Muốn dạy con lòng biết ơn, cha mẹ hãy tránh xa những hành động này

21/10/2016 - 06:30

PNO - Nếu cha mẹ, gia đình không đồng hành, trẻ sẽ không thể hình thành lòng biết ơn của chúng với bất kể đối tượng nào. Vậy hành vi nào của cha mẹ khiến cho trẻ không thể hình thành tình cảm biết ơn?

Trong các phần của giáo dục học, dạy đạo đức là vất vả, khó khăn và đòi hỏi nhiều đối tượng tham gia nhất. Bọn trẻ học ở lớp, các thầy cô đã giảng dạy rồi, nhưng khi về nhà, tấm gương quen thuộc là cha mẹ lại làm trái ngược lại hoặc không đồng hành dạy con thì hiệu quả sẽ vô cùng thấp, thậm chí là bằng 0.

Dạy về lòng biết ơn cũng vậy, nếu cha mẹ, gia đình không đồng hành, trẻ sẽ không thể hình thành lòng biết ơn của chúng với bất kể đối tượng nào. Vậy hành vi nào của cha mẹ khiến cho trẻ không thể hình thành tình cảm biết ơn với những người đã giúp đỡ trẻ?

Tớ sẽ liệt kê dưới đây nhé, cha mẹ thử kiểm chứng lại xem mình mắc tội trạng gì nhé:

1. Không dạy trẻ cảm ơn hoặc dạy một cách vô cùng giáo điều

Tại sao tớ lại nói là giáo điều? Khi cha mẹ cứ đưa cái gì cũng bắt con cảm ơn rồi chính cha mẹ chẳng bao giờ nói câu đó thì đó chính là cách dạy dỗ giáo điều. Tớ rất khác cả nhà, con tớ bị điểm kém, tớ bình chân như vại, nhưng nếu nó có một điểm gì đó không ổn về tình cách, tớ không sao ăn ngon ngủ ngon được. Vì thế, ngay từ khi con còn nhỏ xíu, tớ đã phải chăm chỉ dạy con, đặc biệt là dạy cảm ơn xin lỗi.

Phản xạ cảm ơn của con sẽ được hình thành khi cha mẹ liên tục nói câu đó với bất kể ai có chút xíu gì giúp đỡ mình. Cảm ơn phải được hình thành như phản xạ có điều kiện. Cứ hễ nhận sự giúp đỡ gì đó dù nhỏ xíu cũng phải cảm ơn. Giờ tớ đưa con Thư rác để nó vứt đi thì nó cũng đưa 2 tay ra nhận và nói: Con xin mẹ ạ. (Phản xạ rồi, làm tự nhiên thôi).

Muon day con long biet on, cha me hay tranh xa nhung hanh dong nay

2. Không nhắc nhở trẻ nhớ đến công lao của người đã giúp đỡ mình

Phần này, chính xác tớ muốn nói đến công lao của các giáo viên dạy dỗ trẻ. Lý do là trẻ sẽ nhận sự giúp đỡ của những “người dưng” đó là nhiều nhất. Nếu cha mẹ chỉ nghĩ đến việc quà cáp cho cô nhân dịp này nọ mà chưa bao giờ hỏi con xem con có nhận ra thầy, cô giáo đã làm gì cho con không thì chắc chắn con sẽ chẳng quan tâm để ý đến đâu.

Hơn nữa, dạy con về lòng biết ơn thầy cô, sẽ đến lúc con áp dụng bài học đó cho người sinh ra con là các cha mẹ đó. Vì thế, việc này chính xác là một bài học về lòng biết ơn, cha mẹ cần nhắc nhở con về điều đó nhé.

3. Tỏ thái độ khinh bỉ, chửi bới, nói xấu các thầy cô giáo của con

Tớ nghĩ có vô khối lý do để các cha mẹ thấy là mình có lý trong những trường hợp đó. Nhưng chúng ta cùng đọc 1 câu chuyện nhé:

Một cô gái về nhà chồng, sau đó quay lại thăm bố mẹ đẻ và kêu ca ầm ĩ về cuộc sống tại gia đình chồng. Bố cô gái bèn lấy ra 1 tờ giấy và nhỏ vào đó 1 giọt mực rồi hỏi con xem con nhìn thấy gì? Cô gái nói ngay lập tức là giọt mực.

Sau khi được hỏi lại nhiều lần, cô gái bực mình kêu lên: tờ giấy, ông bố mới ôn tồn bảo con: 1 con người giống như 1 tờ giấy. Điểm xấu của họ chính là giọt mực, chẳng qua con chỉ nhìn thấy giọt mực chứ không nhìn thấy cả tờ giấy. Đó chính là vấn đề của con hiện giờ.

Vấn đề giáo viên của con cũng vậy, các cha mẹ mới chỉ nhìn thấy có giọt mực trong cô giáo mà chưa nhìn thấy toàn bộ những gì cô làm cho con (nghĩa là tờ giấy). Với việc nhìn nhận như vậy, cha mẹ dễ dàng bộc lộ những cảm xúc tiêu cực với giáo viên. Điều này làm cho con học theo và sẽ rất khó để đứa trẻ nghe lời giáo viên và nhận ra giáo viên đang giúp con những gì.

Muon day con long biet on, cha me hay tranh xa nhung hanh dong nay

4. Cha mẹ không bày tỏ lòng biết ơn của mình với người khác

Người ta có câu: Giỏ nhà ai, quai nhà nấy. Câu nói này ko phải nói về gen di truyền toàn bộ đâu, nó còn đề cập đến những hành vi trong cuộc sống. Nếu bố mẹ luôn nhận ra và bày tỏ lòng biết ơn của mình với người đã trợ giúp mình thì con cũng sẽ học theo. Con trẻ học hỏi từ bắt chước rất nhiều mà.

5. Không gợi ý cho con cách bày tỏ lòng biết ơn

Con còn nhỏ, nhiều khi sống vô tâm cũng là bình thường. Nhưng khi nhắc nhở chút xíu, con sẽ nhớ ngay ra và sẽ rất thật lòng bày tỏ tình cảm của mình. Điều này chính là nét đẹp thơ ngây tuyệt nhất mà chắc chắn nhiều cha mẹ ko có đâu nhé. Nhưng con vô tâm lắm, thế nên bố mẹ nhắc con chút xíu cho con tập thói quen bày tỏ lòng biết ơn đến người khác nha.

6. Không dạy con cách bày tỏ lòng biết ơn bằng các hành động cụ thể

Thực ra, nếu chúng ta cứ mua quà hoặc hoa cho người ta biết ơn nhưng trong các hành động cụ thể, ta ko có thái độ hợp tác thì người được nhận quà cũng không vui vẻ gì. Tớ nhớ các cụ ta hay nói với con cháu là: Nếu biết ơn thầy cô, con hãy cố gắng học hành thật tốt. Đây chính là cách để các thầy cô vui vẻ. Tớ nghĩ đây là bài học đạo đức rất hay, các cha mẹ nên học tập các cụ ngày xưa nhé.

Nói chung, dạy lòng biết ơn cũng khó như những bài học đạo đức khác nhưng không phải là không làm được. Tớ hi vọng bọn trẻ học được bài này vì đây chính là những cảm xúc và hành động rất người, rất nhân văn. Con trẻ có những cảm xúc và hành động này sẽ khôn lớn hơn rất nhiều đấy.

Vài nét về tác giả: TS Vũ Thu Hương là một chuyên gia tâm lý giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhiều quan điểm về nuôi dạy con của chị Thu Hương nhận được rất nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội vì đó là những kinh nghiệm có được từ trải nghiệm thực tế của một bà mẹ của một cô con gái đang trong tuổi ăn, tuổi học.

Vũ Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI