Một trong nhiều vấn đề nhức nhối của TP.HCM là tình trạng kẹt xe, đến mức nhiều người dân thành phố “nói vui” rằng, TP.HCM chỉ có một điểm kẹt xe là kẹt… toàn thành phố. Với lượng xe cộ cực lớn, lên đến 8,94 triệu chiếc xe cá nhân, gồm 825.343 ô tô và 8,12 triệu xe máy - cao nhất cả nước (số liệu từ Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đến ngày 15/6/2019), tình hình giao thông tại TP.HCM được xem là bài toán nan giải.
|
Tại TP.HCM, mỗi lúc kẹt xe là đường sá trở nên hỗn loạn, không còn quy tắc, luật lệ gì - Ảnh: Tuyết Kiều |
Lượng xe cộ lớn, cộng ý thức chấp hành luật giao thông thấp, chất lượng đường sá chưa cao khiến tình trạng kẹt xe xảy ra khắp nơi, tai nạn giao thông gây thiệt hại không sao kể xiết, chưa kể còn một lượng khí thải cực lớn từng ngày xả ra môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe người dân.
Để giải bài toán kẹt xe, tai nạn, ô nhiễm, TP.HCM đã triển khai rất nhiều giải pháp như đổi giờ học, phân luồng giao thông, xây dựng cầu vượt, mở rộng đường… thậm chí đã có nghiên cứu, đề xuất về việc cấm xe máy vào trung tâm, kiểm tra tiêu chuẩn khí thải xe máy… và ý nhiều đều gặp phải những ý kiến trái chiều.
Giải pháp được nêu ở đây thuộc nhóm giải pháp thực tiễn, có thể áp dụng ngay mà không cần thay đổi chính sách, vừa mang tính cấp thiết vừa xử lý được vấn đề giao thông căn cơ cho tương lai: rút xe khỏi lưu thông.
Không phải cấm xe, cũng không phải cấm đường, giải pháp rút xe khỏi lưu thông sẽ khóa những chiếc xe không đủ điều kiện tham gia giao thông ở nhà, ngăn những người không đủ điều kiện lái xe cầm lái.
|
Khí thải từ động cơ xe góp một phần lớn trong việc gây ô nhiễm không khí |
Hiện nay, chỉ cần bước ra phố, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những “hung thần ninja lead” chạy xe bất chấp luật lệ, bất chấp tính mạng bản thân và người khác. Họ chỉ là một hình ảnh tượng trưng, đại diện cho một bộ phận những người tham gia giao thông không hề biết luật (không có bằng lái, bằng giả, học giả) hoặc coi thường pháp luật giao thông. Kết quả: trên phố, kể cả trong giờ thấp điểm, chúng ta vẫn có thể thấy những chiếc xe máy chạy vào làn ô tô (và ngược lại), xe vượt nhau trên cầu, quay đầu ở nơi không được phép…
Vào giờ cao điểm hoặc mỗi khi đèn đỏ, cái hiển hiện trước mắt ta là cảnh xe máy tràn lên lề đường, mọi người chen chúc tranh nhau từng khoảnh đường. Bất chấp con lươn (dải phân cách) ở giao lộ, nhiều xe máy tràn sang phần đường ngược chiều để lấn lên phía trước, chờ… đèn xanh. Không chỉ buổi tối, kể cả buổi chiều, trưa, cũng có những người miệng đầy mùi bia rượu lái xe trên phố.
Những đợt ra quân kiểm tra của lực lượng Cảnh sát Giao thông TP.HCM vẫn được thực hiện thường xuyên, xử lý rất nhiều vụ vi phạm, nhưng dường như vẫn chưa hiệu quả.
Bệnh nặng cần thuốc mạnh. Rút xe khỏi lưu thông sẽ giúp tái lập trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, tai nạn.
|
"Biệt đội ninja" với kiểu chạy xe bất chấp là nỗi khiếp hãi cho nhiều người tham gia giao thông (ảnh minh họa) |
Cách thực hiện:
1. Chuẩn bị
- Lập một hoặc nhiều tổ công tác của lực lượng Cảnh sát Giao thông, tùy theo quy mô và thời gian triển khai. Trong phạm vi bài viết này, xin tạm đưa ra con số là 3 tổ công tác, mỗi tổ gồm 30 chiến sĩ và 20 nhân viên hậu cần (lực lượng bảo vệ dân phố hoặc thanh niên xung phong)
- Chọn một số khu vực đảm bảo các yếu tố: có sân bãi rộng, lưu lượng giao thông không quá lớn. Ví dụ khu vực đường Huyền Trân Công Chúa và sân bóng đá Tao Đàn.
- Chọn một thời điểm trong ngày hoặc trong tuần. Có thể luân phiên sáng/tối, thứ Hai ở điểm A, thứ Năm ở điểm B. Mỗi buổi khoảng 2 - 3 giờ.
2. Thực hiện
(Ví dụ buổi ra quân thực hiện tại khu vực sân bóng đá Tao Đàn, trong thời gian từ 20g - 22g)
Tổ chức phân luồng giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt. Tiến hành dừng và kiểm tra tất cả mọi phương tiện lưu thông trên đường Huyền Trân Công Chúa, bao gồm kiểm tra giấy phép lái xe, đăng ký xe, đăng kiểm, bảo hiểm, nồng độ cồn, đèn pha, đèn led…
Nếu không phát hiện vi phạm, tổ công tác sẽ cảm ơn người tham gia giao thông đã hợp tác với cơ quan chức năng, xin lỗi vì đã làm gián đoạn công việc, mất thời gian của người dân. Ở đây, có thể mở rộng, tặng người dân một chai nước (vận động tài trợ) thay lời cảm ơn và xin lỗi.
Nếu phát hiện vi phạm, xử lý ngay các lỗi nhỏ, lập biên bản giữ giấy phép lái xe hoặc tạm giữ phương tiện (giữ chờ trong khuôn viên sân bóng đá Tao Đàn) đối với các hành vi bị giữ giấy phép lái xe/tạm giữ phương tiện theo pháp luật.
Giả định trong một buổi kiếm tra, một tổ công tác lập biên bản tạm giữ 20 phương tiện, mỗi phương tiện giữ 30 ngày thì trong một tháng chúng ta sẽ rút khỏi lưu thông 1.800 phương tiện và chặn được 1.800 người không đủ điều kiện lái xe cầm lái ra đường, giảm thiểu lượng khí thải của 1.800 phương tiện, giảm nguy cơ gây tai nạn của 1.800 phương tiện giao thông. Tiền phạt đưa vào ngân sách hoặc tái bố trí cho lực lượng chấp pháp.
Nếu tăng quy mô lên 10 tổ công tác và tăng số ca kiểm tra lên 3 ca/ngày, vẫn tạm giữ 20 phương tiện/tổ công tác, trong một tháng, chúng ta sẽ rút được 18.000 phương tiện khỏi lưu thông.
Bên cạnh việc tổ chức điểm chốt kiểm tra, có thể lập thêm 2 - 3 tổ công tác chuyên tuần tra, xử lý những lỗi vi phạm như lấn làn, không tuân thủ vạch kẻ đường và nếu phát hiện người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe thì cũng lập biên bản tạm giữ xe.
3. Thuận lợi
Bằng việc kiểm tra và thực hiện nghiêm pháp luật về giao thông, chúng ta sẽ vừa có thể tuyên truyền pháp luật cho người dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật vừa ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật giao thông, giúp bớt kẹt xe, bớt khí thải, bớt tiếng ồn (do xe không còn chạy trên đường nữa). Những người chưa có giấy phép lái xe sẽ tự giác đi học lái xe, bởi sẽ không ai muốn xe bị giam trong bối cảnh lực lượng cảnh sát làm việc nghiêm và thường xuyên kiểm tra, xử phạt cả. Nếu chưa học lái xe, người dân sẽ phải chuyển sang phương tiện công cộng cho nhu cầu đi lại.
Đối với những chiếc xe mà người vi phạm có khuynh hướng bỏ luôn xe vì đã quá cũ, đây cũng là cơ hội để ta tiêu hủy những nguy cơ có thật về tai nạn giao thông này.
4. Khó khăn
Phương án rút xe vi phạm khỏi lưu thông nêu trên gần như không gặp khó khăn gì, bởi chúng ta không phải cấm đường, không thu phí, không phải chi ra quá nhiều tiền. Nếu có phản ứng, chúng ta sẽ gặp phản ứng từ những người chỉ có một phương tiện đi lại. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề, bởi dù có một hay nhiều phương tiện đi lại thì điều tiên quyết vẫn là tuân thủ pháp luật. Không thể lấy lý do nhà chỉ có một chiếc xe để bao biện cho việc không chấp hành pháp luật về giao thông. Không thể lấy lý do “cuộc sống mà” để vượt ẩu, chạy quá tốc độ…
Sau 3 - 6 tháng, tùy theo kết quả thực tế cùng những chuyển biến trên đường phố, ta có thể tăng hoặc giảm số tổ công tác. Về lâu dài, chúng ta sẽ có một lớp công dân thành phố nghiêm túc hơn trong việc chấp hành luật giao thông (nguyên nhân của mọi nguyên nhân tai nạn, hỗn loạn giao thông), có những chiếc xe an toàn hơn trên đường phố.
Đương nhiên, bên cạnh giải pháp khẩn cấp nêu trên, việc gia tăng dân số do tốc độ đô thị hóa, tăng lượng xe hàng năm… vẫn cần thêm những giải pháp khác về mở rộng đường sá, quy hoạch giao thông, những giải pháp bảo vệ môi trường đồng bộ.
Phạm Thành Nhân