Muốn đi mẹ bế con đi...

30/09/2016 - 14:40

PNO - Tám tuổi, nặng 11kg, chưa bao giờ biết đi - đôi chân teo tóp cuống quýt lết theo những bước chạy nhảy của trẻ con hàng xóm là hình ảnh quen thuộc của Trà.

Chiếc xe máy chở mẹ con chị Lê Thị Tuyết Sương (SN 1984) đỗ xịch ngoài ngõ. Vừa được mẹ bế xuống, Nguyễn Lê Thanh Trà ngồi phịch nơi nền đất, lết thật nhanh vào nhà gom hết mớ quần áo rơi vãi đem cất trước khi quay ra, cười ngượng nghịu với khách: “Con hư đó...”.

Bất hạnh

Đứa trẻ ngồi rúm ró dưới sàn, tựa đầu vào chiếc ghế của mẹ như vẫn chưa hết xấu hổ vì đã để khách thấy cảnh nhà bừa bãi. Tám tuổi, nặng 11kg, chưa bao giờ biết đi - đôi chân teo tóp cuống quýt lết theo những bước chạy nhảy của trẻ con hàng xóm là hình ảnh quen thuộc của Trà.

Sinh năm 2009, hai tuổi, Trà bắt đầu chập chững. Bước đi lựng chựng phải vịn vào tường, rồi yếu dần một năm sau đó. Vào trường mẫu giáo, Trà không đi được nữa. Mỗi lần cố gượng dậy, em lại ngã khuỵu, đau đớn. Vợ chồng chị Sương bắt đầu lo khi phát hiện chân con teo dần sau những cơn đau, sốt liên miên.

Muon di me be con di...

Hồi đó, không có ruộng đất, vợ chồng chị quanh năm làm thuê, nuôi hai đứa con. Quần quật 10 năm trời, gia đình bốn người phải sống cuộc đời “cơ động” từ nhà ngoại sang nhà nội chứ không gom nổi tiền cất nhà. Mỗi đêm Trà lên cơn sốt, ngồi trong căn nhà tuềnh toàng, trống hoác; bụng dạ cồn cào vì đói lại thêm nỗi bất lực, chị Sương chỉ biết khóc.

Sau mỗi cơn đau, chân Trà rút lại một chút, vợ chồng chị Sương lại quày quả vay mượn khắp nơi để đưa con xuống Bệnh viện Quy Nhơn. Nhưng, sức khỏe của Trà không hề tiến triển. Bác sĩ chẩn đoán em bị yếu cơ, cục gù trên lưng ngày một nhô ra, lưng em khòm lại.

Cắm cúi chăm con, thỉnh thoảng, giật mình thấy Trà bám vào bậu cửa nhìn lũ trẻ chạy nhảy ngoài đường, tấm thân ngày càng bé lại, chị Sương lại lén nuôi ý định mang con vào Sài Gòn chạy chữa. Nhưng, cái nghèo bủa vây. Không riêng gia đình chị, mà cả cái xóm khô cằn ở xã Vĩnh Quang, H.Vĩnh Thạnh, Bình Định này đều xơ xác vì nghèo.

Chồng chị vốn hiền lành, ít nói, chăm chỉ làm lụng. Nhưng mỗi lúc túng bấn, chỉ cần một bất đồng nhỏ, anh lại lôi chị ra đánh. Có lần, mượn được chị chồng ba triệu đồng để mang con đi Quy Nhơn, tới lúc trở về, tiền hết sạch, mà bệnh con càng nặng. Chưa biết lấy gì để trả nợ, vợ chồng chị chỉ biết cắm cúi làm thuê, mà cứ một tuần lại dăm bữa thất nghiệp.

Có hôm, anh vừa đi làm về đã ra sau nhà, cầm cái lồng gà mười mấy con, đòi đem đi bán. Biết gà chưa được giá vì mới nuôi được non một tháng, chị Sương tiếc rẻ, giằng lại. Vợ chồng giằng co, anh vứt cái lồng gà xuống nền đất, xông tới đánh chị. Bầy gà sổ lồng kêu chíu chít. Giữa tới tấp đòn chồng, chị nhìn thấy đứa con gái lớn gục xuống bàn học, khóc rấm rức; con gái nhỏ cuống quýt lết lại gần, vừa khóc vừa níu chân ba.

Sau mỗi trận đòn, chị lại muốn ly hôn. Đã có bao nhiêu lá đơn vụng về viết dở. Nhưng, mỗi lần thấy anh bạc thếch trở về sau một ngày làm việc, đứa con tật nguyền mừng rỡ lết vội ra mừng, chị lại động lòng. Lá đơn ly hôn được cất lại. Chồng chị sau mỗi cơn giận lại… quên bẵng, cứ rỗi việc lại ngồi bàn tính với vợ chuyện xoay tiền, mang con vào Nam.

“Đường nào đi được, em đi hết”

Chiều, mặt trời khuất sau ngọn tre, Trà ngồi trước cửa dòm tới dòm lui. Đường làng vắng hoe, chỉ có ở khoảnh đất nhỏ phía bên kia, bầy trẻ đang xúm xít chơi trò gì không rõ. Em lết xuống nền đất, rồi lết thật nhanh qua đường, tiến đến chỗ bạn bè.

Vài đứa trẻ “chào đón” Trà bằng tiếng chọc ghẹo. Nhận ra Trà, thằng bé nhà kế bên tiến lại, hất tóc. Đứa trẻ đang ngồi bệt dưới đất, vừa lắc đầu nguầy nguậy, vừa hét lên. Thằng nhỏ đùa dai, con bé quơ tay tứ tung, rồi òa lên, khóc thét. Được mẹ bế về nhà, Trà bỏ ăn, dằn dỗi khóc suốt bữa tối hôm đó. Mặc cho cha mẹ thi nhau dỗ dành, cô bé chỉ chịu nín khi chị Sương buột miệng hứa: “Sẽ mang con vô Sài Gòn trị bệnh”.

Đêm đó, Trà trằn trọc hoài không ngủ vì mừng. Vợ chồng chị Sương cũng trắng đêm bàn bạc. Sáng ra, anh Thương quyết định nhờ ba vợ đứng ra vay tiền theo chính sách của Hội Cựu chiến binh. Chỉ vài ngày sau, vừa thấy ông ngoại Trà xuất hiện với chiếc xe đạp trơ khung, Trà đã mừng rỡ lết đi khắp nhà, khoe: “Con khỏi bệnh về con đi với nẫu, con chạy với nẫu”. Cầm 12 triệu đồng từ người cha cũng còm cõi vì nghèo, chị Sương nuốt nước mắt, thu xếp mang con vào Sài Gòn.

Muon di me be con di...
Chị Sương là đôi chân của con

Bước chân xuống bến xe miền Đông, chị Sương đang ngỡ ngàng với cái tấp nập của Sài Gòn thì có người đàn ông chạy tới, nhiệt tình chỉ đường, rồi mời đi xe ôm lên Bệnh viện Nhi Đồng 2. Chị mừng rỡ xuôi theo.

Lên đến bệnh viện, nghe người đàn ông báo giá 800.000đ, chị mới… bật ngửa. Trả xong cuốc xe ôm giá bằng tiền ăn một tháng của cả nhà, chị một tay ôm con, một tay xách cái balô nặng trịch vào bên trong, bắt đầu một tháng ròng rã bám trụ bệnh viện, ăn cơm từ thiện, chữa bệnh cho con.

Cái ngày nhân viên y tế thông báo rằng chị cần đóng thêm sáu triệu đồng để chuyển Trà sang Bệnh viện Chợ Rẫy, gia tài của hai mẹ còn chỉ còn đúng 4,5 triệu đồng. Chị nuốt nước mắt, đi khắp phòng xin cho đủ số tiền.

Để rồi, khi qua đến Bệnh viện Chợ Rẫy, chị lại chới với khi nghe bác sĩ chỉ định bé “cần mổ gấp”. Sốt ruột khi nghe tin con “mổ càng sớm càng tốt”, nhưng khi nhân viên y tế kê số chi phí hơn 60 triệu đồng, chị bàng hoàng, không nghe được nữa.

Chị lầm lũi dắt con về trên “chuyến xe trả sau” - chỉ khi xe đỗ vào bến Bình Định, anh Thương mới mang tiền đến trả. Chiều đó, cha chị lại lật đật đạp xe qua thăm, mang theo hai lon nước ngọt đặng… dỗ cháu. Thấy nhà cửa trống huơ, tới bữa mà bếp núc lạnh tanh, ông định thắp nén nhang lên bàn thờ, lại thấy nhang đèn hết sạch. Chị Sương trần tình: “Không còn đồng nào sắm sửa hết ba ơi!”. Cha chị lẳng lặng ra tiệm, mua vào một bó nhang.

Đang lúc buồn bã, chị Sương vừa mở lời than thở với cha ruột, anh Thương đã xông tới đánh. Cái tội “kể nghèo kể khổ” đã bao lần khiến chị Sương ăn đòn, nhưng đó là lần đầu tiên cha chị chứng kiến. Biết con rể tự ái, ông chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng dắt xe về. Đường về hôm ấy, ông gặp tai nạn. Chị Sương vĩnh viễn mất đi chỗ dựa, dù cho đến ngày cuối đời, cha chị vẫn nghèo tả tơi.

Thời gian sau đó, chị ôm con đi khắp các lương y, xin đủ loại thuốc nam, thuốc bắc. “Chỗ nào đi được, em đều đi hết” - chỗ “đi được” trong lời chị, là những nơi bán thuốc rẻ, hoặc cho thuốc miễn phí. Bát thuốc nấu ra đắng ngắt, Trà vẫn kiên quyết uống. Hễ biết mẹ đang nấu thuốc, cô bé lại sốt ruột canh giờ. Nhưng, bao nhiêu thuốc thang, đôi chân của Trà vẫn yếu dần đúng như tiên liệu của bác sĩ.

Thấy con sáng dạ nhưng ngày càng teo tóp, anh Thương cũng dần lầm lũi, không nói năng. Vợ chồng cố gắng làm lụng, tích cóp, nhưng bao nhiêu tháng vẫn không dư nổi một triệu đồng. Có mớ lúa để dành không dám bán, chị Sương đem cho người bà con bên chồng mượn, đến khi nhà hết gạo, chị toan đi đòi thì lại bị chồng ngăn lại, đánh trối chết.

Sau lần ấy, chị Sương đạp xe lên huyện, kiên quyết ly hôn. Nhưng, sau một tiếng đồng hồ lòng vòng trước các cơ quan hành chính huyện vẫn “không biết vào đâu để ly hôn”, lại nghĩ đến anh trong những lúc gần gũi, ân cần với con; nghĩ đến đứa con đang cần được chung tay để “mổ càng sớm càng tốt”, chị lại quay xe về.

Dẫu mới ngoài 30 tuổi, nhưng ở mảnh đất khô cằn này, họ cần tựa vào nhau, dẫu chỉ để “còn được hy vọng”...

Thanh Tân

Bạn đọc có thể giúp đỡ bé Thanh Trà bằng cách liên lạc với chị Tuyết Sương, SĐT: 01652615394, hoặc Hội Chữ thập đỏ huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định: 0563886398.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI