Cây “nhà nghèo”: Vị mùa nước nổi
Mấy ngày nay, anh bạn học thời phổ thông cứ cách đôi bữa lại gửi những bức ảnh, khi thì dòng sông quê đỏ ngầu, cuồn cuộn chảy xiết; khi thì một mái nhà lụp xụp ven bờ; khi thì đôi ba chiếc thuyền đang vươn mình giữa những cơn sóng cuồn cuộn... - như báo hiệu niềm vui, sau những ngày dài chờ con nước về muộn. Những điều nhỏ nhặt ấy lại khiến người xa quê lắm lúc cảm thấy mình nhỏ bé trong những nỗi nhớ quá đỗi lớn lao.
Người miền Tây nhớ thương mùa nước nổi theo những cách rất riêng. Đó là cái màu bàng bạc, loang loáng ánh đỏ ngầu của những khoảng ruộng ngập nước mênh mông, là sắc vàng nhạt tươi tắn của những chùm hoa điên điển rung rinh khe khẽ trước gió, là sắc xám tro buồn hiu hắt của những đồng lau sậy mùa trổ bông, là cái màu trắng bạc của những rổ cá linh non... Và cũng có người miền Tây nhớ mùa nước quê mình dưới sắc xanh của những tán cà na khi vào mùa trái chín.
Cà na đâu lạ gì với người miền quê nhưng chuyện chúng xuất hiện trên mảnh đất này tự bao giờ và vì sao lại mang tên gọi lạ tai như thế lại chẳng ai rõ. Ngay cả những ông già, bà cả cũng chỉ biết khi họ lớn lên, cà na đã có mặt. Chúng thường mọc dại ở ven sông, thuộc dạng cây thân gỗ khá to, chi chít nhánh. Bông cà na sắc trắng, mọc thành từng chùm nhỏ xíu, khẽ rung trước gió. Sau những cơn mưa, cánh hoa rụng trắng cả gốc.
Trái cà na màu xanh nhạt khi sống và xanh đậm pha vàng rất nhạt khi chín, có mùi thơm thoang thoảng. Nhắc đến cà na, người ta lại nghĩ ngay đến sông nước. Bởi cà na chỉ phát triển tốt về phía mặt sông. Trái ở phía này cũng nhiều, to hơn, ít chua chát hơn trái ở trong bờ. Điều kỳ lạ này cũng không ai lý giải được.
Và muốn ăn cà na, phải chờ đến mùa nước nổi. Mùa này, chợ quê đầy cà na. Chúng được bày bán riêng cũng có nhưng có lúc nằm lẫn trong mớ rau của những bà, những chị dăm hôm mới ngồi chợ một lần.
Người ở quê hay gọi cà na là cây của nhà nghèo bởi chúng “chịu khổ” rất giỏi. Mùa nước đầy đồng, gốc cà na chìm dưới mặt nước nhưng cây vẫn sinh trưởng tốt, không bị úng. Cà na ưa nước ngọt nhưng ở vùng nước phèn cây vẫn có thể ra hoa kết trái. Trái chín rụng xuống, hạt gặp đất lại có thể mọc thành cây con. Cà na rất dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc. Đôi khi, chỉ cần đặt nhánh cây đã chiết ra rễ, vun ít phân và bỏ mặc, chúng vẫn phát triển tốt. Cứ thế, cà na ở với người miền Tây như một người bạn tâm tình, để giữ đất, giữ bờ (rễ cà na rất lớn, ăn sâu vào đất nên thường được trồng để giữ đất ở bên lở của con sông).
À ơi... những ngày xưa thơ ấu
Về miền quê, không khó để gặp hình ảnh những cây cà na to lớn soi mình dưới bóng nước hay che mát cả một khúc đường quê. Trong cơn gió nhè nhẹ khiến lá cây xô đẩy nhau xào xạc, đứa con của quê như được ru một làn điệu ngọt ngào để chìm vào giấc ngủ trên chiếc võng được mắc giữa hai gốc cà na to tướng.
Bọn trẻ chúng tôi thường quy định với nhau đây là chiếc máy bay. Sẽ có hai hoặc ba đứa cùng ngồi trên võng và lấy đà để cùng đẩy võng đưa thật cao, thật mạnh. Người ta mất đến vài chục năm để lớn lên nhưng chỉ cần một khoảng bình lặng, dẫu rất ngắn ngủi, để được bé lại giữa những bộn bề của cuộc sống. Trong những khoảnh khắc ấy, ký ức như một liều thuốc giảm đau, mà có lẽ ai cũng cần.
Cây cà na trong những chiều nước chảy hay trong những buổi trưa hè trốn ngủ là nơi lũ trẻ quê tha hồ nghịch ngợm. Hôm nào thèm thì đâm vội chén muối ớt, lên hái một chùm cà na xuống tha hồ mà hít hà, ho sặc sụa. Hôm nào muốn thử cảm giác mạnh thì hai ba đứa cùng trèo lên một nhánh thật to rồi thả mình xuống dòng nước đang chảy. Chơi xong, đứa thì bị mắng vài tiếng, đứa thì ăn vài roi. Nhưng con nít mà, buồn đau gì cũng qua lẹ lắm. Mà bây giờ đôi lúc lại ước được như ngày xưa, quên buồn, quên đau nhanh như vậy.
Lớn hơn một chút, cà na lại theo chúng tôi đến trường, đến lớp chia cho bạn bè. Đứa nào sang hơn thì mua cà na ngâm, cà na ngào đường chấm muối ớt. Món nào cũng ngon và khiến cái bụng lúc nào cũng cồn cào sau mỗi lần chụm đầu vào bịch cà na.
Trái quê, chế biến cũng “quê”
Cà na dẫu chua chát nhưng vẫn có thể biến thành những món ăn ngon, với cách chế biến mộc mạc, đơn giản như người miền Tây. Cà na dễ ăn, nên trẻ nhỏ hay người lớn đều dễ dàng bị chinh phục bởi loại trái dân dã này.
Đơn giản nhất thì hái đôi ba trái, vò cho mềm rồi chấm muối ớt. Kỳ công hơn thì pha chén mắm đường, thêm chút tiêu, ớt rồi xắt cà na trộn vào. Cà na đập lại có thêm mấy bước nữa, nào đập, rồi ngâm muối, xả ráo, sau đó trộn cùng mắm đường, cho thêm chút ớt cay nồng. Đơn giản là vậy nhưng làm ra bao nhiêu cũng không đủ để thỏa cơn thèm.
Mâm cà na ngào đường căng bóng da thịt hay trái cà na ngâm chua ngọt căng tròn đi kèm chén muối ớt đỏ au khiến người lớn hay trẻ nhỏ đều phải nuốt nước bọt ừng ực. Tuy nhiên, mấy món này lại kỳ công hơn một chút nên phải biết cách làm mới ngon được. Cà na được xẻ ra từng khía nhỏ, ngâm muối chừng 10 tiếng cho nhả bớt chất chua, chát rồi vắt sạch nhưng không để trái nát.
Cà na được trộn đường cho thấm, sau đó mang đi ngào trên bếp lửa đỏ hồng chừng 30 phút là có thành phẩm. Cà na khi chín đổi sang màu vàng nâu, tỏa hương thơm ngào ngạt cả căn bếp. Trẻ con mà, vội vàng lắm, đâu có chờ đợi được lâu, thế là lén ăn vụng vài trái. Trong khi đó, cà na ngâm chua ngọt lại mất khoảng đôi ba ngày để đợi trái ngấm đường muối cho đậm vị.
Đâu chỉ là món ăn chơi vui miệng, cà na ngào, ngâm chua ngọt còn được dọn lên những mâm cỗ mùa nước lên. Đâu chỉ các bà, cà na cũng được các ông rất chuộng. Cái chua chua, ngọt ngọt của cà na được các ông dùng để giải rượu bia hay làm tăng thêm vị đậm đà nơi đầu lưỡi. Vì thế, trước những ngày giỗ chạp, tiệc tùng của người miền quê, cà na lại là món có mặt sớm nhất trong gian bếp.
Mấy năm nay, cà na đã từ quê bước ra phố thị. Không còn là món ăn dân dã của ngày xưa, nay chúng trở thành món khai vị của nhiều hàng quán lớn. Thậm chí, chúng còn vượt cả nửa vòng trái đất để đến nước Mỹ xa xôi hay tận trời Âu. Tôi có anh bạn nay đã định cư ở nước ngoài, cứ mỗi lần về đều đặt hàng mẹ tôi làm cho ít nhất 2-3kg cà na ngào đường để mang sang Mỹ ăn dần. Thế mới thấy, trái cà na tuy nhỏ mà khiến người ta phải nhớ thương từ những điều rất đỗi bình dị, như lòng người gắn với quê hương.
Tại Sài Gòn, cứ mỗi độ vào mùa, không khó để tìm cà na trên một chiếc xe đẩy tuềnh toàng hay một góc chợ náo nhiệt, ồn ào. Bỗng một thoáng nào đó, người nhà quê lại bồi hồi như gặp lại người bạn thuở nào giữa chốn thị thành xô bồ này với chút nhớ thương, nghẹn ngào.
Bài và ảnh: Thành Lâm