Muốn hủy hôn khi ngày cưới đã cận kề

22/02/2025 - 18:00

PNO - Em cần có những cuộc trò chuyện thẳng thắn với chồng sắp cưới, nói ra những băn khoăn, lo lắng, sợ hãi của mình...

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em và anh ấy quen nhau được 3 năm. Thế nhưng, khoảng hơn 1 năm gần đây, tình cảm trong em cứ nhạt dần, chẳng vì lý do gì. Em không muốn gặp anh, gặp cũng không biết nói chuyện gì và xa bao lâu cũng không thấy nhớ.

Thậm chí nếu anh không gọi điện, không nhắn tin, không đón đưa vì bận bịu, em còn cảm thấy... khỏe. Em còn thấy ở một mình thật thoải mái, giá không có bồ thì thích hơn... Trong khi thực ra anh vẫn thế - vẫn kiên nhẫn, vẫn chu đáo, vẫn nói yêu thương em.

Nhiều lúc, em thấy rõ tụi em đều sống theo thói quen. Quen có nhau, quen là bồ của nhau nên cứ để thế mà thôi. Công việc và nhiều thứ khác khiến tụi em không có thời gian để nghĩ tới mối quan hệ này.

Gia đình hai bên đều giục làm đám cưới. Anh cũng bảo cưới đi cho xong còn lo chuyện khác... Thế là em gật đầu, ừ thì cưới. Nói cưới mà em không buồn cũng không vui. Anh và mọi người bảo em là tại yêu lâu quá rồi nên thành nhàm. Giờ phải chuyển sang một tầm cao khác thì mới thấy mới mẻ và vui lại.

Thật ra càng lúc em càng thấy sợ hãi khi nghĩ tới chuyện cưới, nghĩ tới chuyện về sống chung với anh và gia đình anh. Thậm chí có lúc em còn thấy mình gần như là căm ghét anh, ghét cách anh cười nói, cách anh trả tiền uống cà phê, cách anh gọi ba má em bằng ba má...

Em cảm thấy mình đang làm gì đó sai. Giờ em muốn dừng đám cưới lại vì biết rõ rằng mình chưa muốn cưới nhưng không biết phải làm thế nào. Nên nói điều này với ai trước, nói như thế nào? Liệu mọi người có chấp nhận?

Em nghĩ tới phương án giả đau, bệnh nhưng không biết làm thế có được không. Giờ trong đầu em chỉ quanh quẩn chuyện cưới hay không cưới. Xin chị cho em lời khuyên.

Mỹ Hạnh

Minh họa: Internet
Minh họa: Internet

Em Mỹ Hạnh thân mến,

Trước tiên, em hãy bình tĩnh với những điều đang diễn ra trong tâm lý. Đứng trước bất kỳ sự kiện lớn nào, nhất là khi sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt vô cùng to lớn trong đời người, hầu như ai cũng sẽ có lúc rơi vào một trạng thái tâm lý khá kỳ lạ.

Có người vui mừng quá, có người lo lắng quá, có người hoang mang sợ hãi, cảm giác muốn trốn chạy khỏi điều đó... Những kiểu tâm lý này cũng có thể gặp ở đàn ông hay phụ nữ trước hôn nhân.

Khi đã bình tĩnh coi đó là chuyện bình thường, em có thể phân tích được nguyên nhân dẫn đến tâm trạng hoảng sợ, muốn né tránh, chạy trốn đám cưới của mình. Nó có thể xuất phát từ một nguyên nhân hết sức đơn giản: việc lo lắng thu xếp cho đám cưới với mong muốn hoàn hảo nhất.

Nó có thể sâu xa hơn: là áp lực về việc thay đổi mối quan hệ, từ yêu nhưng vẫn được tự do sang vợ chồng với những ràng buộc; là điều em đề cập cụ thể nhất trong thư: sống chung với cha mẹ chồng. Áp lực đó có thể là rất lớn vì chẳng mấy cô gái muốn sống cảnh làm dâu, nhất là trong thời đại ngày nay.

Nhưng nó cũng có thể đến từ một lý do nghiêm trọng hơn: em chưa chuẩn bị tâm lý cho việc kết hôn. Em đang bị "đẩy" tới hôn nhân bởi những người thân, bởi người yêu và bởi chính bản thân.

Nếu tình yêu của các em đang ở đỉnh điểm của yêu thương, quấn quýt thì mọi việc có thể nhẹ nhàng nhưng rõ ràng, em đang thấy tình cảm nhạt dần, sự gắn bó đang lỏng lẻo... Như vậy, cái lý do cưới "cho xong" quả là một áp lực lớn.

Để cảm nhận mọi việc một cách rõ ràng hơn, trước hết, em hãy tìm mọi cách thư giãn tinh thần và cả thể xác. Làm đẹp, đi spa... là một trong những điều rất tốt cho em bây giờ, vừa là để chuẩn bị cho ngày trọng đại nếu nó vẫn tiếp tục được tiến hành, vừa để em có thể tĩnh lặng, suy xét mọi việc.

Sau đó, em cần trò chuyện thẳng thắn với chồng sắp cưới, nói ra những băn khoăn, lo lắng, sợ hãi... Nếu hiểu và yêu thương em, anh ấy có thể đưa ra những giải pháp, sự trấn an, lời hứa sẽ ở bên em, sẽ giảm áp lực cho em... Anh ấy phải hiểu được tâm lý của em để có sự đồng hành thực sự với em từ bây giờ, trên con đường xây dựng một gia đình.

Em cũng có thể chia sẻ tâm trạng của mình với người thân hay bạn bè thân - những người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý và hiểu em. Họ có thể giúp em có cái nhìn sáng suốt hơn về những vấn đề của bản thân.

Không loại trừ khả năng em hoàn toàn chưa sẵn sàng cho cuộc hôn nhân. Nếu vậy, quyết định hủy hôn cũng phải được bàn bạc và thống nhất bởi cả hai. Dù là chỉ bắt đầu từ em, em cũng cần có những lý lẽ, giải pháp... để người thân không bị sốc.

Khó, nhưng phải cố gắng làm được. Quan trọng là thái độ của em khi thể hiện những quyết định. Sự bình tĩnh, thấu đáo và tinh thần sẵn sàng chịu trách nhiệm sẽ giúp em thuyết phục được mọi người hiểu và thông cảm cho em.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI