Tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân
Chị Minh Hạnh (ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, dịp lễ 2/9 vừa qua, tài khoản thẻ visa debit (ghi nợ quốc tế) của chị mở tại NH Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã bị trừ tổng cộng hơn 20 triệu đồng cho các giao dịch thanh toán trên mạng xã hội, dù thẻ chị đang giữ trong tay và thời điểm đó chị đang đi chơi với bạn.
Cụ thể, tối 1/9 khi đang đi ngoài đường, chị liên tục nhận được tin nhắn báo tài khoản thẻ visa bebit của mình phát sinh giao dịch, bị trừ tiền cho bốn giao dịch, tổng cộng hơn 20 triệu đồng. Ngay lập tức, chị liên hệ với tổng đài 24/7 của Vietcombank, yêu cầu khóa thẻ. Khi phản á nh với chi nhánh Vietcombank tại TP.HCM, nhân viên NH cho biết, sau 60 ngày mới có kết quả chính thức về nguyên nhân vụ việc, nhưng trước mắt, NH sẽ ứng trước số tiền bị mất cho chủ thẻ.
Mới đây, ông Thành Phương (ngụ TP.HCM), chủ thẻ visa debit của Vietcombank cũng nhận tin nhắn báo tài khoản của mình phát sinh chín giao dịch cho các khoản thanh toán ở Nhật, trong đó có năm giao dịch thành công với tổng số tiền bị trừ trong tài khoản gần 17 triệu đồng.
Hiện Vietcombank đã tạm ứng số tiền này cho ông Phương, nhưng trong biên bản làm việc với khách hàng, Vietcombank có đề cập đến việc chủ thẻ từng giao dịch qua một trang web từ Việt Nam để đặt khách sạn tại Ý vào tháng 5/2016. Vietcombank và chủ thẻ cùng nhận định những giao dịch này có khả năng đã để lộ thông tin và kẻ gian lợi dụng để thực hiện giao dịch bất hợp pháp.
Một trường hợp khác là khách hàng Ngọc Lan, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM, chủ thẻ visa debit của một NH cổ phần, bỗng dưng cũng bị trừ hơn 12 triệu đồng trong tài khoản dù không giao dịch. Đến giờ, phía NH này cho biết đang tiếp tục tra soát các giao dịch tổng cộng hơn bảy triệu đồng (số tiền còn lại đã được NH trả cho chủ thẻ do giao dịch không thành công). Điể m đá ng chú ý theo NH này, các giao dịch phát sinh từ thẻ của khách hàng Ngọc Lan là giao dịch trực tuyến qua internet, để mua thẻ cào, nạp tiền game trên mạng, chỉ cần các thông tin trong thẻ là có thể thực hiện được, không cần xuất trình thẻ.
Theo các chuyên gia tài chính, các giao dịch qua thẻ tín dụng cũng đang có nhiều nguy cơ bị gian lận và thất thoát, cùng với quá trình thanh toán điện tử. Bởi hiện mọi thông tin cần thiết để thanh toán bằng thẻ đều được in trên bề mặt thẻ (số thẻ, tên chủ thẻ, ngày hết hạn). Nếu khách hàng để lộ thông tin thẻ hoặc rơi thẻ, thất thoát chắc chắn sẽ xảy ra. Khi chủ thẻ đi mua sắm, thanh toán tiền, nếu lơ là không quan sát kỹ, nhân viên thanh toán có thể lợi dụng chụp mặt trước, mặt sau thẻ, từ đó đánh cắp thông tin trong tài khoản.
|
Do đó, yêu cầu quan trọng nhất là tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân, thông tin thẻ, tài khoản trong bất kỳ trường hợp nào. “Về nguyên tắc, khi thanh toán hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài bằng thẻ hay cà thẻ trên POS, nhân viên sẽ đưa trực tiếp máy POS đến trước mắt khách và khách hàng phải luôn để thẻ trong tầm quan sát của mình. Bởi chỉ cần một lần để lộ thông tin là khách hàng có thể bị đánh cắp quyền kiểm soát thẻ và kẻ gian có thể dùng thông tin thẻ của khách hàng để thanh toán cho những khoản mua hàng trên mạng, nạp thẻ cào” - một chuyên gia tài chính phân tích.
Kiểm soát biến động số dư trong tài khoản
Theo ông Đặng Công Hoàn, Giám đốc Trung tâm thẻ Techcombank, khách hàng bị lộ thông tin tài khoản, thông tin thẻ và mất tiền trong tài khoản theo nhiều cách khác nhau, nhưng tựu trung là tội phạm đã thực hiện việc chiếm đoạt thông tin về thẻ, tài khoản, các mật khẩu bảo mật, từ đó sử dụng các giao dịch, chiếm đoạt tiền của khách hàng và NH.
Do đó, các NH đã liên tục gửi cảnh báo đến khách hàng về những chiêu thức chủ yếu của tội phạm để lấy thông tin từ chủ thẻ. Cụ thể, kẻ gian gọi điện thông báo chủ thẻ đã trúng thưởng và yêu cầu cung cấp số tài khoản, số thẻ và mã xác thực giao dịch trực tuyến (mã OTP) để nhận thưởng; kẻ gian mạo danh cơ quan điều tra, yêu cầu nộp tiền vào một tài khoản khác nhằm bảo lãnh, phục vụ việc điều tra; kẻ gian lập các trang web giả, từ đó chiếm đoạt các thông tin, chiếm quyền kiểm soát để thay đổi các dữ liệu cá nhân, số điện thoại nhận OTP nhằm chiếm đoạt tiền.
Thậm chí, kẻ gian có thể giả dạng người thân lập các tài khoản giả trên mạng xã hội từ đó liên lạc với các chủ thẻ, chủ tài khoản, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản, mật khẩu và OTP để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Chia sẻ tại hội nghị về đảm bảo an toàn thanh toán điện tử và thanh toán thẻ mới đây, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc NH Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) khẳng định, hệ thống bảo mật của các NH hiện tại vẫn tương đối an toàn, chưa phát sinh bất kỳ vụ việc tấn công trực tiếp nào. Thực tế, các trường hợp thất thoát tiền của khách hàng qua kênh NH điện tử (Internet Banking và Mobile Banking) ở Việt Nam đều chủ yếu do khách hàng vô tình tiết lộ mật khẩu, thậ m chí ngay cả mã OTP cho kẻ gian.
Để hạn chế mất tiền trong tài khoản, chủ thẻ cần xây dựng thói quen kiểm soát biến động tài khoản như đăng ký SMS Banking; khi điền các thông tin mở thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ quốc tế, cần đăng ký các thông tin như nhận tin nhắn xác nhận giao dịch (mã OTP); hình thành thói quen quan sát trong quá trình giao dịch; khi giao dịch tại ATM, cần kiểm tra khe cắm thẻ trước khi thực hiện giao dịch và nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, cần báo ngay cho NH và không tiếp tục thực hiện giao dịch thẻ tại trụ ATM đó.
Các vụ gian lận đã chuyển hướng sang thẻ nội địa
Tính đến cuối tháng 7/2016, số lượng thẻ phát hành của các tổ chức tín dụng đã đạt 107 triệu thẻ các loại. Và theo Phó thống đốc NH Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh, tại Việt Nam, nếu như trước đây, các vụ gian lận phát sinh chủ yếu đối với thẻ quốc tế và đối tượng tội phạm là người nước ngoài, thì hiện nay, các vụ gian lận đã chuyển hướng sang cả thẻ nội địa và hệ thống ATM/POS tại Việt Nam.
Châu Anh