Muôn kiểu quấy rối tình dục và phản ứng của nạn nhân

22/07/2020 - 14:16

PNO - Dường như mọi phụ nữ đều từng bị quấy rối tình dục, nhưng nhiều nạn nhân không hề ý thức đó là quấy rối tình dục.

Trò chuyện với bạn bè về biểu hiện “quấy rối tình dục” trong câu chuyện của vị thị trưởng Seoul quá cố, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Đầy rẫy!”.

Dường như ai cũng có một câu chuyện bị quấy rối tình dục trong quá khứ. Đặc biệt, cùng là bị quấy rối, nhưng mỗi nạn nhân lại có những phản ứng khác biệt, thậm chí trái ngược nhau…

Chị Nguyễn Ngọc Trang – chuyên viên truyền thông: KHÓ PHÂN BIỆT QUẤY RỐI VÀ GIAO TIẾP THÂN THIỆN

Trong công ty cũ của tôi có anh sếp tính tình vui vẻ, hoạt náo. Lúc mới vào làm, tôi thấy cứ gặp chị em là ảnh quàng vai, hoặc ôm eo trước bàn dân thiên hạ và miệng líu lo: “Khỏe không em, em xinh quá, em dễ thương quá” .

Mới gặp, tôi cũng hơi sốc và thắc mắc tại sao mọi người lại để một người đàn ông động chạm dễ dàng như vậy. Thấy tôi thắc mắc, các chị em “đả thông tư tưởng”: “Tại tính ổng vậy, chớ không có máu dê hay gì hết!”.

Từ đó, tôi để ý thấy anh sếp và mọi người xem cách đụng chạm của anh ấy cũng như một thói quen giao tiếp bình thường. Chính tôi cũng từng đứng yên khi anh sếp quàng vai và hỏi thăm công việc, gia đình. Nhưng khi từ phía sau nhìn các chị bị anh sếp "áp sát", tôi thấy rất kì dị, và rồi tôi bừng tỉnh: “Để cho một người đàn ông không phải chồng/người yêu đụng chạm vậy đâu được". Sau này, mỗi khi anh sếp vừa sấn tới thì tôi né, hoặc gỡ tay ngay.

Anh sếp biết tôi không thích, nên không còn quàng vai, ôm eo tôi khi gặp. Đồng nghiệp thì vẫn cho rằng đó là giao tiếp thân thiện, không ai nghĩ đó là hành vi, hay ít nhất cũng là mầm mống của quấy rối tình dục.

Bà Kim Jae-ryun (giữa) - luật sư của cựu thư ký thị trưởng, người đã buộc tội Park Won-soon quấy rối tình dục - phát biểu trong một cuộc họp báo ở Seoul ngày 13/7 - Ảnh: The Korea Times
Bà Kim Jae-ryun (giữa) - luật sư của cựu thư ký thị trưởng, người đã buộc tội Park Won-soon quấy rối tình dục - phát biểu trong một cuộc họp báo ở Seoul ngày 13/7 - Ảnh: The Korea Times

Chị Đỗ Hiền Trang - nhân viên nhân sự: VÌ MIẾNG CƠM MANH ÁO PHẢI IM LẶNG

Trong phòng tôi, hơn 70% là nữ và ai hầu như ai cũng từng là nạn nhân của gã quản lý "dê xồm". 8 năm trước, khi tôi mới vào công ty, anh ta nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ tôi nên tôi rất cảm kích, và nghĩ mình may mắn được gặp sếp tốt. Tôi còn ngờ vực khi đồng nghiệp lâu năm cảnh báo “cẩn thận với sếp T. nghen!”.

Cho đến lần phòng tôi có tiệc tất niên. Lúc ra về, tôi đi sau mọi người, cùng với T. Đột nhiên, T. quay qua ghì đầu và hôn tôi. Tôi điếng hồn, xô T. ra và bỏ chạy, về nhà khóc như mưa. Sáng sớm hôm sau, T. nhắn tin giải thích “do say quá không làm chủ được”. T. xin lỗi và nhờ tôi giữ kín chuyện.

Từ đó tôi luôn tìm cách né T. Không "thả dê" tôi, T. tấn công cô bé H. cùng phòng mới vào. Hôm đó chúng tôi phải ở lại làm việc muộn, T. đề nghị đưa H. về do nhà xa. Sau này H. kể với tôi, T. chở thẳng H. ra khách sạn, rủ rê, hứa hẹn sẽ cất nhắc H. lên làm trưởng nhóm. Nhưng H. kiên quyết: “Anh mở cửa cho em xuống xe hoặc đưa em về nhà”. Thấy “mồi không thơm”, T. đã cho H. xuống xe để cô tự đi về.

Cũng như tôi và nhiều nạn nhân khác, H. cũng im lặng và sau này, chị em trong phòng tâm sự với nhau mới thòi ra hầu như ai cũng là nạn nhân của T. Chúng tôi đều im lặng, chỉ biết tự vệ bằng cách “né”. Bởi ai cũng sợ ảnh hưởng đến “chén cơm” của mình.

Hơn nữa, là nhân viên thấp cổ bé họng, nếu tố cáo lên lãnh đạo công ty, liệu có ai tin chúng tôi không? Những hành động quấy rối thường xảy ra bất ngờ, làm sao mà lưu được chứng cứ? Sau này T. được cất nhắc vị trí cao hơn và một quản lý nam khác về thay. Tuy không “ăn tạp” như T,. nhưng quản lý mới "me" em nào xinh xinh, đẹp đẹp mới vào thì đều dùng chiêu: “giúp đỡ và thả dê”. Các em cũng tiếp tục im lặng, chỉ biết rỉ tai nhau để né.

Giờ tôi đã là gấu mẹ và không để yên nếu bị ai đó cư xử thiếu tôn trọng. Nhưng nếu thời gian quay lại, thật tình tôi cũng phải chọn cách im lặng như xưa, vì phải lo miếng cơm manh áo chứ.

Trần Hồng Anh – nhân viên tổng đài viễn thông: CÔNG VIỆC SAO ĐỔI ĐƯỢC NHÂN PHẨM!

Trong công ty tôi, chuyện quấy rối tình dục đầy rẫy. Người quản lý của tôi cũng rất “hảo ngọt”, các em gái chưa chồng là anh sáp vào, nói chuyện còn dùng tay khều, quẹt vào eo, vai và cũng hay xoa đầu, vuốt má.

Một lần ngồi họp nhóm, tôi ngồi kế anh ta và bất ngờ tôi có tay ai đặt lên đùi tôi. Lúc đầu, tôi tưởng cô đồng nghiệp ngồi cạnh, nhưng thấy bàn tay ấy mân mê trên đùi tôi và tiến dần về vùng kín, tôi nhìn xuống và phát hiện bàn tay của gã quản lý. Ngay lập tức, tôi nắm chặt cổ tay dơ bẩn đó và la lớn: “Anh làm gì vậy?”.

Hơn 50 ánh mắt đổ dồn về tôi. Anh ta bất ngờ và đỏ mặt xấu hổ. Sau đó, tôi nhắn tin cho anh ta: “Lần này tôi cho qua. Nhưng anh đừng bao giờ lặp lại hành vi đó với tôi hay bất kì ai, tôi sẽ không để yên”.

Chừng 3 tháng sau, tôi lại nghe rằng anh ta sờ mó một nhân viên mới. Tôi rủ bạn đó cùng tôi tố cáo lên lãnh đạo phòng. Trưởng phòng mời người quản lý và chúng tôi lên đối chất. Dĩ nhiên là anh ta chối phăng, và chúng tôi cũng chỉ có lời tố cáo suông. Nhưng điều tiếng về anh thì trưởng phòng từng nghe, nên sau khi chúng tôi tố cáo, công ty đã kỷ luật người quản lý.

Sau việc này, các chị em trong công ty cảm ơn và khen chúng tôi “sao gan vậy, hay vậy!”. Thật sự, tôi không gan và tôi cũng sợ bị mất việc đấy chứ. Nhưng có một nỗi sợ còn lớn hơn: bị quấy rối, bị xâm hại. Vì vậy, tôi đã hành động. Thà mất việc còn hơn nhân phẩm bị chà đạp, còn hơn sau này hối hận tại sao mình lại cam chịu.

Nhiều chị em từng đau đầu với câu hỏi, chịu đựng hay chấp nhận mất việc. Ảnh minh họa
Nhiều chị em đau đầu với câu hỏi: chịu đựng sếp quấy rối, hay chấp nhận mất việc? Ảnh minh họa

Phạm Trường Sơn - Phó Giám Đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN: QUÁ NGƯỠNG CHỊU ĐỰNG, NẠN NHÂN SẼ VÙNG DẬY

Thông thường thì “quấy rối tình dục công sở” diễn ra giữa một người có chức với nhân viên. Cái bóng quyền lực bao trùm làm cho người nhân viên phải “phục tùng” mà không dám nói ra. Người quấy rối cũng nắm được điểm yếu của nạn nhân nên càng dễ “bóp chết” con mồi. 

Về xã hội học, còn khía cạnh khác như: nạn nhân lớn lên trong gia đình, xã hội như thế nào thì quyết định việc cam chịu đó. Văn hóa xã hội Á đông vẫn trọng nam nên thường người nữ sẽ sợ những đàm tiếu khi lên tiếng tố cáo. Nếu một nạn nhân lên tiếng, tức là họ đã bị chạm đến “đáy” của sự chịu đựng. Cần những quy định luật pháp bảo vệ thông tin cá nhân, cần các tổ chức đoàn thể - xã hội được đào tạo bài bản để "bảo vệ nhân chứng" mới mong thúc đẩy việc chị em nói lên sự thật.

Quan điểm của tôi là nam giới cần phải thay đổi từ bây giờ, mới mong sẽ cải thiện thế hệ sau. Ở Việt Nam, đôi khi người nam giới không hiểu chỉ huýt sáo, nhìn chằm chằm hay nói bóng gió... thậm chí nói sỗ sàng với phụ nữ là sai. Vì vậy, cần có chương trình dạy trẻ trai trong gia đình, nhà trường và tuyên truyền sâu rộng, giúp phái nam và cả phái nữ nhận biết về quấy rối tình dục.

Nhiều dự án đang thực hiện các biện pháp “dạy phụ nữ phòng vệ chính đáng”, "nhà an toàn"... có phần tư vấn cả tâm lí và pháp luật. Đây là những cách thiết thực giúp đỡ phụ nữ.

Trong nội bộ công sở, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... nên có một bộ phận hay quy trình “tố cáo” quấy rối tình dục với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao nhất, bao gồm cả hai phái nam và nữ. Cơ quan tôi có một quy định về quấy rối tình dục và lạm dụng trẻ em, để mọi người tuân thủ một cách nghiêm túc.

Thùy Dương - Diệu Hiền

(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI