|
Sau khi dự án “treo” được xóa, khu tam giác Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM) vẫn nhếch nhác do người dân vẫn bị hạn chế về xây dựng - Ảnh: Bích Trần |
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng: Không thiếu quy định, chỉ là chịu làm hay không
Các quy định đều có đầy đủ, kể cả quy định về hủy bỏ quy hoạch “treo”, nhưng còn phụ thuộc ý chí của chính quyền địa phương. Khu Bình Quới - Thanh Đa đã “treo” hơn 30 năm qua, gây tổn hại cho người dân nhưng lãnh đạo TPHCM vẫn chưa quyết định chấm dứt quy hoạch khu này. Trong khi đó, những gì được gọi là “quy hoạch” thì đến nay đã không còn phù hợp với hiện tại, còn quy hoạch mới thì chưa có.
Nhưng nếu có quy hoạch mới, lại gặp phải các chính sách mới của Nhà nước. Thời điểm quy hoạch khu Thanh Đa, dự án tự đền bù theo giá nhà nước nhưng bây giờ, tất cả những dự án thương mại đều phải thỏa thuận đền bù với người dân theo giá thị trường. Như vậy, nếu bỏ “treo” để làm quy hoạch mới, sẽ xảy ra nhiều vấn đề. Chính vì vậy, lãnh đạo các địa phương cứ để “treo” dài dài, không xóa.
Việc “treo” này gây lãng phí nguồn lực rất lớn (gồm đất đai, công ăn việc làm, thuế, đóng góp ngân sách…). Chuyện này ai cũng biết. Bỏ quy hoạch “treo” sẽ đem lại sự phát triển cho cái chung, nhưng tại sao người ta không bỏ? Liệu có liên quan đến lợi ích nhóm hay không? Người dân rất muốn nghe câu trả lời thẳng thắn cho những câu hỏi này.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM: Quy hoạch “treo” xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người dân
Quy hoạch “treo” hay dự án “treo” là những khái niệm gần với sự đình trệ bởi các tình trạng này đều dẫn đến hậu quả như nhau, đó là gây tổn hại cho người có tài sản, đặc biệt là nhà và đất trên diện tích bị “treo” đó. Theo quan điểm của tôi, quy hoạch hay dự án mà quá 3 năm không thực hiện là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được quy định trong Hiến pháp bởi nó gây tổn hại đến 2 trong 3 đặc tính của quyền sở hữu tài sản của công dân.
Quyền sở hữu tài sản bao gồm quyền chiếm giữ, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Các quyền này cho phép người ta có thể xây cất, cải tạo nhằm phục vụ nhu cầu, mục đích sử dụng, quản lý toàn bộ tài sản và sang nhượng cho người khác. Như vậy, người có tài sản trên các khu quy hoạch “treo”, dự án “treo” chỉ được bảo đảm 1 quyền duy nhất, đó là được chiếm giữ, nhưng không sử dụng nếu nó hư hỏng, xuống cấp và không định đoạt được nếu có nhu cầu bán tài sản.
Đó chính là xâm phạm vào quyền sở hữu tài sản của người khác. Trách nhiệm giải trình việc này là thuộc về người đứng đầu cơ quan nào đã cấp giấy phép làm dự án, cơ quan nào phê duyệt quy hoạch.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Quá hạn mà không triển khai thì dứt khoát thu hồi
Với loại quy hoạch mang tính chiến lược, cần thiết cho sự phát triển của thành phố - chẳng hạn quy hoạch một tuyến đường xuyên thành phố - thì dù “treo” cũng phải làm bởi ngân sách không thể đủ để làm 1 lần các quy hoạch chiến lược này. Nhưng phải có định hướng. Với quy hoạch mở đường, những nhà nào nằm trong lộ giới thì không cấp giấy phép, nằm ngoài thì cứ cấp phép.
Còn với những dự án “treo” do nhà đầu tư thiếu tiềm lực, thiếu cam kết, chính quyền thành phố nên rút kinh nghiệm. Đối với những dự án kiểu này, phải có thời hạn, tiến độ cụ thể. Nếu sau 3-5 năm mà không thực hiện thì phải dứt khoát thu hồi để tìm giải pháp, hướng phát triển khác.
Ông Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM: Cần cơ chế để người bị thiệt hại khởi kiện hành chính
Theo quy trình đúng, phải có quy hoạch tổng thể rồi mới quy hoạch chi tiết. Các tỉnh, thành có bản quy hoạch tổng thể, phân chia khu chức năng và từng khu chức năng sẽ có quy hoạch chi tiết. Đồng thời, phải có quy hoạch trước, mới kêu gọi đầu tư, sau đó duyệt dự án. Nhưng hiện nay, các địa phương thường làm ngược, đợi có dự án rồi mới duyệt quy hoạch.
Việc đi ngược quy trình đã phá vỡ cấu trúc, thậm chí quy hoạch chi tiết mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể, dẫn đến các dự án “treo”. Đó là về tư duy quy hoạch. Tiếp theo là dự án. Các dự án giao cho các chủ đầu tư thì phải qua bước thẩm định, đánh giá năng lực tài chính, năng lực thi công.
Tôi cho rằng, cần làm lại quy hoạch, phân chia các khu chức năng cụ thể, quy hoạch chi tiết phù hợp, sau đó dự án nào phù hợp thì phê duyệt. Nhà nước phải phạt nặng nếu không đáp ứng thời gian thi công. Nhà đầu tư phải có phương án đặt cọc khi nhận dự án; nếu không đảm bảo tiến độ, Nhà nước sẽ thu tiền cọc. Đã qua thời dựa vào mối quan hệ để lấy dự án. Bây giờ, phải giao dự án cho những công ty thực sự có năng lực.
Để xảy ra các dự án “treo” là trách nhiệm của người duyệt dự án và cả một bộ phận chức năng xem xét, thẩm định. Do đó, bên cạnh việc Nhà nước thanh kiểm tra, cần mở cơ chế cho dân khiếu kiện hành chính. Hộ dân khu quy hoạch “treo” cần được hỗ trợ pháp lý miễn phí để kiện cơ quan nào cấp phép dự án không đúng, kiện nhà đầu tư không triển khai dự án đúng tiến độ, từ đó xử lý những người liên quan và bồi thường cho dân.
Ông Võ Công Lực - Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM: Đánh giá đúng về nguồn lực thực hiện dự án
Khi đưa vào kế hoạch sử dụng đất, các địa phương cần phân tích thật kỹ tiến độ và tính khả thi của dự án. Hiện nay, khi đưa vào kế hoạch, một số quận, huyện cũng chưa đánh giá toàn diện, như nguồn lực có đủ không. Ví dụ, nguồn lực để thực hiện dự án đối với tứ giác Nguyễn Cư Trinh (quận 1) đâu đơn giản. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là hết sức vất vả nhưng lại không được trình. Nếu thấy rằng công tác đó không thể xong trong 3 năm thì phải làm một số bước chuẩn bị trước, khi chín muồi rồi mới đưa vào kế hoạch. Với những dự án lớn, ảnh hưởng cả ngàn hộ dân, anh phải tính toán lộ trình chứ nói làm trong vòng 1-2 năm thì không làm nổi.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV: Khi lập dự án, phải xác định được tính khả thi
Để giải quyết tình trạng quy hoạch “treo”, chính quyền phải có giải pháp và phương án cho từng khu vực, dự án, bởi không có giải pháp chung cho tất cả các khu quy hoạch “treo”. Thậm chí, có những khu vực cần phải bỏ quy hoạch để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân bởi những quy hoạch đó đã “treo” 20-30 năm qua mà chưa có triển vọng gì mới. Nếu “treo” do vướng khâu đền bù, giải tỏa thì cần tập trung vào nguyên nhân chính đó để giải quyết; nếu do quy định pháp luật chưa rõ thì xin ý kiến trung ương.
Hiện nay, pháp luật đang từng bước thay đổi để giảm bớt tình trạng quy hoạch “treo”. Tuy nhiên, trong tương lai, khi Nhà nước muốn quy hoạch 1 dự án, điều quan trọng nhất cần xác định từ đầu là tính khả thi, trước hết là về khả năng tài chính. Ví dụ, khi chính quyền quy hoạch 1 dự án mà dự kiến chi phí thực hiện khoảng 30 tỉ USD nhưng chưa biết lấy đâu ra nguồn vốn thì quy hoạch đó là không hợp lý bởi không khả thi về tài chính. Bên cạnh cam kết của nhà đầu tư có năng lực tài chính, Nhà nước cũng phải có một phần tài chính để đóng góp theo quy định của pháp luật.
Khi làm dự án, chính quyền phải xem biến động, tác động đến cư dân như thế nào, có thực hiện được việc tái định cư, đền bù, giải tỏa hay không. Nếu thấy khó, chưa có khả năng giải quyết trong tương lai gần thì chưa nên đưa vào quy hoạch. Quy hoạch là thẩm quyền của Nhà nước nhưng phải phục vụ lợi ích của nhân dân, trước hết là phải bảo đảm quyền được ổn định cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch. Làm quy hoạch thì phải đặt ra thời hạn; nếu quá thời hạn mà dự án không thực hiện được thì phải bỏ quy hoạch để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Bích Trần - Quốc Ngọc