Muôn đời nước mắt chảy xuôi?

07/05/2016 - 07:31

PNO - Hiếu thảo không phải thuộc tính bẩm sinh, mà trẻ cần được dạy dỗ, vun bồi từ nhỏ qua lối sống, cách giáo dục của gia đình.

Tôi bị sốt siêu vi kèm theo suy nhược cơ thể do lao tâm lao lực trong thời gian dài làm nghề bán bắp dạo. Chồng tôi cũng phải đi bán trái cây dạo nên không thể chăm sóc vợ. Bị cơn sốt hành, không nuốt trôi nỗi muỗng cháo, tôi nhờ đứa con gái 11 tuổi pha giúp ly nước chanh. Cháu gắt gỏng: “Mẹ tự đi mà pha, không thấy con đang phải học bài à?”.

Tôi ứa nước mắt vì buồn tủi. Gia đình tôi ở Hải Dương rất nghèo, vợ chồng đùm túm vào Nam kiếm việc làm. Cháu là gái lớn được theo vào đây, ngoài quê tôi còn hai cháu nhỏ gửi ông bà ngoại nuôi giúp. Cực khổ, thiếu thốn trăm bề, vợ chồng tôi đều chịu được, chỉ mong con cái học hành nên người. Vậy mà con không biết ơn, khi tôi bảo “mẹ cực khổ nuôi con bao năm, giờ nhờ một chút mà cũng khó khăn vậy sao?

Mai mốt mẹ già chắc con bỏ đói luôn”, cháu còn dằn hắt “mẹ cũng có nuôi ông bà ngoại đâu!”. Tôi mệt quá chứ không là cho cháu một trận rồi. Hoàn cảnh khó khăn nên tôi mới phải cậy nhờ cha mẹ già, nào sung sướng gì. Có phải trẻ con bây giờ đứa nào cũng thế, còn muôn đời nước mắt chảy xuôi?

Chị Trần Minh Chi (Q.Tân Phú, TP.HCM)

Muon doi nuoc mat chay xuoi?
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Chị Nguyễn Bình Quyên (Đường Trần Cao Vân, Q.3): Hiếu thảo là bổn phận

Chính chị còn nghĩ “nước mắt chảy xuôi”, cha mẹ có trách nhiệm lo cho con cái, rồi con cái lại phải lo cho con cái của chúng… thì hỏi làm sao cháu nhà chị học được lòng hiếu thuận? Khi trẻ thấy mình không có trách nhiệm quan tâm đến người khác, chúng chỉ việc nhận - hưởng, chứ không phải cho - chia sẻ thì dù cha mẹ có chăm lo cho con nhiều đến đâu, chúng cũng không biết ơn, vì thấy đó là điều đương nhiên.

Từ đó, trẻ cũng không biết rằng hiếu thảo là bổn phận của người làm con. Chị cần phải cho cháu biết, mọi thành viên trong gia đình cần quan tâm, chăm sóc nhau bằng những việc cụ thể, như chia sẻ công việc nhà tùy theo sức mỗi người. Dù nhà tôi có người giúp việc theo giờ, nhưng các con vẫn phải thay nhau rửa chén, đem quần áo đi phơi, tưới cây hoặc tắm cho thú cưng. Tôi nghĩ những việc như thế giúp các con hình thành thói quen biết nghĩ, quan tâm đến người khác, sau này chúng sẽ biết chu toàn bổn phận hiếu thảo với cha mẹ, ông bà.

Anh Quốc Thái (Đường Trần Đình Xu, Q.1): Nên cho trẻ biết thế nào là hiếu thảo

Vợ tôi thường kể cho các con nghe những câu chuyện cổ tích về lòng hiếu thảo, như Sự tích hoa cúc trắng, Người con út hiếu thảo, hay những câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, “Đói lòng ăn đọt chà là, để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng”.

Mỗi khi nhờ con làm việc gì, dù rất nhỏ như lấy giúp mẹ hộp kim chỉ, bưng cho ba ly nước, vợ tôi đều khen “các con ngoan quá, hiếu thảo quá. Ba mẹ thật có phước”… Tôi nghĩ những điều cụ thể ấy sẽ gieo vào suy nghĩ của trẻ khái niệm về lòng hiếu thảo, dần dà sẽ thấm vào tâm thức, biến thành tình thương yêu, biết ơn, kính trọng mẹ cha.

Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó

Hiếu thảo không phải thuộc tính bẩm sinh, mà trẻ cần được dạy dỗ, vun bồi từ nhỏ qua lối sống, cách giáo dục của gia đình.

Cha mẹ nào cũng hy sinh vì con, như chuyện đương nhiên, bình thường. Nhưng bạn cần cho trẻ biết cha mẹ đang làm việc vất vả để lo cho gia đình, đó cũng là tình thương và trách nhiệm. Từ đó, trẻ sẽ hiểu rằng, mọi người đều phải quan tâm đến nhau. Bạn cũng không nên “nhịn miệng” nhường hết những gì ngon, đẹp, tốt cho con cái. Khi có một món đặc biệt, nên chia đều cho mọi người trong gia đình, như thế là bạn dạy trẻ việc biết chia sẻ, tôn trọng người khác.

Khuyến khích con sống có trách nhiệm khi chung tay gánh vác những việc của gia đình, nhắc con hoàn thành việc được giao, khen ngợi khi trẻ thành công và phê bình khi chúng bỏ dở. Không chỉ học được kỹ năng làm việc nhà, mà qua đó trẻ sẽ sống có trách nhiệm, biết quan tâm đến người khác. Khi cha mẹ bệnh, trẻ sẽ biết chăm sóc từ ly nước chanh, nấu nồi cháo hoặc cáng đáng việc nhà để bạn yên tâm nghỉ ngơi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI