Muốn con hạnh phúc, đừng cố gắng làm cha mẹ hoàn hảo

05/11/2018 - 14:00

PNO - Con trẻ và bố mẹ đều có thể phạm lỗi và điều này chấp nhận được. Vấn đề không phải là bạn phải làm đúng tất cả, mà là bạn học hỏi được gì sau những thất bại.

Dù các bà mẹ có nhiệt tình chỉ bảo bao nhiêu thì các ông bố bà mẹ trẻ vẫn chứng tỏ họ thuộc về một thế hệ khác: họ muốn mọi việc thật hoàn hảo do được hỗ trợ và khuyến khích bởi lời tư vấn trên mạng và có nhu cầu “thể hiện” trình độ làm bố mẹ công khai hơn bao giờ hết. 

Một bài báo xuất bản năm 2014 cho biết, có 21 ứng dụng dành cho bố mẹ giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn, là một ví dụ điển hình cho sự khát khao được chứng tỏ là bố mẹ hoàn hảo, dẫn đến việc lũng đoạn thông tin. 

Rosa Silverman, nhà báo của tờ Telegraph lý luận: “Một việc mà cần đến 21 ứng dụng để làm cho nó dễ dàng hơn thì ắt hẳn phải là một việc rất khó để bắt đầu. Và hầu hết các thông tin hay lời khuyên trên mạng đã cho thấy chúng vừa trái ngược vừa khó hiểu”.

Muon con hanh phuc, dung co gang lam cha me hoan hao
“Hai từ tôi nghe nhiều nhất từ khán giả là “quá tải” và “lo lắng”. Tôi nghĩ hai điều này có liên quan đến việc phụ huynh muốn có tất cả. Tốt là chưa đủ mà họ còn muốn hơn thế nữa.” (Ảnh minh họa)

Theo tờ Vogue, thế hệ thiên niên kỷ thông thạo công nghệ thông tin nhất nhân loại từ trước đến nay, họ cũng là thế hệ mắc chứng lo âu cao nhất. Có gì trùng hợp ở đây?

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ - ở độ tuổi từ 22 đến 37 luôn muốn thể hiện sự hoàn hảo bắt nguồn từ áp lực rất sớm trong cuộc sống của họ: những thay đổi trong hệ thống giáo dục, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, tình trạng thất nghiệp. 

Kết quả nghiên cứu của các giáo sư tâm lý Trường đại học Bath cho thấy, sự hoàn hảo đang rất phổ biến ở thế hệ trẻ này so với các thế hệ trước rất nhiều. Sự hoàn hảo này được mang theo khi họ trở thành bố mẹ. Phần đông trong số họ trở thành bố mẹ khi lớn tuổi hơn nhiều so với các thế hệ trước. 

Năm 2016, có 54% các bà mẹ ở Anh và xứ Wales có độ tuổi trung bình là 30 hoặc hơn. Có nghĩa là họ có mười năm leo lên các bậc thang sự nghiệp trước khi sinh con. Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi họ không thể mua một sản phẩm cho con, ví dụ chỉ là một chiếc xe đẩy thôi, mà không có hàng loạt các lời tư vấn. Họ sử dụng phần lớn thu nhập cho các lớp học giác quan, bơi lội, yoga cho trẻ. Họ lo lắng cho sự thành công của con họ trong tương lai nếu họ không cho chúng những sự bắt đầu tốt nhất từ rất sớm. 

Vấn đề là, theo chuyên gia Anita Cleare, khuynh hướng của các ông bố, bà mẹ ngày nay là họ xem con trẻ như sự mở rộng của chính họ và đó cũng là nhu cầu thể hiện sự hoàn hảo của bản thân họ. Cô chia sẻ: “Bố mẹ cho rằng, con trẻ là sự phản ảnh của chính mình và thể hiện “trình độ” làm bố mẹ của họ qua hành vi của chúng, thay vì chấp nhận con trẻ là những cá thể độc lập. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mỗi cá nhân luôn bị đánh giá và xếp hạng. Điều đó thật dễ dàng để các bậc phụ huynh cũng nghĩ rằng làm bố mẹ là màn biểu diễn để xếp hạng”.

Kết quả là sự bùng nổ của việc gửi con vào các trường tư và đầu tư rất nhiều tiền bạc vào con trẻ khi chúng còn rất nhỏ. 

Một khuynh hướng cũng đang thịnh hành khác là với sự lo ngại về số lượng khổng lồ bao ni-lông chúng ta đang thải ra hằng ngày, thế hệ thiên niên kỷ với ý thức môi trường sâu sắc, cũng đang lưu hành việc tái sử dụng tã đang được sản xuất với chất liệu mới.  

Tất cả những khuynh hướng trên chứng tỏ một thời đại “thực hành và biểu diễn” đang diễn ra. Áp lực phải thể hiện một gia đình hoàn hảo - hay ít ra là phải thú vị hay không hoàn hảo một cách vui nhộn đang ngày càng đè nặng lên các gia đình trẻ. 

Các áp lực và khuynh hướng trên đang ảnh hưởng lớn đến con trẻ. Việc bố mẹ sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều có liên quan đến việc gia tăng các vấn đề trong giao tiếp của trẻ - trẻ không thể nói một câu gãy gọn trước tuổi đến trường đang ngày một gia tăng. 

Lisa Williams, diễn giả các vấn đề hôn nhân nói: “Hai từ tôi nghe nhiều nhất từ khán giả là “quá tải” và “lo lắng”. Tôi nghĩ hai điều này có liên quan đến việc phụ huynh muốn có tất cả. Tốt là chưa đủ mà họ còn muốn hơn thế nữa.”

Có lẽ ông bố bà mẹ trẻ cần lưu ý đến nhận xét của Cleare: “Cố gắng trở thành bố mẹ hoàn hảo là bước đầu dẫn đến việc làm cả bố mẹ và con cái thất bại, bởi vì cuộc sống thì phức tạp và đa dạng. Con trẻ và bố mẹ đều có thể phạm lỗi và điều này chấp nhận được. Vấn đề không phải là bạn phải làm đúng tất cả, mà là bạn học hỏi được gì sau những thất bại”. 

Phan Quỳnh Dao
(Theo Teleghraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI