Muốn đổi mới cách dạy phải thay đổi cách thi lạc hậu

09/11/2020 - 12:32

PNO - Các nhà giáo dục lý giải sở dĩ cách dạy tiếng Anh hiện nay vẫn lệch và lạc hậu là do cách kiểm tra, đánh giá.

Vốn việc dạy và học ngoại ngữ theo nguyên tắc thi gì học nấy. Yêu cầu kiểm tra thế nào thì người dạy và người học sẽ dồn sức vào ôn luyện để đáp ứng. Do vậy, không ít nhà sư phạm đặt vấn đề muốn đổi mới cách dạy tiếng Anh, trước hết nên thay đổi cách đánh giá.

Thực tế không thể chối cãi là 12 năm phổ thông, kể cả học lên trung cấp, cao đẳng, đại học, người học đều học tiếng Anh với hai kỹ năng cơ bản là đọc - viết. Do đó, học sinh, sinh viên khá loay hoay với môn tiếng Anh.

Một thí sinh tranh thủ ôn bài trước khi vào phòng thi môn tiếng Anh
Một thí sinh tranh thủ ôn bài trước khi vào phòng thi

Như trường hợp sinh viên Nguyễn Ngọc Phú, Trường đại học Công nghệ TPHCM. Vì trường yêu cầu chuẩn đầu ra sinh viên bậc cao đẳng phải đạt TOEIC tối thiểu 400 điểm nên Phú phải luyện bốn tháng và thi hai lần mới đạt 425 điểm. Nguyên nhân rớt lần đầu là vì nghe không tốt.

“Hồi học phổ thông chủ yếu là đọc - viết nên khi thi, tôi không nghe được người bản xứ nói gì. Sau đó, tôi phải luyện bốn tháng với nghe - nói cực kỳ khổ sở. Vì mình nói không chuẩn nên nghe không được, chẳng khác nào học lại từ đầu”, Phú chia sẻ.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng việc dạy ngoại ngữ trong nhà trường hiện nay là kiểu dạy từ chương sách vở, thiếu thực hành các kỹ năng nên học bao nhiêu năm người học vẫn không thể giao tiếp thông thạo hoặc vận dụng vào công việc. 

“Thực tế, việc dạy ngoại ngữ theo cấu trúc câu, ngữ pháp sẽ dễ so với dạy kỹ năng vì chỉ cần đem textbook ra là dạy được. Đã dạy như thế thì thi kiểm tra cũng thế và cũng dễ chấm điểm. Vì thế, trẻ lớn lên… “mù kỹ năng”. Còn thầy cô dạy tiếng Anh cũng khó cải thiện kỹ năng tiếng Anh thực hành. Đó là chưa kể lớp học đông quá thì thầy cô cũng không đủ thời gian thực hành cho trò”, tiến sĩ Vinh nói. 

Tiến sĩ Vinh cho biết thêm, khi dự án dạy học ngoại ngữ khởi động, các chuyên gia làm các bài kiểm tra kiểu TOEFL nhằm đánh giá nhu cầu bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh tiểu học. Kết quả, đa số giáo viên đều không đạt yêu cầu và phải bồi dưỡng, nhưng rõ ràng nó đã chệch nhu cầu cần thiết cho một giáo viên tiểu học.

Trong khi, nhu cầu đối với giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học quan trọng nhất là kỹ năng phát âm và nghe. Phát âm chuẩn thì nghe chuẩn. Giáo viên lúc này chưa cần kỹ năng về từ vựng, ngữ pháp và đọc hiểu… Ngữ pháp chẳng qua là đúc kết các quy tắc ngôn ngữ cho dễ học. Nhưng để nhớ và dùng được thì phải luyện tập chứ không nên sa đà vào việc dạy ngữ pháp và thi ngữ pháp. 

Liên quan vấn đề này, phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết: thông thường, người ta đánh giá mức độ thuần thục ngoại ngữ theo bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Đề thi IELTS cũng được thiết kế như vậy, không có nội dung thi văn phạm và đây là cách làm của người Anh. Trong khi đề thi trung học phổ thông môn tiếng Anh của ta thiếu hẳn ba kỹ năng nghe, nói và viết, chỉ có đọc hiểu và bổ sung phần văn phạm.

Trên bình diện chung, việc kiểm tra văn phạm dễ thực hiện vì có đáp án rõ ràng (phục vụ thi trắc nghiệm) nhưng cũng có thể tác động ngược tới tiến trình học ngoại ngữ. Vì tâm lý sợ sai không dám nói, không dám viết; việc dạy và học ngoại ngữ trở nên đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Cách thi này tác động rất lớn đến phương pháp dạy và học tiếng Anh ở bậc phổ thông. 

Gia Tuệ
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI