Muôn kiểu... tiền đày

09/10/2019 - 11:30

PNO - Cuộc sống đủ đầy, nhưng vẫn lao động sống chết, tiết kiệm đến mức tối đa, ngay cả viên thuốc cho bản thân khi yếu mệt cũng không dám uống, lúc nào cũng chăm chăm để dành tiền “phòng khi hữu sự”... Đó hẳn là bị tiền đày!

Có ai sống mà không cần tiền? Bởi những nhu cầu cơm ăn, áo mặc, con cái học hành, mua xe, sắm nhà, hiếu hỉ cha mẹ hai bên… đều là những nhu cầu thiết yếu. Và tất cả đều cần đến tiền.

Người bị tiền đày thì lại khác. Đó là khi họ đã có cuộc sống đủ đầy, nhưng vẫn lao động sống chết, tiết kiệm đến mức tối đa, ngay cả viên thuốc cho bản thân khi yếu mệt cũng không dám uống, và lúc nào cũng chăm chăm để dành tiền “phòng khi hữu sự” (mà chẳng biết là sự gì).

Muon kieu... tien day
Ảnh minh họa

Nhung - bạn tôi bảo: “Từ nhỏ tao đã phải sống thiếu thốn. Con gái tới tuổi ăn tuổi lớn mà chưa ngày nào được một bữa no, lên lớp Mười không có áo dài mới để mặc, toàn phải mặc lại áo màu “cháo lòng” của các chị hàng xóm cho. Xe đạp thì cũ mèm.

Thời sinh viên chưa một lần ăn hàng quán cho đỡ thèm. Cứ ở trường thì ăn mì gói, về quê thì gom nào mít, nào ổi, nào khế, nào rau củ quả… lên Sài Gòn ăn dần để tiết kiệm. May lấy được ông chồng khá giả nên cuộc sống cũng dễ thở hơn.

Nhưng quãng đời nghèo khó thiếu hụt thời thơ bé cứ ám ảnh tao. Nên giờ tao không thể ăn chơi phung phí. Cứ hễ nghe chồng rủ đi du lịch đây đó, thay vật dụng gia đình mới với giá tiền đó… là tao quy ra so với ngày xưa mua được bao nhiêu thùng gạo, bao nhiêu chục hột vịt… mà tiếc đứt ruột”.

Cô bạn tên Hằng thì quyết liệt bảo vệ lý do tự nguyện bị tiền đày của mình: “Còn tao hả, thằng chả làm tháng hai, ba chục “củ”, đưa tao một nửa, một nửa đi “từ thiện” cho “em gái“ mới ghê! Mà chả nuôi gần hai năm tao mới biết. Vậy là tao phải giả bộ nghèo khổ, nay than tiền học con tăng, mai quần áo sách tập hết, mốt vật dụng gia đình hư hao phải mua sắm, bữa kia đám cưới, đám hỏi, đám giỗ, thôi nôi… nhà cha mẹ họ hàng hai bên.

Thiệt với tụi bây chứ nhiều khi tao cũng thấy nhục lắm, nhưng vì phải bảo vệ chủ quyền tấm thẻ ATM đó nên tao buộc lòng phải thế. Thậm chí tao còn canh mấy dịp chả sắp được thưởng, tao nói tao bị bệnh cần tiền đi khám. Có vậy chả mới chịu “ói” ra tiền chứ”.

Muon kieu... tien day
Ảnh minh họa

Bọn tôi thở dài đánh sượt, vì dù là câu chuyện của Hằng, nhưng dường như ai cũng thấy bóng dáng mình trong đó. Đôi khi phụ nữ phải chịu “nhục” vì tiền đày, để giữ hầu bao của gia đình không bị rơi rớt ra ngoài.

Một cô bạn khác tên Giang bảo rằng cô ấy là mẫu người vì tham mà bị tiền đày. Giang tốt nghiệp đại học loại giỏi nhưng xin việc mãi chả được. Hai sáu tuổi vẫn ăn bám mẹ cha, đôi lúc phải xin luôn cả tiền mua mỹ phẩm, sửa xe… Cha mẹ mắng riết cũng chán nên giục Giang “lấy chồng cho xong”. Nhưng biết lấy ai bây giờ? 

Cạnh nhà Giang là văn phòng một công ty nước ngoài. Anh trưởng văn phòng người Úc cần một trợ lý giỏi ngoại ngữ, giỏi giao tiếp, và rành nghiệp vụ kế toán. Giang hội đủ tất cả điều kiện đó và được nhận vào làm. Mỗi ngày thấy anh chàng trưởng văn phòng cứ cơm hộp, trà đá, Giang bèn mời anh hằng ngày sang nhà mình dùng cơm, có rau, có cá tươi, chỉ là “thêm chén thêm đũa”.

“Anh sếp” cũng không khách sáo từ chối, tiền chợ mỗi tháng anh “phụ” gấp đôi tiền cơm văn phòng. Lâu ngày, người phát hiện ra “anh sếp” rất bình dân và tốt bụng không phải là Giang mà là ba của Giang. Nhà chỉ có một cô con gái, những việc cần bàn tay đàn ông như leo trèo, khoan tường, sửa điện… đều do ba Giang làm hoặc thuê người.

Giờ mỗi sớm mỗi chiều có “anh ngoại quốc” làm giúp, lắm khi một già một trẻ còn uống trà và trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ cơ thể, ba Giang cảm thấy rất hài lòng. Nên chỉ một năm rưỡi sau ngày “anh sếp” sang ăn cơm chung với gia đình, Giang đã chấp nhận lời cầu hôn của anh.

Cưới nhau xong, vợ chồng vẫn làm chung một công ty. Từ khi Giang cấn bầu, anh bảo vợ nghỉ ngơi cho khỏe. Nhưng vì “tham tiền” nên Giang vẫn xin chồng đi làm cho đến ngày sinh. Sáu tháng hậu sản qua nhanh, Giang khấp khởi mong ngày trở lại với công việc, không phải vì thiếu hụt, mà vì yêu thích môi trường làm việc chuyên nghiệp với chồng và các cộng sự, lương lại cao. Nhưng chồng Giang không đồng ý.

Anh bảo cô nghỉ thêm cho đến khi con hai tuổi, lương tháng anh vẫn trả đều đặn như khi cô đi làm. “Tụi mày biết mà, tuổi trẻ qua rất nhanh, ngồi nhà tao thấy phí làm sao ấy! Vậy là tao vẫn… lãnh lương chồng phát, nhưng tao làm thêm việc bán hàng online. Tiền bán được tao đi làm từ thiện, mua tã sữa, quần áo… cho mấy trại cô nhi” - Giang nói.

Vậy đó, làm đàn bà, có ai mà không bị tiền đày. Quan trọng là ta để tờ giấy có số đầy ma lực ấy “đày” mình bằng cách nào thôi. 

Trang Đào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI