PNO - Sài Gòn chỉ có 2 mùa, hiếm khi nhiệt độ ban ngày hạ xuống 24, 25 độ C nên dân tình chả mấy khi có dịp diện quần áo ấm. Thế mà Sài Gòn lại có hẳn một cái chợ chuyên bán đồ ấm để mặc ở tiết trời trên dưới 0 độ C. Người ở Sài Gòn chẳng mấy khi nhớ tới chợ này, nhưng mỗi khi đi xứ lạnh, nhất định sẽ tìm đến.
Chợ có tên chính thức là Russian Market, nhưng người ta ưa gọi gọn lỏn cho dễ hình dung là “chợ Nga”, nằm trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1, TPHCM. Chợ có từ 23 năm trước, do một người từng học tập ở Nga (Liên Xô cũ) thành lập, có quy mô 3 tầng, tổng diện tích kinh doanh gần 2.000m2 với khoảng 100 gian hàng sỉ, lẻ. Nhiều tiểu thương ở đây từng đi lao động hợp tác ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu (Tiệp Khắc, Đông Đức, Ba Lan) hoặc là các cử nhân tiếng Nga từng buôn bán ở một số thương xá, trung tâm thương mại chuyển đến. Vào chợ, bạn sẽ luôn được nghe 3 thứ tiếng Việt, Nga, Anh đan nhau ríu rít, thật vui tai.
Chợ Nga (Russian Market) trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1, TPHCM - Ảnh: Nguyễn Quang
Kể từ lần đầu tiên biết đến ngôi chợ này cách đây cũng hơn 16 năm, số lần đi chợ có thể đếm trên 2 bàn tay, nhưng nếu có việc cần ra khỏi thành phố, đến xứ lạnh xa gần nào đó trong hay ngoài nước, tôi luôn tìm đến đây. Bạn bè ở miền Tây hay Bình Thuận, Vũng Tàu, Bình Dương có đi du lịch ra phía Bắc mà ghé Sài Gòn để đi máy bay, tôi cũng nhất định kêu họ “phải ghé chợ Nga mua áo ấm”. Mà thiệt, làm người của xứ 2 mùa, hễ có việc đi đến các xứ 4 mùa, tôi nào biết tìm đâu ngoài sự lựa chọn này.
Mà đâu chỉ người Sài Gòn. Người Đà Lạt cũng vậy. Lần ghé chợ gần đây nhất mua đồ chuẩn bị đi Trung Quốc, tôi tình cờ gặp lại ca sĩ Nguyên Thảo. Gặp cô ca sĩ người Đà Lạt giữa chợ Nga là điều khá bất ngờ. Gia đình cô sắm đồ ấm cho chuyến đi Nhật vào giữa tháng Mười hai tới. Ai đi mua đồ ấm ở chợ Nga thì quen chứ với Nguyên Thảo thì hơi lạ bởi cô là người Đà Lạt, cái xứ mặc đồ ấm quanh năm thì nơi đó không thiếu đồ chống lạnh để mua. Thậm chí, nhiều nhóm từ thiện ở Sài Gòn cũng phải lên Đà Lạt tìm mua đồ si lạnh giá rẻ. Thảo nói đúng là Đà Lạt không thiếu đồ chống lạnh, nhưng tìm đồ giữ nhiệt, giữ ấm ở nhiệt độ trên dưới 0 độ C thì chỉ có thể tìm ở đây.
Hèn chi, chợ Nga được xem là chợ hàng thời trang mùa đông lớn nhất ở TPHCM hiện nay. Theo kiến thức lang thang của tôi, chắc ở miền Nam và cả miền Trung, chỉ duy nhất Sài Gòn có cái chợ này thôi, cho nên có thể nói, đây là chợ chuyên hàng thời trang mùa đông lớn nhất phía Nam.
Hàng ở shop đắt tiền, các nhãn hàng nước ngoài ở các trung tâm thương mại được bán theo mùa, không phong phú, lại chỉ hợp với nhiệt độ tầm 10-15 độ C trở lên, nên đến chợ Nga tìm đồ giữ ấm là tiện nhất. Nhiều du học sinh TPHCM và các vùng lân cận đi học ở Canada, Mỹ, Nhật, Trung Quốc cho biết, phần lớn đồ chống lạnh ban đầu của họ là từ ngôi chợ này.
Vào chợ, không thiếu thứ gì của xứ lạnh, từ đồ mùa đông, áo lông vũ, áo khoác bành tô, áo khoác da, đồ giữ nhiệt, khăn, nón, vớ… Nguồn hàng khá phong phú, nhưng chủ yếu là hàng gia công xuất khẩu. Bạn đừng ngạc nhiên khi phần lớn các bộ đồ giữ nhiệt, áo len, vest… ở đây lại bị cắt hết mác nhãn hàng hoặc cắt đôi, bởi chúng là “hàng xí nghiệp thanh lý”.
Thích cái cách buôn bán ở chợ Nga
Có thể đồ ở chợ Nga không đẹp sắc sảo bằng các đồ chống lạnh thời trang trong shop, nhưng giá cả thì luôn “mềm” hơn. Các loại hàng ở đây giá không cao lắm so với thị trường, nên kẻ ít đi chợ và không mấy khi nhớ nổi giá bán như tôi cảm thấy yên tâm. Nhưng lý do đó chỉ một phần. Với tôi - kẻ hay bị những lời dễ nghe dụ khị - thì chợ Nga là chợ luôn có những lời rất dễ lọt tai khách. Với một gã trai ngại nạn nói thách, sợ bị mắng oan khi lớ ngớ đi chợ trả giá như tôi, như vậy thì còn gì bằng.
Bạn nghĩ thế nào khi người bán hàng ở tầng dưới nở nụ cười với khách từ tầng trên đang tay xách nách mang đi xuống, hỏi rằng: “Mình mua hết rồi, còn sực nhớ ra thứ gì chưa mua nữa không anh”. Trời ơi, câu chào thăm kèm gợi ý mua hàng sao lại khéo léo mà mát ruột, duyên dáng đến như vậy chứ?
Rồi chị bán hàng chạy theo khách xin lỗi để kiểm tra lại món hàng đã bán có thực sự đúng mẫu trưng bày và có bị lỗi gì không, và không quên giới thiệu khách qua hàng bên mua thêm giùm cho bạn hàng. Nhiệt tâm vậy làm sao mà không muốn quay lại chứ?
Rồi chị bán hàng khác cười khi khách cò kè bớt một thêm hai, tình thật bảo rằng em đi một vòng chợ rồi mới tới chỗ chị ở cuối chợ, nghĩa là em đã biết giá rồi. Em cũng thấy là chợ hôm nay vắng tanh, thì chị nói thách nhiều làm chi cho mất khách. Tình thật vậy thì khách nỡ nào mà trả tới trả lui được chứ?
Rồi nhiều chị khác luôn sẵn sàng tư vấn cho khách, nhất là những người lần đầu chuẩn bị đi du học, đi lao động ở xứ lạnh. Nên dễ thấy những tấm bảng viết tay không chỉ là báo giá đơn thuần như các chợ khác mà còn gợi ý, giới thiệu hẳn những “combo” kèm thêm tư vấn cho người mua dễ lựa chọn và an tâm hơn.
Có nhiều chủ gian hàng viết hẳn trọn bộ những món đồ giữ ấm, từ áo phao, đồ giữ nhiệt, quần nỉ, jogger, áo cổ tròn tay dài, đến nón, khăn, vớ, bao tay, nghĩa là đầy đủ, không thiếu thứ gì cho một người sống ở xứ lạnh, với mức giá từ 2,3-3,5 triệu đồng, hoặc từ 4,5-7 triệu đồng, lại còn tư vấn cái nào nên mua thêm một hay vài ba bộ cho phù hợp, thòng thêm một câu ân cần: “Tùy vào túi tiền mỗi gia đình”.
“Tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó chứ. Lần đầu đi xa, sống ở xứ người, có bao nhiêu thứ phải lo. Sắm đồ giữ ấm là một khoản chi không nhỏ. Không có kinh nghiệm, dễ bị mua thiếu cái này, thừa cái kia. Qua bển, đâu thể thiếu là ào ra chợ, có ngay như ở mình chứ” - chị bán hàng, chủ nhân của dòng chữ báo giá nói trên cười, nói với tôi.
Chỉ vậy thôi đó mà mỗi khi bạn bè hay người quen cần mua đồ chống lạnh, tôi lại nhiệt tình gợi ý đến đây và còn đòi đi chung dù chẳng mua gì, như một “đại sứ quảng bá” cho chợ vậy.
Sau đợt dịch COVID-19, chợ Nga thưa vắng hơn, nhưng nói như mấy chị tiểu thương, “khó khăn kinh tế chung, ai cũng chèo chống, mình không gắng chèo chống để bán buôn, mới lạ”.
Tôi cũng tin, chợ Nga này dù không còn thời hoàng kim nhưng vẫn sống được. Không chỉ là vì nhu cầu sắm đồ đi xứ lạnh vẫn còn, mà còn vì cái cách buôn bán ở chợ.
Từ lâu, ngôi chợ này không chỉ là những ký ức liên quan đến nước Nga hay Liên Xô cũ của người Việt ở Sài Gòn. Mà mỗi khi trời Sài thành trở gió âm u, vài lá thu rụng đâu đó trên đường, thời tiết chợt ẩm ương không nắng, là lòng bỗng bâng khuâng nhớ mùa đông xứ khác, là nhớ cái chợ Nga.
Lê Minh Hạ
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - TPHCM, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.
Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.