Liệu kế hoạch chỉnh trang đô thị lần này có giải quyết một cách triệt để những vấn đề về không gian xanh, không gian hưởng thụ cho người dân, cũng như khách du lịch hay không; hay chỉ giải quyết câu chuyện tình huống theo tư duy nhiệm kỳ? Liệu những thứ đang tồn tại ở Đà Lạt bây giờ, và cả bản quy hoạch này, có mang lại lợi ích lâu dài, lũy kế về giá trị thặng dư cho người dân địa phương và khách du lịch; hay chỉ phục vụ những người có bất động sản ở đấy hoặc những người đang có quyền lợi ở đấy?
Các chuyên gia tiếp tục đặt câu hỏi liên quan đến bản quy hoạch chi tiết (QHCT) khu trung tâm Hòa Bình của TP.Đà Lạt - đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía dư luận.
“Chưa đạt các yếu tố chỉnh trang đô thị mà pháp luật quy định”
Bất chấp việc 77 kiến trúc sư cùng gửi kiến nghị đánh giá lại QHCT khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt vào tháng Tư năm ngoái, chính quyền TP. Đà Lạt vẫn bảo lưu quan điểm sẽ triển khai đồ án quy hoạch mà UBND tỉnh Lâm Đồng công bố vào giữa tháng 3/2019. Bằng chứng là, Sở Xây dựng Lâm Đồng phối hợp với UBND TP.Đà Lạt tổ chức trưng bày, lấy ý kiến về ba phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng thuộc QHCT khu trung tâm Hòa Bình từ ngày 14/8-14/9.
|
Khu đồi Dinh - vị trí đắc địa để ngắm Đà Lạt từ trên cao, cũng là mảng xanh hiếm hoi ở trung tâm Đà Lạt |
Lý do cho sự bảo lưu này, theo ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng - trao đổi tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức ngày 5/4/2019: “Tất cả những du khách đến khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt đều nhìn nhận khu Hòa Bình quá nhếch nhác, lộn xộn”. Còn ông Phùng Khắc Đồng - người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng - cho rằng, quy hoạch chỉnh trang khu trung tâm Hòa Bình là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng phải quyết tâm thực hiện.
Cần nói rõ: với tình trạng lộn xộn của Đà Lạt hiện nay, cái cớ cần phải chỉnh trang đô thị mà ông Trung và ông Đồng nêu ra năm ngoái, là hoàn toàn hợp lý. Song, ba phương án mà chính quyền Đà Lạt đưa ra mới đây để lấy ý kiến, lại vấp phải phản ứng dữ dội từ phía các chuyên gia.
Theo khoản 1 Điều 31 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định quy hoạch chỉnh trang đô thị, chỉnh trang đô thị là đánh giá lại hiện trạng quỹ đất, cây xanh cảnh quan, công trình kiến trúc và công trình di sản tồn tại trong khu vực cần cải tạo. Sắp xếp, cải tạo lại đô thị bao gồm các yếu tố thẩm mỹ kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, dựa trên các yếu tố văn hóa và bản sắc đô thị nhằm khai thác hiệu quả sử dụng đất trong đô thị đảm bảo yêu cầu của hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Phục chế di tích lịch sử, đồng thời giữ gìn và phát huy được bản sắc, không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị. Hạn chế tối đa việc xáo trộn cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp, qua ba đồ án, có thể thấy, có phương án chỉ giữ lại được 30% cây xanh; trong đó, ở khu vực xung quanh đồi, các công trình chi chít bám lấy đồi không còn một mảng xanh. Đây là mảng xanh duy nhất còn sót lại trong khu vực. Có đồ án bao vây ba mặt của Dinh tỉnh trưởng, làm bóp nghẹt công trình này, hơn nữa di tích này còn bị chuyển vị trí khác. Có phương án thì nâng cao di tích 38m so với ban đầu. Đây là phương án sai lầm nghiêm trọng; vì di tích là để cộng đồng tiếp cận một cách dễ dàng, đồng thời, phát huy giá trị di tích, chứ không phải là một viên ngọc quý mang đi cất giấu. Chưa bàn tới giải pháp đưa công trình đã cũ lên cao thì chi phí rất tốn kém và không thực tiễn.
|
Khu Hòa Bình nhìn từ trên cao |
Kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp nhận xét, các phương án đã không đánh giá kỹ địa hình khu vực, tính đặc thù vùng
“Là người sống tại Đà Lạt, tôi thấy việc chỉnh trang đô thị không đồng nghĩa phải thay thế các công trình theo lối kiến trúc cũ bằng công trình theo lối kiến trúc mới. Đặc biệt là ở khu trung tâm Hòa Bình, nơi được xem là có giá trị di sản bậc nhất Đà Lạt. Tôi thấy cả ba phương án đang cố tình nhầm lẫn giữa “chỉnh trang” và “thay thế”. Các dự án mà người ta cố tình “nhét” vào, như khách sạn Đồi Dinh chẳng hạn, sẽ chẳng có ý nghĩa gì trong việc chỉnh trang đô thị cả”.
Kiến trúc sư Phan Minh Tiến
|
miền, đánh giá tác động tới môi trường. Mới cố gắng tối đa hiệu quả sử dụng đất mà không chú ý đến yếu tố cảnh quan, thẩm mỹ và yếu tố bảo tồn kiến trúc đối với công trình di tích và các công trình xung quanh. Không ít người cho rằng, đây là quy hoạch xây dựng công trình mang yếu tố bất động sản. Bởi lẽ, đề bài cho phép mật độ xây dựng khối đế là 70%, như vậy không khác nào dự án cao ốc trong một khu dân cư bình thường không phải là khu trung tâm đô thị lịch sử.
Từ đó, ông Cao Thành Nghiệp lập luận, dự án này cũng chưa đạt các yếu tố chỉnh trang đô thị mà pháp luật quy hoạch quy định. Trong một khu vực trung tâm Đà Lạt và cả TP.Đà Lạt đã có rất nhiều công trình khách sạn, trung tâm hội nghị và trung tâm thương mại chưa phát huy được chức năng của nó. Việc cài cắm các công trình cao 10 tầng trên đỉnh đồi cao bao lấy công trình di tích lịch sử là chưa hợp lý. Chưa kể hạ tầng khu vực này luôn quá tải.
Đối với những đồi cao trên thế giới, người ta thường bố trí công trình văn hóa thấp tầng hoặc công trình tôn giáo phục vụ cộng đồng. Chúng ta làm công trình thương mại sẽ phục vụ phần nhỏ công chúng khách du lịch, nhưng nhân dân trong khu vực không được hưởng lợi.
“Chính quyền Đà Lạt tiếp thu nhưng chưa tới”
Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, muốn chỉnh trang, phải khảo sát kỹ địa điểm định cải tạo/xây mới/hay can thiệp; trong đó việc khảo sát, đánh giá giá trị của khu trung tâm Hòa Bình là rất quan trọng. Đây là khu phố mang đậm dấu ấn của người Việt, của đồng bào dân tộc ở đây; đối trọng với khu vực còn lại, gồm các khu biệt thự của người Pháp. Hai khu với hai tính chất khác nhau, nhưng đều tạo ra nhịp sống, hơi thở, bản sắc của Đà Lạt. Theo thời gian, khu phố trung tâm không còn được đẹp, cần làm cho nó đẹp hơn bằng cách chỉnh trang, thì vẫn phải bảo vệ cho bằng được những giá trị cốt lõi của nó.
Cụ thể, giá trị cốt lõi là một khu đô thị “sống”, sầm uất, luôn có cửa hàng, cửa hiệu, có kiến trúc rất dân gian; đặc biệt có chợ - không gian giao tiếp của mọi người; cũng là khía cạnh văn hóa giao tiếp của người Việt. Tuy nhiên theo ông Thông, cả ba phương án mà chính quyền Đà Lạt đưa ra đều không đáp ứng được đòi hỏi đó. Chưa nói tới việc, nhiều người và nhiều chức năng đặt lên một khu phố như thế, sẽ làm tăng áp lực về hạ tầng, tạo nên những vấn đề mới như ô nhiễm, giao thông, biến đổi khí hậu… Tóm lại, không nên can thiệp quá mức.
Là một trong 77 kiến trúc sư kiến nghị năm ngoái, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông nhận xét: so với phương án ban đầu, các phương án lần này cho thấy, chính quyền thành phố đã có lắng nghe, tiếp thu, nhưng “đó là một sự tiếp thu… chưa tới”.
“Theo tôi cần phải chỉnh sửa đề bài cho phù hợp với thực trạng khu đất, nếu không muốn mọi người hiểu lầm, đây là dự án địa ốc, trong khi chủ trương của tỉnh là chỉnh trang đô thị”.
Kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp
|
Ông ví dụ: khu đồi Dinh, giờ vẫn làm xanh nhưng bằng một cách “giả”. Hai là, thay đổi vị trí của nó. Họ quên mất, di sản tồn tại cùng với cảnh quan xung quanh nó. Hay một ví dụ khác, họ nói, Dinh tỉnh trưởng là di sản, không nên can thiệp vào. Đúng là họ giữ nguyên nhưng lại can thiệp không gian xung quanh. Điều đó chứng tỏ họ hiểu rất sai về di sản. Ngay cả việc “nhếch nhác, lộn xộn” mà TP.Đà Lạt đưa ra và vin vào đó như cái cớ chỉnh trang đô thị, theo kiến trúc sư Quốc Thông, cũng xuất phát từ việc “chính quyền quản lý không tốt”.
Sống và làm việc tại Đà Lạt, kiến trúc sư Phan Thủy Tiên cho rằng, cả ba phương án đều không mang lại giá trị bảo tồn, thậm chí là đang đi ngược với định hướng xây dựng thành phố di sản. Một sự thật rõ ràng ai cũng biết là đô thị Đà Lạt đang thiếu cây và thừa khách sạn. Đà Lạt đang mất dần mảng xanh, việc bảo tồn Đà Lạt bây giờ không phải chỉ có nhắm đến các công trình mang dấu ấn lịch sử đô thị nữa mà là cả cảnh quan. Không thể đánh đổi số phận của hàng trăm cây lâu năm để lấy quỹ đất xây dựng khách sạn được.
Những câu hỏi mà chính quyền Đà Lạt phải trả lời cho được
Kiến trúc sư Lại Thành Tín cho rằng, câu chuyện quy hoạch của Đà Lạt sẽ thất bại, xuất phát từ việc cấp phép xây dựng tràn lan trong suốt thời gian qua. “Đà Lạt là một thành phố du lịch dựa trên nền thiên nhiên và cảnh quan là chính; nhưng do tầm nhìn ngắn, không có chiến lược dài hơi 40-50 năm, mà theo tư duy nhiệm kỳ; nên những người sau có muốn làm gì, Đà Lạt cũng giống như một miếng áo rách, có vá kiểu gì, cũng có một miếng rách ở đó” - ông Tín nói thêm. Vì thế, kế hoạch chỉnh trang mà chính quyền Đà Lạt đưa ra lần này chỉ là một giải pháp mang tính tình huống, chứ không phải giải pháp mang tính triệt để.
|
Một trong ba phương án. |
Kiến trúc sư Lại Thành Tín đặt nhiều câu hỏi. Liệu QHCT đó có giải quyết triệt để những vấn đề về không gian xanh, không gian hưởng thụ cho người dân, khách du lịch hay không? Có lý thuyết về khoảng rỗng cho đô thị, liệu rằng, quy hoạch đó có đảm bảo được không; hay chỉ là một vấn đề về tình huống? Hai là, liệu những thứ đang tồn tại ở Đà Lạt bây giờ, và cả bản quy hoạch này, có phải là một thứ mang lại lợi ích lâu dài, lũy kế về giá trị thặng dư cho người dân và khách du lịch hay không; hay chỉ phục vụ cho những người có bất động sản ở đấy, hoặc những người đang có quyền lợi ở đấy?
Tất cả những kế hoạch đó phục vụ lợi ích trong bao nhiêu năm và nó có bền vững hay không? Vì kinh tế di sản và kinh tế du lịch là một thứ rất bền vững. Chúng ta lập ra một bản kế hoạch như thế, có đáng để làm không, và làm với mục tiêu như thế nào? Chính quyền TP.Đà Lạt nói riêng và chính quyền tỉnh Lâm Đồng nói chung, phải trả lời cho được những câu hỏi đó trước khi ký vào bất cứ quyết định nào liên quan tới “sinh mạng” của thành phố này.
Kiến trúc sư Phạm Kiều Anh (Công ty Cổ phần tích hợp hệ thống và hạ tầng viễn thông): “Sở Xây dựng lấy ý kiến là một hành động lạ thường”
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng tổ chức lấy ý kiến cho Phương án kiến trúc công trình khu vực Đồi Dinh tỉnh trưởng là một hành động lạ thường. Luật Kiến trúc năm 2019 quy định: chủ đầu tư công trình kiến trúc có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ thiết kế kiến trúc và thiết kế kiến trúc (Điều 12, khoản 1).
Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước không thể làm thay chủ đầu tư phần việc này. Còn nếu nói rằng đây là công việc hoàn thiện phương án quy hoạch thì càng đáng ngại hơn, vì như thế thì rõ ràng QHCT khu trung tâm Hòa Bình đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt từ ngày 12/2/2019 khi thiết kế chưa thực sự hoàn thiện?
Thực ra, kiến trúc của công trình khách sạn này không gây nhiều tranh cãi vì cả ba phương án trưng bày đều quá tệ so với phương án thứ tư: đừng xây. Đó chính là vấn đề của đồ án quy hoạch. Nhưng QHCT 1/500 không thể giải quyết được vấn đề ấy mà phải lập quy hoạch phân khu 1/2.000 cho khu vực bao quát hơn.
Quy hoạch phân khu (QHPK) sẽ xác định yêu cầu, nguyên tắc và đề xuất giải pháp tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan (đối với từng khu chức năng, từng ô phố, trục đường chính, khu vực không gian mở, khu vực điểm nhấn), hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… qua đó, xây dựng được một khu vực đô thị thống nhất về mặt cảnh quan, đồng bộ về hạ tầng và đảm bảo các tiện ích sinh hoạt của người dân.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chính quyền Lâm Đồng không xúc tiến lập QHPK phường 1 và 2 TP.Đà Lạt mặc dù Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2014, dẫn đến tình trạng kiến trúc hỗn độn, giao thông và môi trường càng lúc càng xuống cấp?
Quốc Ngọc (ghi)
|
Đậu Dung