|
Một buổi ghi hình của Bạn muốn hẹn hò - một chương trình truyền hình uy tín hàng chục năm qua - Ảnh: Nhã Chân |
Tiền đi mà duyên không thấy đến
Thui thủi một mình gần 3 năm nay, chị Trần Xuân - 32 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM - quyết định tham gia một hội nhóm mai mối qua mạng để cầu may. Ngờ đâu duyên không tới mà cái chị nhận được là một cú lừa.
Chị Xuân kể, trong một lần lướt Facebook, chị thấy fanpage mai mối cho người trên 30 tuổi. Tò mò nhấn vào xem, chị thấy vô số bài đăng về những đôi kết duyên thành công kèm những con số ấn tượng. Vì đang có dự định tìm người thương, chị nhắn tin vào fanpage dò hỏi cách thức tham gia.
Chưa đầy 1 phút, người mai mối của fanpage đã hồi đáp và yêu cầu chị Xuân cung cấp ảnh cùng những thông tin cơ bản như: tên, năm sinh, nơi ở, nghề nghiệp, hình mẫu đàn ông lý tưởng... Thấy yêu cầu cũng đơn giản, chị Xuân đã gửi ngay mà không mảy may suy nghĩ. Ngay sau đó, chị nhận được thông báo là đã tìm được người phù hợp và đối tượng lừa đảo mời chị tham gia vào một nhóm trò chuyện trên Telegram. Nhóm này bao gồm chị, người đàn ông được ghép đôi và người mai mối của fanpage.
Tại đây, ông mai ảo đưa ra giao kèo rằng 2 người được ghép đôi có quyền nói chuyện riêng; nhưng khi muốn hẹn hò, phải thông báo vào nhóm trò chuyện. Nếu tự ý gặp mặt, lỡ có vấn đề gì xảy ra thì hội nhóm mai mối không chịu trách nhiệm.
Trò chuyện được 1 tuần, người đàn ông kia muốn gặp mặt chị Xuân nên nhắn tin vào nhóm. Người mai mối liền mời 2 người tham gia một trò chơi qua mạng - được gọi là món quà hội nhóm dành tặng cho cặp đôi trước khi gặp mặt. Để tham gia, 2 người truy cập vào đường link và nạp 100.000 đồng/người, tương ứng với 100 điểm ở lượt chơi đầu. Số điểm đạt được sau mỗi vòng sẽ được quy ra tiền và chuyển về số tài khoản người chơi. Dù hơi nghi ngờ nhưng được “người tình” thúc giục, chị Xuân quyết định tham gia. Ở lượt chơi đầu, chị kiếm được 150 điểm và ngay lập tức được chuyển 150.000 đồng vào tài khoản.
Người đàn ông kia lại muốn chơi tiếp và rủ chị Xuân nâng mức nạp lên 500.000 đồng. Tưởng “tiền tươi thóc thật”, chị Xuân đồng ý. Ở lượt thứ hai, chị Xuân thua và mất trắng số tiền vừa nạp. Thế là chị “rén” và khuyên người đàn ông kia nên dừng chơi. Trái lại, anh ta muốn tiếp tục và dùng nhiều lời lẽ cố thuyết phục chị phục thù.
“Anh ta trách móc, hờn dỗi rằng bạn anh tham gia nhóm mai mối này nhiều lắm, giờ kết hôn hết rồi, ai cũng chơi trò này. Em không chơi là không muốn gặp anh, không muốn hẹn hò với anh. Lần đó may mà tôi tỉnh ngộ sớm, chứ không là bị lột sạch rồi” - chị Xuân bàng hoàng nhớ lại.
Gõ cụm từ “mai mối” trên Facebook, chúng tôi nhận được hàng loạt kết quả trả về. Các hội nhóm, fanpage hiện ra với hàng ngàn, hàng chục ngàn thành viên. Tại đây, các thành viên bát nháo đăng bài, đăng ảnh khoe da thịt rồi mời gọi các thành viên khác kết bạn, làm quen.
Thấy một câu lạc bộ (CLB) hẹn hò dành cho người trên 30 tuổi với dòng mô tả: không gian kết nối độc quyền, kiểm duyệt thành viên kỹ lưỡng, đảm bảo tính phù hợp và đẳng cấp… chúng tôi lân la nhắn tin tìm hiểu.
Sau khi chúng tôi cung cấp thông tin, quản trị viên liền gửi ngay ảnh và thông tin của một người đàn ông, ngỏ ý kết nối trò chuyện qua Telegram. Khi chúng tôi nhiều lần đặt câu hỏi về nhân thân và tình trạng hôn nhân của ứng viên, bên tư vấn vẫn lờ đi, chỉ nằng nặc đòi chúng tôi gửi hình chân dung.
Thấy khách hàng cương quyết không gửi hình nếu chưa biết thông tin chi tiết, phía tư vấn mới thông báo mức phí là 2 triệu đồng, cam kết giới thiệu “đúng người, đúng việc”. Khi chúng tôi tiếp tục hỏi sâu hơn về cách thức kết nối, quản trị viên có vẻ cảm thấy “khó ăn” nên chỉ xem tin nhắn mà không trả lời nữa.
Tại một trang mai mối online khác, ông mai, bà mối ảo cũng yêu cầu chúng tôi gửi thông tin và cho biết mức phí phải trả là 500.000 đồng. Thấy chúng tôi băn khoăn: “Nếu không cung cấp giấy xác nhận độc thân thì làm sao biết được tình trạng hôn nhân của người kết đôi?”, ông mai ảo đưa ra những lời cam kết sáo rỗng: “Đấy là trách nhiệm của CLB. Nếu không hợp, không chính xác, CLB hỗ trợ tìm người khác. Có pháp luật đứng ra bảo vệ, chị yên tâm. CLB mai mối hơn 3.000 đôi rồi”... Chúng tôi tiếp tục gặng hỏi: “Cụ thể sẽ được pháp luật bảo vệ thế nào?”, người mai mối trả lời: “Dạ, được đổi người cho chị” (?!).
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TPHCM - chia sẻ: ông biết không ít trường hợp trẻ em 13, 14 tuổi sử dụng tài khoản mạng xã hội của người lớn để tham gia các nhóm hẹn hò, mai mối trực tuyến, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như mang thai ngoài ý muốn, bị lừa gạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe. Thậm chí, nhiều người trưởng thành cũng là nạn nhân của các vụ mai mối, lừa đảo qua mạng với số tiền thiệt hại lên tới hàng tỉ đồng.
“Với những trường hợp này, tôi đều khuyên nạn nhân sớm trình báo với cơ quan chức năng và cung cấp bằng chứng giao dịch để điều tra” - ông Huỳnh Tấn Đạt nói. Tuy nhiên, cũng theo ông, để chứng minh tội phạm lừa đảo qua mạng là rất khó, vì bị hại tự nguyện tham gia, chuyển tiền.
Trong quá trình đấu tranh, cơ quan tố tụng phải thành lập các chuyên án điều tra, xử lý nên mất rất nhiều thời gian. Điều đau lòng nhất là một số người không vượt qua được cú sốc tinh thần khi bị sa bẫy tình, tiền qua mạng nên đã chọn cách phản ứng tiêu cực, thậm chí tự kết liễu cuộc đời.
|
Một trang mạng tự nhận được công ty truyền thông lớn bảo vệ bản quyền - Ảnh chụp màn hình |
Mạo danh các chương trình mai mối uy tín để trục lợi
Bên cạnh các hội nhóm, trang mạng mai mối, gần đây mạng xã hội còn rộ lên hành vi giả mạo thông tin, hình ảnh, thương hiệu của các tập đoàn truyền thông, đơn vị sản xuất các chương trình truyền hình mai mối uy tín để trục lợi. Đa phần, các đối tượng này tự nhận mình là nhân viên hoặc đơn vị trực thuộc tập đoàn truyền thông lớn để chiêu dụ người dân tham gia quay clip với nội dung tìm bạn đời, khai thác các chi tiết gây sốc, rồi đăng lên YouTube, Facebook nhằm câu view.
Nhóm nạn nhân của chiêu trò này thường thuộc độ tuổi trung niên hoặc người già không rành về công nghệ, mạng xã hội. Đáng chú ý, các clip kiểu này lại rất hot trên mạng, có video cán mốc hàng trăm ngàn lượt xem chỉ sau thời gian ngắn đăng tải.
Thường xuyên “cày view” cho những clip kết nối yêu thương đăng trên Facebook của một chủ tài khoản tự xưng “được MCV Group bảo vệ bản quyền”, chị Mộng Xuyên - 36 tuổi, ngụ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - có ý định nhờ trang này mai mối cho mẹ mình.
Quản trị trang yêu cầu chị phải chụp hình giấy tờ cá nhân của mẹ chị gửi qua Zalo rồi dẫn mẹ đến một địa điểm ở TP Cần Thơ quay hình. Sau khi quay xong, anh ta sẽ tìm xem người nào phù hợp rồi mai mối cho mẹ chị. Khi clip về mẹ chị được đăng tải, gia đình chị không được quyền đòi gỡ xuống với bất kỳ lý do nào. Chị Xuyên hỏi có thể tự quay clip rồi gửi được không vì nhà xa, đi lại bất tiện thì người này từ chối và yêu cầu mẹ chị phải lên quay hình trực tiếp. Thấy phiền phức và nhiều rủi ro, chị Xuyên không cho mẹ tham gia.
Đại diện Tập đoàn Truyền thông và Công nghệ MCV (MCV Group) - đơn vị sản xuất các chương trình truyền hình lớn như: Bạn muốn hẹn hò, Vợ chồng son, Mẹ chồng nàng dâu… - từng nhiều lần lên tiếng về việc bị các đối tượng giả mạo để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khán giả/người dùng.
Theo đó, có đối tượng còn sử dụng trái phép tên thương hiệu của MCV Group, làm giả con dấu, chữ ký của người đại diện, mạo danh giám đốc, trưởng phòng nhân sự, nhân viên công ty để dụ dỗ người dùng tham gia các nền tảng mạng xã hội, website, ứng dụng hẹn hò không chính thống; yêu cầu người dùng đăng ký qua trang web giả và đóng phí để hoàn tất thủ tục tham gia chương trình hoặc kêu gọi góp vốn vào công ty với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.
MCV Group khẳng định: các thông tin trên và cả việc thu phí khi tham gia chương trình đều là giả mạo, đồng thời khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, tránh trở thành con mồi của những chiêu trò lừa đảo hoặc bị các đối tượng xấu dùng hình ảnh để câu view, câu tương tác trên mạng xã hội.
|
Ảnh minh họa |
Các tổ chức xã hội cần chung tay trong việc kết nối các cặp đôi Tham gia giảng dạy và tư vấn tiền hôn nhân gia đình gần 25 năm nay, rất nhiều bạn trẻ tâm sự với tôi rằng, họ quá bận bịu với công việc, đến nỗi không có thời gian kết bạn, giao tiếp, tìm người yêu. Đến một độ tuổi nào đó, con người có xu hướng thu hẹp các mối quan hệ và hình thành một rào cản tâm lý nhất định trong việc tìm kiếm bạn đời. Hiện nay, người dân làm việc rất nhiều trên nền tảng online nên việc sử dụng các hình thức mai mối, hẹn hò qua mạng để tìm nửa kia là xu hướng tất yếu, phù hợp với nhu cầu đời sống. Tôi biết hiện có khá nhiều tổ chức đang làm công việc môi giới hôn nhân một cách lành mạnh, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu xã hội. Những dịch vụ này sẽ phát triển mạnh trong tương lai và mong rằng Nhà nước sẽ tạo điều kiện để họ phát triển hơn nữa, phát huy tốt chức năng kết nối. Nhà nước nên có những chính sách quản lý, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia kết bạn, hẹn hò qua mạng, tránh trở thành con mồi của các chiêu trò lừa đảo hoặc trở thành nạn nhân của những hành động xấu mà đôi khi chúng ta không thể lường trước hậu quả. Những tổ chức xã hội như đoàn thanh niên, hội phụ nữ… nên thực hiện trách nhiệm kết nối, tổ chức, thực hiện các chương trình, hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các đôi gặp gỡ, kết bạn với nhau. Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy Quy định chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc để có chương trình mai mối uy tín Để trở thành một chương trình mai mối uy tín, được lòng người dân cả nước, ê kíp sản xuất chương trình Bạn muốn hẹn hò đã xây dựng một quy trình tuyển chọn và ghép đôi nghiêm ngặt, áp dụng suốt 10 năm nay. Người tham gia có thể đăng ký trực tuyến hoặc trực tiếp, tuy nhiên đều phải cung cấp đầy đủ giấy tờ xác minh như giấy xác nhận độc thân (trong trường hợp đã ly hôn, phải cung cấp giấy xác nhận ly hôn và giấy xác nhận độc thân sau đó), giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận nơi công tác và ký vào đơn xác nhận đồng ý tham gia chương trình. Ngoài ra, chúng tôi còn xác minh thông tin với người thân, bạn bè và đồng nghiệp của người đăng ký. Chương trình sẽ ưu tiên cho những nhân vật đầy đủ giấy tờ trước. Có những đôi rất phù hợp với nhau nhưng 1 trong 2 chưa chuẩn bị xong giấy tờ yêu cầu. Khi đó, chương trình vẫn đợi khi nào cả 2 nhân vật hoàn tất thủ tục mới ghi hình và kết nối. Dựa trên những thông tin cá nhân, sở thích và mong muốn của mỗi người, chương trình sẽ lựa chọn, ghép đôi. Có những cặp được ghép đôi rất nhanh, chỉ sau vài ngày đăng ký, nhưng cũng có những trường hợp chúng tôi phải mất thời gian từ vài tháng đến cả năm để tìm kiếm, cân nhắc người phù hợp. Bởi lẽ chúng tôi quan niệm, việc ghép đôi không phải mang tính giải trí mà mục đích là muốn các đôi tiến tới hôn nhân, có sự gắn bó bền chặt. Đó cũng là lý do chúng tôi luôn khuyến khích những người tham gia chương trình dẫn theo người thân. Các đối tượng tham gia chương trình thuộc nhiều ngành nghề, lứa tuổi khác nhau, nhưng nhiều nhất là U30, U40. Có những nhân vật U60, U70 vẫn đăng ký tham gia. Chương trình Bạn muốn hẹn hò không thu phí đăng ký tham gia. Nhân vật chỉ tự túc chi phí đi lại, ăn ở trong quá trình di chuyển đến nơi ghi hình. Đặc biệt, đối với những nhân vật lớn tuổi, quê ở xa TPHCM, hoàn cảnh quá khó khăn, chương trình còn tạo điều kiện bằng cách bố trí phòng nghỉ ngay tại phim trường để tạo thuận lợi trong việc gặp gỡ người được ghép đôi. Sau khi ghép đôi thành công, ban tổ chức còn thường xuyên liên lạc, hỏi thăm để cập nhật tình hình phát triển mối quan hệ. Không ít đôi còn gửi thiệp cưới, mời ban sản xuất chương trình đến chung vui. Bà Đào Thị Tuyết Nhung - Phụ trách sản xuất chương trình Bạn muốn hẹn hò Hội nhóm mai mối trực tuyến phát triển tràn lan là điều đáng lo ngại Tôi nghĩ, việc các hội nhóm mai mối trực tuyến ở Việt Nam đang phát triển tràn lan, thiếu sự quản lý chặt chẽ là điều đáng lo ngại. Mọi người dễ dàng tham gia, đăng clip tìm người yêu mà không có sự kiểm duyệt, dẫn đến việc khó phân biệt được đâu là nghiêm túc, đâu là ảo. Nhiều trang không có quy định rõ ràng, bất kỳ ai ở độ tuổi nào cũng có thể tiếp cận, tham gia. Điều này có thể gây mất thời gian cho những ai thực sự muốn tìm kiếm một mối quan hệ chân thành. Cá nhân tôi đã từng xem các buổi live stream ghép đôi 4.0 trên TikTok và thấy rất ngạc nhiên. Các bạn trẻ trang điểm rất đẹp, giới thiệu mình làm ở nhiều ngành nghề khác nhau, đến từ nhiều nơi, xinh như người mẫu, mỗi ngày online để nói chuyện tìm bạn trai. Trong khi đó, nhiều bạn nam lại thiếu lịch sự, sử dụng ngôn từ thô tục, thậm chí có người còn không mặc áo trong lúc lên hình. Tôi cảm thấy tiếc cho thời gian mà các bạn bỏ ra trong những buổi hẹn hò ảo như thế. Phần lớn đây là những mối quan hệ không nghiêm túc, không chất lượng và không có giá trị cho một tương lai bền vững. Thay vào đó, các bạn hãy trau dồi kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao giá trị bản thân và tham gia vào những chương trình mai mối uy tín hoặc tăng cường giao tiếp ngoài xã hội... để tăng cơ hội tìm được nửa kia như ý. Chị Khả Tú Lệ - cựu du học sinh, thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Ba Lan Cần đặt ra những tiêu chuẩn an toàn khi tìm người yêu qua mạng Muốn tìm người yêu qua mạng, bạn cần đặt ra những tiêu chuẩn an toàn cho bản thân. Hãy chọn những nền tảng hẹn hò có độ tin cậy cao, yêu cầu xác minh danh tính và có các tính năng bảo vệ người dùng. Đồng thời, khi tiếp xúc với một ai đó qua mạng, các bạn cần dành thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi tiến những bước xa hơn. Tại Ý - nơi vợ chồng tôi đang sinh sống và làm việc - có các sự kiện hẹn hò trực tiếp rất thú vị, do các tổ chức, CLB đứng ra thực hiện. Ví dụ như sự kiện “speed dating” - người tham gia sẽ có một khoảng thời gian ngắn để trò chuyện với nhiều đối tượng khác nhau, giúp họ tìm được người có khả năng phù hợp với mình để tiến tới các bước xa hơn. Ngoài ra, việc tham gia các buổi gặp gỡ tại các lớp học, sự kiện xã hội như hội thảo, khóa học ngắn hoặc dài hạn cũng là cách hiệu quả để kết nối và tìm kiếm nửa kia. Tôi nghĩ việc mở rộng mô hình mai mối có tính tương tác trực tiếp có thể giúp nhiều người không chỉ tìm kiếm được người yêu mà còn có thêm những trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Chị Tuyết Trần - Miss Global Asia 2018, Người mẫu Duyên dáng truyền hình 2017 Chung tay tạo “phễu lọc” thông tin trên mạng So với nhiều nước ở khu vực và thế giới, Việt Nam đã rất cố gắng và đang làm tốt việc quản lý, kiểm soát thông tin trên không gian mạng. Minh chứng là những hình phạt công khai, các chế tài rõ ràng về những hành vi lừa đảo, đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng. Tuy vậy, để có thể tạo ra một “phễu lọc” các thông tin trên mạng thực sự là một hành trình dài và cần có sự góp sức, chung tay của toàn cộng đồng, xã hội: từ cơ chế quản lý, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước cho đến việc giáo dục lâu dài về nhận thức, kỹ năng chọn lọc, tiếp cận thông tin của người dân. Thạc sĩ, nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Vui - giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM |
Nhã Chân