bán hàng thực hiện live stream chỉ cần một góc nhỏ nào đó để quay, trong nội dung phát cũng không cung cấp địa chỉ thực hiện live stream hay bán hàng, chỉ giới thiệu hàng hóa và giao dịch qua điện thoại, Messenger. Kinh doanh trực tuyến cũng để bán được hàng hóa, mà muốn bán được thì phải có hàng hóa được sản xuất, chứa trữ. Do đó, việc tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm trên thị trường truyền thống cũng là cách để kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm trên nền tảng trực tuyến.

Cục Quản lý thị trường TPHCM cũng thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM và các sàn thương mại điện tử để tuyên truyền pháp luật, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Cục cũng tra cứu các website, các sàn thương mại điện tử, chủ động kết bạn với các đối tượng bán hàng trên Zalo, Facebook… để tìm kiếm thông tin, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Đội quản lý thị trường số 8, Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng kiểm tra, thu giữ 400 sản phẩm Nón Sơn giả tại một cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm ở TP Đà Nẵng - Ảnh do Cục Quản lý thị trường  TP Đà Nẵng cung cấp
Đội quản lý thị trường số 8, Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng kiểm tra, thu giữ 400 sản phẩm Nón Sơn giả tại một cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm ở TP Đà Nẵng - Ảnh do Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng cung cấp

Xử lý trang này, lại mọc trang khác

Ông Nguyễn Phú Lập - Phó chủ tịch Hội Da giày quận 4, chủ thương hiệu giày Bi Long - cho biết, nhiều thương hiệu da giày truyền thống và nổi tiếng ở TPHCM đang bị các đối tượng xấu mượn danh để bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên Facebook, TikTok. Có đối tượng đặt hàng gia công từ Trung Quốc, sau đó đóng logo thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam vào rồi bán giá rẻ bằng 1/3 so với hàng thật.

Ông Nguyễn Ngọc Tý cho hay, công ty đã phát hiện nhiều fanpage mượn hình ảnh người nổi tiếng để rao bán Nón Sơn giả. Thậm chí, có kẻ còn lập gian hàng để bán Nón Sơn giả trên mạng xã hội TikTok, trên các sàn thương mại điện tử và các gian hàng giả này nằm cạnh gian hàng thật của công ty. Những kẻ xấu này thường vào các cửa hàng chính hãng của Nón Sơn để quay phim, chụp hình hoặc mua các sản phẩm chính hãng rồi về quay, chụp, sau đó đăng quảng cáo. Họ tổ chức các buổi live stream, thuê những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội rao bán, dùng Nón Sơn thật để làm mẫu giới thiệu nhưng lại giao hàng giả cho khách hoặc chiếm đoạt tiền và không giao hàng.

Ông Nguyễn Ngọc Tý từng theo dõi các phiên live stream này và nhận thấy, chỉ trong 90 phút, có trang chốt được 500 đơn, giá 90.000-250.000 đồng/sản phẩm, trong khi giá chính hãng phải là từ 550.000-10 triệu đồng/sản phẩm. Để tăng độ tin cậy, có fanpage còn cố tình bán giá cao gần bằng giá của hãng nhưng vẫn giao hàng dỏm cho bên mua. Công ty Nón Sơn có đội ngũ theo dõi các tổ chức, cá nhân kinh doanh Nón Sơn giả để báo cáo với cơ quan chức năng, nhưng xử lý fanpage này thì mọc lên fanpage khác. Mỗi năm, công ty phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nhiều vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, có vụ thu hơn 30.000 tang vật, trị giá hơn 38 tỉ đồng.

Nên phản ánh với cơ quan quản lý thị trường

Khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử, trên mạng xã hội, người tiêu dùng nên yêu cầu đối tượng kinh doanh cung cấp rõ thông tin, bằng chứng về chủ kinh doanh, địa chỉ kinh doanh, nguồn gốc hàng hóa và giấy tờ chứng minh giao dịch… để không bị lừa gạt, mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, đồng thời có căn cứ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, khi phát hiện hoặc nghi vấn về nơi kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng ở TPHCM nên gửi phản ánh đến Cục Quản lý thị trường TPHCM để xử lý và được giữ bí mật theo quy định.

Ông Nguyễn Quang Huy - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM

Cơ quan chức năng nên phối hợp chặt chẽ với Facebook

Tôi còn nhớ trong năm 2019, có một tài khoản Facebook đã đăng tải thông tin sai sự thật về nguồn gốc, xuất xứ của một sản phẩm mỹ phẩm, sau đó còn lập nhiều hội, nhóm để chia sẻ thông tin này, khiến nhà sản xuất thiệt hại hơn 50% doanh thu. Nhà sản xuất đã báo cáo vi phạm và gửi email yêu cầu xử lý vụ việc nhưng Facebook không phản hồi, chỉ âm thầm xóa các tài khoản đăng thông tin vu khống trên.

Từng phát hiện các tài khoản giả mạo thương hiệu để bán sản phẩm kém chất lượng, công ty tôi đã gửi báo cáo vi phạm, gửi email nhưng Facebook không phản hồi, cũng không xóa các tài khoản giả mạo. Do đó, tôi nghĩ cơ quan chức năng nên có sự hợp tác chặt chẽ với Facebook để giám sát và xử lý các trang, tài khoản giả mạo, chứ không nên để doanh nghiệp phải trông vào sự hên xui.

Nguyễn Thị Mỹ - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hoa Mỹ

Tìm website chính chủ, so sánh trước khi mua hàng

Nếu chỉ nhìn vào nội dung thì rất khó phân biệt thật, giả vì nội dung số có thể sao chép được. Các đối tượng lừa đảo có thể sao chép lại nội dung của các trang web chính thống, sau đó chỉnh sửa một số thông tin theo ý đồ để phục vụ mục đích lừa đảo. Vì vậy, cách phân biệt thật, giả là nhìn vào địa chỉ tên miền (domain) dẫn đến website đó. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo cũng thường dựng lên các địa chỉ tên miền gần giống với website chính thức, chỉ thay đi một số ký tự khiến người dùng vẫn có thể nhầm lẫn. Để phòng chống, người dùng chỉ nên truy cập vào các website quen thuộc, kiểm tra kỹ địa chỉ tên miền trước khi truy cập, sau đó so sánh sản phẩm từ website chính thống với sản phẩm trên các fanpage, các gian hàng trên sàn thương mại điện tử, các buổi live stream… trước khi quyết định mua hàng.

Ông Vũ Ngọc Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia (NCS)

Mai Ca - Thanh Hoa (ghi)

Mai Ca - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI