Muốn con cháu thương thì bớt cằn nhằn

13/11/2015 - 06:51

PNO - Cả đời vất vả nuôi con, khi con trưởng thành, ông bà xem như đã hoàn thành trách nhiệm, phần đời tư còn lại của con cái, để chúng tự quyết định.

Tôi gặp ông trong một lần liên hoan tin học cho người cao tuổi. Sắp bước vào tuổi 80 nhưng ông vẫn đi lại nhanh nhẹn, ăn nói hoạt bát. Một lần về nhà ông, chứng kiến nếp sống, sinh hoạt của ông bà, tôi không khỏi ngạc nhiên vì những chia sẻ hết sức tiến bộ của ông bà trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Vợ chồng ông là viên chức nhà nước, có hai người con trai nhưng các con đều ở riêng. Hằng ngày, bà lo việc nội trợ, ông tham gia vài hoạt động nho nhỏ cho người cao tuổi. Tôi thắc mắc: “Hai bác lớn tuổi, sao không ở chung với con cháu để họ tiện bề chăm sóc?”.

Ông cười bộc bạch: “Hồi thằng con út còn thanh niên thường bảo mai mốt con tìm người vợ hiền, dâu thảo để về đối đãi với ba mẹ thật tốt”. Nghe con nói, hai ông bà đều vui mừng nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng ông thẳng thắn góp ý với con: “Khi nào con lấy vợ, ba mẹ cho ra ở riêng hết. Con gái thời nay, chẳng đứa nào thích làm dâu đâu…”.

Muon con chau thuong thi bot can nhan
Ảnh minh họa

Với tâm lý "ở chung hay đụng" nên ông bà đề phòng ngay từ sớm. Khi ở chung, cách sinh hoạt, nuôi dạy con cái của vợ chồng các con nhất định sẽ có sự khác biệt với ông bà; nếu ông bà góp ý thì chưa chắc con trai, con dâu đã hài lòng. Họ từng chứng kiến cảnh nhiều gia đình cãi cọ, bất hòa chỉ vì mâu thuẫn trong mối quan hệ cha mẹ với con cái, nhất là mẹ chồng - nàng dâu.

Ông bảo người Việt thường thích “úm” con, khi con cái trưởng thành vẫn khư khư giữ con bên mình, vì vậy đã gây ra hàng tá phiền muộn cho chính bản thân người cha, người mẹ. Cả đời vất vả nuôi con, khi con trưởng thành, ông bà xem như mình đã hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ nên phần đời tư còn lại của con cái, ông bà để chúng tự quyết định, không xen vào làm rắc rối thêm cho gia đình của con.

Ông kể nhiều ông/bà bạn già của ông hay đến than thở chuyện con cái làm trật ý mình, lờ đi những lời khuyên răn của họ. Ông chỉ nhắc khéo họ một câu ngắn gọn: “Muốn con cháu thương thì bớt nói, bớt cằn nhằn”.

Ngẫm lại lời khuyên của ông cũng hợp tình, hợp lý. Những ngày gần đây, đọc những câu chuyện thương tâm xảy ra từ những bi kịch gia đình mới thấy nguyên nhân ít nhiều liên quan đến mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu.

Một phụ nữ không chịu nổi sự quá quắt của mẹ chồng đã dại dột đầu độc bà, phải chịu án tù, con cái thất học. Trường hợp khác do mẹ chồng quá cay nghiệt, khi ở chung không chịu nổi, cô con dâu một hai đòi ly hôn dẫn đến hậu quả sau này người chồng tự thiêu cùng ba đứa con. Dù nguyên nhân chính là từ khó khăn kinh tế nhưng “mồi lửa” của sự uất ức đều bắt nguồn từ những bà mẹ chồng khó tính.

Hiện tại, hai người con trai của ông bà đều sống gần nhà ông bà , cuối tuần, chạy lui chạy tới sang thăm cha mẹ. Những khi con cái bận bịu, lại cắp cháu sang gửi ông bà. Tuy thời gian bên con cháu ít nhưng theo ông hiệu quả tình thương lại nhiều.

Cuối tuần, dâu con tề tựu, nấu nướng ăn uống vui vẻ, căn nhà ông bà luôn tràn ngập tiếng cười. Còn ngày thường, ông bà cùng nhau thư giãn, chuyện trò, đọc báo, uống tách cà phê, cùng xem một bộ phim. Ông bảo: “Đám cháu mà ở đây, tôi sẽ mệt óc lắm. Bà ấy cũng không thích tiếng ồn, có khi lại quát nạt, càu nhàu, không khéo tụi nhỏ ghét bà ra mặt chứ dễ gì gọi bà ơi, bà hỡi như bây giờ”.

Không chỉ trẻ nhỏ không thích người lớn càu nhàu, trách móc mà trong đời sống lứa đôi hay bất cứ mối quan hệ nào, “ai lắm lời” đều nhận được những phản ứng không tốt từ người nghe.

Nhìn cuộc sống ông bà những ngày cuối đời thật nhẹ nhàng, viên mãn, xem ra phương châm “nói ít lại” của ông bà thật hữu hiệu.

Nguyễn Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI