Muốn giữ hạnh phúc phải chịu đựng?

30/12/2019 - 05:46

PNO - Chồng trăng hoa, gia trưởng và lạnh nhạt, thế nhưng ai cũng khuyên chị nên chịu đựng để giữ gia đình. Nhiều lần bạn muốn ly hôn nhưng mẹ bạn đòi chết để phản đối, thế là bạn chịu đựng...

Tôi nhận được cuộc điện thoại của chị, một người phụ nữ 40 tuổi. Chị khóc ròng vì những bế tắc trong hôn nhân. Kết hôn hơn chục năm là bấy nhiêu ngày chị phải chịu đựng thói trăng hoa, thái độ gia trưởng và lạnh nhạt của chồng. Mỗi khi chị muốn thoát ra thì chính mẹ chị lại nhắc nhở “là phụ nữ phải biết chịu đựng thì mới giữ gìn hạnh phúc gia đinh được”.

Không quá cá biệt, tôi từng nghe tâm sự của một người phụ nữ 60 tuổi sau khi cô khóc vì chồng rồi lại tự an ủi bản thân và dạy tôi bí quyết giữ gìn gia đình: “Phải chịu đựng con à!”.

Muon giu hanh phuc phai chiu dung?
Ảnh minh họa

Bạn tôi, nhiều lần muốn ly hôn vì cuộc sống hôn nhân quá nhọc nhằn, nhưng chỉ vì mẹ cô ấy đòi… chết nếu việc ấy xảy ra, thế là cô tiếp tục chịu đựng.

Tôi nghe nhiều, thậm chí rất nhiều những lời khuyên đại loại như thế, nhưng đến giờ tôi vẫn không thể nào “tiêu hóa” được. Tôi không thích từ “chịu đựng” vì trong “chịu đựng” dường như có sự uất ức, bất lực, thụ động vì nghịch cảnh. Mà hôn nhân có phải là tạo ra nghịch cảnh cho nhau không? Không lẽ hai người cưới nhau về, chung sống với nhau chỉ để tạo ra những nghịch cảnh nhằm thử thách sức chịu đựng của đối phương? Đời sống hôn nhân lại vô lý vậy sao?

Đành rằng, chúng ta không thể nào tìm được một cuộc hôn nhân hoàn hảo vì chẳng có ai là người hoàn hảo. Bạn không hoàn hảo, đối phương cũng vậy. Nhưng hai người ở bên nhau thì phải học cách hòa hợp với nhau. Chẳng ai có quyền bắt ai phải chịu đựng cả.

Mà ta phải xem liệu mình có thể nhường nhịn và chấp nhận những khiếm khuyết của nhau hay không. Đâu là giới hạn của việc chấp nhận? Hành vi nào có thể xuê xoa, hành vi nào tuyệt đối không được lặp lại? Đó mới là tâm thế của người chủ động chọn lựa hạnh phúc cho đời mình.

Muon giu hanh phuc phai chiu dung?
Ảnh minh họa

Còn nếu bạn tự rơi vào sự bị động của việc “chịu đựng” thì đó là lỗi của bạn. Tự mình làm khổ mình, chẳng thể nào trách người kia vì chính bạn đã cho họ cái quyền được làm bạn khổ.

Nói lý thuyết bao giờ cũng dễ, bởi nhiều khi người ta sống quen với… cái khổ, họ không chịu đựng nổi sự cô đơn khi thiếu vắng nó.

Nhưng ai thích chịu đựng thì cứ chịu đựng, đừng áp đặt và gây áp lực cho con cháu cũng phải “chịu đựng” như mình.

Đời sống ngoài kia đã vất vả lắm rồi. Đã không yêu thương, nâng đỡ, san sẻ được cho nhau thì hà cớ gì phải làm tình làm tội nhau thêm?

Nguyễn Vân Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI