Muốn con về thăm, má phải giả bị bệnh

19/05/2024 - 15:43

PNO - Má tỉ mỉ làm món này món kia cúng kiếng và chờ con gái con trai cùng các cháu về chơi, nhưng rồi lại thất vọng.

Càng nghĩ, Út càng tủi thân thay cho má... - Ảnh Quốc Duy- Ảnh minh hoa
Ảnh minh họa - Ảnh Quốc Duy

“Út đổ ra tô nhỏ, hâm đủ má ăn thôi, còn lại để chị mang về ăn. Tô đó chị mua 65 ngàn lận”- tiếng chị Ba rổn rảng. Đang trút bịch nước lèo để hâm tô bún mắm cho má, Út Ngọc sững người.

Đã mấy tháng rồi chị Ba mới tạt về thăm má. Sát nhà chị có hàng bún mắm ngon nổi tiếng, má rất thích ăn. Má nói má quen mùi, quen vị hàng bún ấy từ hồi qua lại phụ nuôi chị Ba sinh 2 cháu nhỏ. 5 năm trời má nuôi cháu bên ấy chứ ít gì!

Sau này, lâu lâu chị Ba về nhà Út Ngọc thăm má, má hay nhắn chị mua giúp má tô bún. Ban đầu chị hào hứng lắm, lần nào qua cũng lỉnh kỉnh, bún, chuối, thơm… mấy thứ má ưa ăn. Vậy nhưng gần đây, không phải chỉ chị Ba, mà chị Tư, chị Năm và cả anh Hai đều không thường về thăm má như trước nữa.

Cách đây hơn 2 năm Út Ngọc và má làm giỗ ông ngoại, nhắn rồi, mà chiều đó cả 4 anh chị đều không ai về. Chỉ có 1 mình Quang - con trai anh Hai đi làm gần nha ghé ăn bữa cơm chung.

Lần đó, Út Ngọc thanh minh với má và chồng rằng các anh, chị bận… mưu sinh. Nhưng rồi 4-5 lần má tỉ mỉ làm món này món kia cúng kiếng giỗ ông bà ngoại, nội… rồi chờ con gái con trai cùng các cháu về chơi trong mòn mỏi và thất vọng lặp lại.

Tháng Giêng năm nay giỗ ông nội, má nói má mệt, Út Ngọc tự lo mâm cơm cúng. Má còn dặn: “Nhà mình có 5 người thôi, nên con không cần bày vẽ”. Quả là bây giờ Út Ngọc không biết biện minh cho anh chị mình ra sao nữa.

Út Ngọc buồn lắm mà không dám nói gì. Bởi lần nào gọi điện nhắc mấy anh chị về chơi với má, ai cũng nói bận a bận b gì đó, rồi thể nào cũng có người nói gần nói xa kiểu: “Thì Út đang quản căn nhà cho thuê của má sát nhà Út mà, tự lo đi”.

Út như ngậm bồ hòn, bởi chuyện anh chị nói đó là sự thật. Nhưng căn nhà trong hẻm nhỏ, mỗi tháng cho người cháu họ xa của má thuê chỉ có 6 triệu đồng thôi. Vợ chồng Út Ngọc đều đi làm nhà nước, ngoài lo 2 đứa con ăn học, còn phụ gửi tiền phụng dưỡng cha mẹ chồng. Ông bà cũng hơn 80 tuổi ở với cô em gái ngoài quê nên vợ chồng Út Ngọc có trách nhiệm chia sẻ với cô ấy.

6 triệu đồng để trang trải nuôi má trong 1 tháng, nói ít thì không phải, nhưng cũng chẳng nhiều. Má ăn ít cơm, bù lại, Út Ngọc bồi dưỡng má bằng sữa, nhân sâm, thuốc bổ… Lâu lâu má cũng có bệnh tuổi già phải ra vô bệnh viện. Thế nhưng anh chị của Út Ngọc mặc nhiên: Út nhận căn nhà đó thì có trách nhiệm lo cho má.

Nhiều lúc Út Ngọc nhìn các anh chị đối xử với má mà sững sờ và xấu hổ với chồng. Như chị Tư vừa có biệt thự sân vườn, vừa có nhà nuôi yến, vậy mà cứ lâu lâu lại nhắc: “Út Ngọc mua cho má 2 lạng yến đi, chị để giá rẻ cho”.

Ban đầu Út Ngọc mua ủng hộ chị mình khởi nghiệp. Nhưng chuyện ủng hộ đó cứ kéo dài, còn chị Ba chưa hề mang về cho má tai yến vụn nào.

Chị Năm thì lâu lâu qua nhìn: “Nhà má dư cái nồi cơm điện hồi xưa con lãnh thưởng 2/9 mua cho má nè, giờ con mang về xài nghen”, rồi: “Má, bộ bàn con với anh Hai đi làm gom lương gửi ba đóng hồi đó gỗ cẩm lai tốt vậy mà để bên nhà cho thuê người ta xài uổng quá… Để con mang về giữ cho”… Mà hình như nhà có nhiều đồ dư để chị “nhìn ra” vậy lắm.

Út nghĩ mà tủi thân cho má. Ba mất hồi Út Ngọc lên 2 tuổi. 30 năm trời má ở vậy, buôn bán, tảo tần lo cho mấy anh chị em Út Ngọc. Má gồng gánh 1 mình mà bầy con 5 đứa, ai cũng học hết phổ thông; anh Hai, chị Năm và Út còn học xong đại học. Vậy mà bây giờ muốn có một đứa con về thăm má cũng phải viện lý do: “Bây coi ghé má, nay má không thở nổi”.

Có lần anh Hai quát: “Má giả bộ bệnh kiểu này là không được nha, con quá trời việc chạy qua ngồi chơi không hà”. Út Ngọc nghe xong giận quá chừng, nhưng má thì cười hề hề: “Tui không giả bệnh chừng nào mấy cô chú về thăm tui?”. Anh Hai hậm hực bỏ đi, chiều đó, má ăn có nửa chén cơm rồi nói: “Má no quá, nghỉ sớm nha…”.

Út Ngọc “tổng kết” có lẽ do má già, lẩm cẩm, nói hồi quên trước quên sau, toàn nhắc chuyện ngày xưa, nên con cháu ai cũng ngán ngồi gần. Chồng chị thì nói thẳng: “Do 3 năm trước, má đã bán hết đất và nhà chia cho các con. Giờ ai cũng có phần, lại ăn nên làm ra nên cũng không cần tận hiếu với má như xưa nữa!”.

Út Ngọc nghẹn lời, không biết nói tiếp câu gì. Bởi hình như anh nói đúng. Chị lụi hụi đi lấy hộp yến trong giỏ quà mà cấp dưới biếu chồng hôm tết, mang chưng táo tàu cho má. Đành nghĩ như lời chồng hay an ủi cô em gái của anh ở ngoài quê: “Em có phước mới được sống gần, phụng dưỡng mẹ cha”. Ừ, thì coi như là Út Ngọc có phước hơn các anh chị vậy. Chỉ là khi rảnh rỗi, Út Ngọc nghĩ ngợi cứ lại thương má…

Nguyễn Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI