PNO - Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với các trường đại học và sẽ tạo cơ hội tuyển bổ sung những thí sinh có điểm từ 27 trở lên bị trượt đại học đã khiến nhiều chuyên gia giáo dục lẫn dư luận nghi ngại rằng sẽ tạo ra tiền lệ xấu và gây thiếu công bằng cho những thí sinh khác.
Không nên có ngoại lệ
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trong kỳ xét tuyển vừa qua, số thí sinh đạt 27 điểm (tổng ba môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào là 165 thí sinh, có ba thí sinh trong số này có tổng điểm trên 28 điểm. Trong đó, 51 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, 114 thí sinh xét tuyển vào các trường công an, quân đội. Trong số 114 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội, có 97 em chỉ đăng ký nguyện vọng duy nhất. Trong số 51 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự thì có mười em chỉ đăng ký nguyện vọng
duy nhất.
Để xem xét quyền lợi cho những thí sinh này, Bộ GD-ĐT đã trao đổi với một số trường đại học (ĐH) lớn, các trường cho biết sẽ sẵn sàng xét tuyển bổ sung những thí sinh có kết quả thi THPT cao và thuộc đối tượng như trên, căn cứ vào nguyện vọng và điểm đạt được theo điểm chuẩn của từng ngành học cụ thể.
Thí sinh ở TP.HCM đăng ký xét tuyển vào đại học (ảnh chụp vào tháng 4/2021)
Cán bộ phụ trách tuyển sinh một trường ĐH tại TP.HCM nói: “Hay tin, tôi mừng cho những thí sinh này nhưng buồn cho những em còn lại. Cơ hội cho tất cả thí sinh lẽ ra là như nhau, vì thế không có lý do gì để tìm cách “giải cứu” cho riêng những thí sinh này. Các em đã nắm rõ quy chế, quyết định chỉ chọn một nguyện vọng duy nhất, không thay đổi nguyện vọng trong suốt thời gian được điều chỉnh nguyện vọng nghĩa là các em đã xác định hoặc trúng tuyển đúng trường hoặc trượt. Với kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, có rất nhiều thí sinh từ 24 - 27 điểm cũng không thể trúng tuyển vào trường, ngành yêu thích và chắc chắn điểm số này cũng không thấp, vậy vì sao các em lại không được cứu?”.
Vị này cho rằng, cần phải tôn trọng quy chế tuyển sinh. Có như vậy mới duy trì sự công bằng, khách quan và trách nhiệm của từng đối tượng tham gia xét tuyển. Quy chế cho phép các em được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng cũng được, không hạn chế; sau khi biết kết quả thi thí sinh còn được điều chỉnh nguyện vọng ba lần trong thời gian quy định. Vậy thì việc các em chỉ bảo lưu duy nhất 1 - 2 nguyện vọng là có lý do và chúng ta không thể vì lý do riêng mà “phá” luật.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng bày tỏ quan điểm giải pháp này không có giá trị nhân đạo vì nó tạo ra sự thiếu công bằng với tất cả thí sinh còn lại. Điều quan trọng hơn, có vẻ như bộ đang cho phép các trường “xé rào” để giải quyết cho số ít thí sinh. Trong khi Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH phải thực hiện đúng quy chế xét tuyển ĐH, các mốc thời gian xét tuyển, gọi nhập học vượt quá chỉ tiêu quy định sẽ bị xử lý… Nay, ở thời điểm này, thời gian xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt một đã kết thúc, kết quả cũng đã công bố, nhiều trường ĐH lớn không xét tuyển nguyện vọng bổ sung, vậy thì về nguyên tắc, các trường không thể xét bổ sung những thí sinh này. Còn nếu trường đồng ý tiếp tục xét nguyện vọng bổ sung thì phải công bố và cho tất cả thí sinh có nguyện vọng được đăng ký xét tuyển theo đúng quy chế, không thể có ngoại lệ.
Cố “vớt” dễ dẫn đến sai lầm định hướng nghề nghiệp
Chiều 21/9, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thông báo xét tuyển thẳng điểm thi THPT năm 2021 vào trường. Hồ sơ nộp xét tuyển thẳng phải thỏa mãn hai điều kiện: Thí sinh 2021 chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển trong đợt một mà chưa xác nhận nhập học (chưa nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT 2021); điểm nhận hồ sơ xét tuyển thẳng không được thấp hơn 26,75 (tổ hợp không có môn tiếng Anh) hoặc 27,25 (tổ hợp có môn tiếng Anh). Thời gian nộp hồ sơ (trực tuyến) từ ngày 23 - 28/9 và trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển vào ngày 30/9. Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 20 nguyện vọng (các nguyện vọng được xét theo thứ tự ưu tiên, nguyện vọng một là ưu tiên nhất). Có lẽ đợt tuyển thẳng này của trường sẽ “giải cứu” được nhiều thí sinh ở diện trên nhưng phương thức xét tuyển thẳng bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 không có trong đề án tuyển sinh của trường được công khai theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo các nhà giáo dục, việc cố giúp để thí sinh không trượt ĐH dễ dẫn đến những sai lầm trong nguyên tắc hướng nghiệp. Đó là khi để trúng tuyển cho bằng được, thí sinh chấp nhận học những ngành nghề không yêu thích, không đúng sở trường; thậm chí là học ngành trái hẳn với nguyện vọng. Họ đã chỉ ra khuyết điểm này hiển thị rất rõ trong đợt này. Đa phần thí sinh “có điểm cao trượt ĐH” đều có nguyện vọng vào khối trường công an - quân đội. Ở nhóm ngành dân sự, các em cũng bị trượt các trường ĐH Ngoại thương, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội)… trong khi trường đầu tiên xung phong “mở cửa” với những thí sinh điểm cao có thế mạnh ở nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ hơn là kinh tế - xã hội, càng không có nhóm ngành công an - quân đội. Vậy thì sẽ dẫn đến tình huống có thể đậu ĐH nhưng không đúng nguyện vọng ngành nghề.
Học đúng ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực rất quan trọng
Ở kỳ tuyển sinh 2020 đã có cuộc “giải cứu” đối với thí sinh Đ.T.D. (Gia Lai) bị Trường ĐH Dược Hà Nội từ chối tiếp nhận hồ sơ nhập học. Thí sinh này có điểm thi khá cao 27,55 (khối A00) đủ điểm trúng tuyển ngành dược của Trường ĐH Dược Hà Nội. Nhưng sau khi hậu kiểm học bạ thì trường thông báo không đủ điều kiện nộp hồ sơ nhập học vì điểm tổng kết học tập THPT các môn toán, lý, hóa dưới 7 điểm. Theo giải thích của thí sinh, nguyên nhân dẫn đến việc trên là do không chú ý điều kiện phụ nêu trong đề án tuyển sinh của trường nên vẫn đăng ký xét tuyển. Do vậy, em làm đơn gửi Bộ GD-ĐT để xin được xét tuyển nguyện vọng hai vào ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Khi đó, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi trường về việc xem xét nguyện vọng của thí sinh. Lãnh đạo trường đã quyết định tiếp nhận ngay thí sinh này vào học ngành công nghệ thông tin.
Trong tuyển sinh, đậu - rớt là chuyện hiển nhiên. Quy chế đặt ra là văn bản quy phạm pháp luật quy định cho hàng triệu thí sinh. Hơn 100 thí sinh này, dù có điểm thi cao ngất vẫn không nằm ngoài luật định, khi lựa chọn tự phải lượng sức và phải chịu trách nhiệm với sự lựa chọn đó. Nếu chúng ta cứ mãi du di, chạy theo xử lý cho những trường hợp đơn lẻ mà bỏ qua nguyên tắc chung sẽ ảnh hưởng đến công bằng và lợi ích của số đông còn lại.
Gia Tuệ
Đối với vấn đề này, tối 21/9, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay: Trong thời gian này, các trường ĐH đang lập kế hoạch xét tuyển bổ sung. Thông thường, các trường ĐH sẽ không xét tuyển bổ sung các ngành có điểm chuẩn cao, như vậy nhiều thí sinh có điểm cao không trúng tuyển đợt một sẽ không còn cơ hội theo học các ngành này. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã trao đổi với một số trường ĐH xem xét việc điều chỉnh chỉ tiêu và xét tuyển bổ sung một số ngành có điểm chuẩn cao, tạo cơ hội cho các em đạt điểm cao không trúng tuyển đợt một (không chỉ các em đạt tổng điểm 27 trở lên). Tùy theo yêu cầu, điều kiện cụ thể, các trường sẽ công bố kế hoạch và chỉ tiêu tuyển bổ sung nhưng không vượt quá năng lực đào tạo, yêu cầu ngưỡng điểm tối thiểu đối với từng ngành và tổ chức xét tuyển theo đúng quy chế tuyển sinh, trong đó điểm xét trúng tuyển đợt bổ sung không thấp hơn đợt một.
Đại Minh
Nhiều trường đại học xét tuyển nguyện vọng bổ sung
Chiều 21/9, Trường đại học (ĐH) Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT vào sáu ngành do trường cấp bằng và 22 ngành liên kết đào tạo với ĐH nước ngoài. Trong đó, các ngành do trường cấp bằng có điểm nhận hồ sơ từ 20 - 21,5 điểm. Hầu hết các ngành liên kết đào tạo với ĐH nước ngoài có mức điểm sàn nhận hồ sơ từ 15 - 18 điểm.
Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thông báo xét tuyển bổ sung gần 1.000 chỉ tiêu vào các ngành theo cả hai phương thức thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT (535 chỉ tiêu), trường xét vào 11 ngành với điểm sàn nhận hồ sơ từ 14 điểm trở lên. Riêng hai ngành nhận hồ sơ từ 15 điểm gồm: biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, công nghệ kỹ thuật môi trường. Với phương thức học bạ, trường xét tuyển căn cứ vào kết quả học tập năm lớp 10, 11, 12 theo học bạ ở bậc học THPT. Đối tượng tuyển sinh là thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ năm 2017 đến 2021.
Trường ĐH Công nghệ và Quản lý hữu nghị cũng thông báo xét tuyển bổ sung theo cả hai phương thức. Với phương thức xét dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường xét thí sinh có điểm thi từ 15 trở lên theo tổ hợp ba môn, thời gian từ ngày 27/9. Phương thức xét kết quả học bạ THPT, trường xét thí sinh có tổng điểm trung bình chung ba môn theo tổ hợp xét tuyển dựa vào học bạ lớp 12 đạt từ 18 trở lên hoặc có điểm trung bình chung lớp 12 từ 6,0 trở lên. Thời gian xét tuyển từ ngày 17/9 trở đi.
Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM tại tỉnh Bến Tre, Phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tại tỉnh Vĩnh Long, Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tại tỉnh Ninh Thuận và Gia Lai cũng tiếp tục xét tuyển bổ sung.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.