Muốn đốn hạ cây xanh, cần có phương án trồng bù

09/05/2024 - 06:12

PNO - Sắp tới, nhiều cây xanh ở TPHCM sẽ bị chặt hạ để làm tuyến đường sắt đô thị (metro) số 2 (Bến Thành - Tham Lương). 6 năm trước, nhiều cổ thụ cả trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng đã bị đốn hạ để thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và cầu Ba Son, khiến đường phố trở nên trơ trọi, khô khốc.

Sẽ chặt hạ hàng trăm cây xanh

Từ cầu Tham Lương (quận Tân Bình) chạy theo hướng vào trung tâm thành phố, có nhiều loài cây xanh được trồng 2 bên vỉa hè đường Trường Chinh như sao đen, sọ khỉ, me chua. Những cây này đều đang xanh tốt, đa số có chiều cao khoảng 8 - 10m, đường kính tiết diện ở gốc khoảng 30 - 40cm.

Ngoài ra, có một số cây sọ khỉ cao khoảng 15 - 20m, đường kính tiết diện gốc khoảng 50 - 60cm. Gần ngã ba đường Trường Chinh - Tây Thạnh, còn có hàng chục cây lim sét (lim xẹt, phượng vàng) tươi tốt, được trồng giữa dải phân cách. Những hàng cây xanh lớn, nhỏ trên đường Trường Chinh và Cách Mạng Tháng Tám kéo dài từ quận Tân Bình về quận 1 mang lại cảm giác mát mẻ cho người đi đường và các hộ dân sống dọc 2 bên đường.

Hàng cây lim sét trên dải phân cách dọc tim đường Trường Chinh (quận Tân Bình) nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án metro số 2
Hàng cây lim sét trên dải phân cách dọc tim đường Trường Chinh (quận Tân Bình) nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án metro số 2

Nghe tin cây xanh trên đường Trường Chinh sẽ bị chặt để thi công tuyến metro số 2, anh Nguyễn Tấn Thanh - ở quận Tân Bình, chạy xe ôm công nghệ - tỏ ra tiếc nuối. Anh cho biết, vào những ngày trời nắng nóng, oi bức, anh thường đậu xe dưới những gốc cây để tránh nắng: “Có cây xanh bên đường là quý lắm. Nhiều đường ở TPHCM bây giờ không có cây cao, to như thế nên giữa trưa nắng, tôi phải chạy lòng vòng mãi, mới kiếm được một gốc cây để đậu xe. Nghĩ đến cảnh cây bị chặt, tôi cảm thấy xót xa”.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), hệ thống cây xanh trong phạm vi dự án tuyến metro số 2 có tổng cộng 453 cây, nằm trên các tuyến đường Lê Lai, Trương Định, Phạm Hồng Thái, Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh... thuộc các quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú. Trong đó, có 449 cây xanh do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM quản lý, 4 cây do UBND quận 10 quản lý.

Theo bản vẽ thi công và dự toán đã được phê duyệt, có 404 cây sẽ bị chặt hạ, 49 cây được di dời. Số cây cần chặt hoặc di dời nhiều nhất lần lượt ở quận Tân Bình (244 cây), quận 1 (92 cây), quận Tân Phú (72 cây) với nhiều loài như bằng lăng, sọ khỉ, lim sét, me tây, dầu, viết, kèn hồng, sao đen... Chia theo loại, số bị chặt hạ gồm 81 cây loại 1 (thấp hơn 6m, đường kính thân nhỏ hơn 20cm), 255 cây loại 2 (thấp hơn 12m, đường kính thân nhỏ hơn 50cm), 68 cây loại 3 (cao hơn 12m, đường kính thân lớn hơn 50cm). Chỉ có 49 cây được di dời và đều là cây loại 1. Theo MAUR, đó là do tỉ lệ cây sống sau khi bứng, dưỡng, trồng lại rất thấp, chi phí bảo dưỡng lại cao.

Ngoài tuyến metro số 2, còn có 185 cây xanh dọc đường Võ Nguyên Giáp (TP Thủ Đức) sẽ bị di dời và chặt hạ (di dời 148 cây, chặt hạ 37 cây) để lấy mặt bằng làm công trình hạ tầng kỹ thuật, trạm xe buýt, giúp hành khách dễ tiếp cận ga metro số 1. Đa số cây xanh nằm dọc đường này có đường kính 30 - 40cm.

“Muốn chặt 1 cây, phải bù lại 2 cây”

Phó giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyên Hạnh Nguyên - Phó viện trưởng Viện Thiết kế và Kinh doanh sáng tạo, Trường đại học Nguyễn Tất Thành - đánh giá, TPHCM bị bê tông hóa quá nhiều và rất thiếu cây cho bóng mát, đặc biệt là những cây lâu năm.

Bà cho hay, theo tiêu chuẩn Việt Nam, quy hoạch cây xanh công cộng trong các đô thị loại đặc biệt như TP Hà Nội, TPHCM là 15 m2/người, nhưng mật độ cây của TPHCM hiện nay chỉ đạt 0,55 m2/người, thấp nhất trong các đô thị của cả nước. Chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hiệp quốc là 10 m2/người và của các thành phố hiện đại trên thế giới là 20-25 m2/người. Ở một số thành phố, tỉ lệ diện tích cây xanh rất cao, như Berlin (Đức) là 55 m2/người, Singapore là 40 m2/người, gấp cả trăm lần so với TPHCM.

Theo bà Nguyên Hạnh Nguyên, UBND TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65 m2/người, năm 2030 đạt không dưới 1 m2/người. Nhưng nhiều năm qua, cây xanh công cộng liên tục bị đốn hạ để làm công trình, dự án. Như vậy, ngay cả việc giữ cho số cây xanh công cộng không bị sụt giảm cũng đã rất khó khăn. Nhiều tuyến đường không có cây xanh, trong khi thời tiết ngày càng cực đoan. Để có những hàng cổ thụ như trên đường Nguyễn Trãi (TP Hà Nội), đường Tôn Đức Thắng (TPHCM), phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Bây giờ, những tuyến đường này không còn cây che bóng mát, nhiệt độ lên rất cao.

“Người ta thường nói chặt cây xanh để mở rộng đường, làm dự án, phát triển kinh tế. Nhưng xét ở góc độ vĩ mô, nếu kinh tế phát triển mà chất lượng sống của người dân đi xuống thì đó là một sự thụt lùi. Do vậy, cần phải xem xét thật kỹ việc chặt cây xanh làm dự án”.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyên Hạnh Nguyên

Theo bà, muốn đạt được mục tiêu tăng diện tích cây xanh đô thị đã đặt ra, chính quyền TPHCM cần xem cây xanh như di sản để bảo tồn. Phải nghiêm cấm việc chặt bỏ cây xanh, đặc biệt là những cây cho bóng mát, có chu vi gốc lớn và thân cao. Các dự án, công trình khiến cây xanh lâu năm bị chặt hạ phải được xem xét, điều chỉnh thiết kế cho phù hợp. Trong trường hợp bắt buộc chặt cây để làm dự án, UBND thành phố chỉ phê duyệt khi hồ sơ thiết kế dự án thể hiện rõ vị trí, diện tích bù đắp lại cây xanh và số lượng bù đắp phải gấp ít nhất 2 lần số cây dự kiến chặt bỏ.

Bà cho rằng, cần có quy định nghiêm ngặt hơn để bảo vệ cây xanh, theo hướng xem cây xanh là di sản, phá hoại di sản thì phải bị phạt tù. Có thể tham khảo việc bảo vệ cây xanh ở Đức. Để Berlin có tỉ lệ cây xanh trên đầu người cao nhất nhì thế giới, luật của Đức quy định về việc bảo vệ cây rất nghiêm ngặt. Tất cả cây cho bóng mát và cây thuộc họ tùng dù ở đường phố, công viên hay trong vườn của cá nhân, nếu có chu vi gốc trên 80cm và cao trên 10m thì không được chặt, trừ khi có giấy phép của chính quyền; nếu tự tiện chặt có thể bị phạt tù tới 3 năm. UBND TPHCM nên tổ chức hội thảo hoặc diễn đàn để các chuyên gia hiến kế giải pháp tăng diện tích cây xanh đô thị, hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với mục tiêu bảo tồn và phát triển mảng xanh.

Vũ Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI