Muốn bốc hỏa với những góp ý của mẹ chồng trong việc nuôi con

12/06/2022 - 19:00

PNO - Em hút sữa thì mẹ khuyên cho bú trực tiếp, em đắp mền cho bé thì mẹ nói sao không mở ra, em mở máy lạnh thì mẹ khuyên dùng quạt...

Chị Hạnh Dung kính mến,

Nhà em chẳng có chuyện gì lớn lao cả, nhưng em cũng phát rồ và lúc nào cũng thấy trong người bốc hỏa. Lý do duy nhất là vì mẹ chồng em suốt ngày góp ý chuyện em nuôi con.

Em biết mẹ chỉ muốn tốt cho cháu, nhưng không hiểu sao em không thể làm chủ cảm xúc. Từ lúc em sinh con đến nay là ba tháng, không ngày nào mẹ không đưa ra một ý kiến gì đó.

Em hút sữa thì mẹ nói sao không cho bú trực tiếp, rồi giảng giải những lợi ích của cho bú trực tiếp. Rồi mẹ lại khuyên nên cho con nằm gối (em không cho con nằm gối). Khi em đắp mền cho bé thì mẹ nói sao không mở ra cho thoáng. Em mở máy lạnh thì mẹ nói sao không dùng quạt để giữ sức khỏe cho bé.

Tóm lại là tất tần tật mọi thứ em làm cho con đều bị mẹ khuyên nên làm khác đi. Trong khi lần nào em cũng giải thích là em đã hỏi bác sĩ, em đã nhờ chuyên gia tư vấn. 

Đến bây giờ, em thực sự ám ảnh mỗi lần mẹ vào phòng. Em chưa cãi lại mẹ, cũng chưa cáu bao giờ. Nhưng mỗi lần mẹ khuyên là em lại thấy cơn bốc hỏa dâng lên trong mình, và tinh thần em nặng nề ngày này qua tháng nọ. 

Xin chị cho em lời khuyên để thoát khỏi tình trạng này!

Hoài Ngọc (Q.6, TPHCM)

Bị góp ý quá nhiều trong việc nuôi con cũng khiến các mẹ bỉm sữa dễ căng thẳng - Hình minh họa - XFRAME
Bị góp ý quá nhiều trong việc nuôi con cũng khiến các mẹ bỉm sữa dễ căng thẳng - Hình minh họa - XFRAME

 

Hoài Ngọc mến,

Em đang trong giai đoạn cực kỳ nhạy cảm về cảm xúc. Sức khỏe tinh thần của bà mẹ sau sinh luôn là vấn đề nhức nhối, khi những thay đổi hóc môn làm ảnh hưởng tâm trạng, cái nhìn và cách tiếp cận của họ với mọi thứ. Chính vì vậy, việc em tiếp nhận những góp ý của mẹ chồng còn chịu tác động bởi sự nhạy cảm bên trong mình.

Nhưng rất may là tình trạng này chỉ có tính giai đoạn, nếu ta biết cách làm chủ cuộc sống và giữ khoảng cách với những gì khiến mình suy nghĩ tiêu cực.

Với mẹ chồng, em cũng đã hiểu bà chỉ góp ý với ý tốt. Hiểu vậy là đã tránh được một bi kịch đến từ sự hiểu lầm, trách cứ lẫn nhau. Nhưng dù hiểu, em vẫn bốc hỏa, vậy cần có giải pháp.

Thứ nhất, chính em phải biết "giữ khoảng cách" với nguồn tác động tiêu cực này. Thay vì tiếp nhận quá sâu sắc những khuyên răn của mẹ và lại phải giải thích quá chi tiết, thì em hãy chuẩn bị sẵn một tâm thế vững vàng để đối diện với mọi ý kiến. Tâm thế chỉ có một: nghe, lịch sự và trao đổi vừa phải để dừng chủ đề ấy lại.

Và đặc biệt, em cần từ bỏ ý định phải thuyết phục mẹ phải tin theo cách của mình. Bởi khi em càng kỳ vọng mẹ tin theo, thì em sẽ càng thất vọng, bực dọc khi thấy mẹ vẫn tiếp tục nghi ngờ (và khuyên dùng cách khác). Khi không còn kỳ vọng mẹ phải tin theo mình, em sẽ nhẹ nhõm hơn, và sẽ dần thấy những góp ý của mẹ chỉ là một sự nhiệt tình "hiến kế" để cùng nhau chăm sóc một đứa trẻ mà  cả nhà đều quá trân trọng. 

Thứ hai, em có thể nhờ chồng lựa lời nói chuyện với mẹ về cách mà tụi em chọn nuôi con. Hãy để mẹ biết rằng tất cả những gì em làm đều dựa trên lời khuyên của bác sĩ, và tham khảo những nguồn uy tín. Nói vậy, mẹ sẽ yên tâm phần nào. Và chính mẹ sẽ đỡ phải động não nghĩ cách chăm cháu, cũng sẽ bớt dần cái áp lực phải hiến kế, đưa ý kiến phụ con dâu chăm cháu...

Cuối cùng, em cần giữ sức khỏe tinh thần để đi qua giai đoạn này nhẹ nhàng nhất có thể. Hãy nhờ người thân trông con khi cần, để em được nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, và duy trì ít nhất một sở thích nào đó để thư giãn. Khi tinh thần em tốt lên, mọi việc sẽ không tác động quá nặng nề...

Mong em an vui!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI