Mười năm hôn nhân, chồng chỉ lo 'đối ngoại'

04/10/2018 - 09:00

PNO - Với họ hàng, anh như cái ngân hàng di dộng mà nếu cần, anh em họ hàng thoải mái tới lui. Vì thế nên ai cũng nghĩ anh rất nhiều tiền, còn tôi chỉ là cái bóng phụ bên chồng mà thôi.

Cuộc hôn nhân mười năm của tôi đang bắt đầu đứng bên vực thẳm. Anh - người chồng, người cha mẫu mực, lần đầu tiên to tiếng với vợ. Cũng là lần đầu tiên tôi vừa “kể tội” chồng vừa khóc xối xả. Mười năm, bao nhiêu uất ức tôi trút ra bằng sạch, không giữ chút nào trong lòng nữa.

Nhưng anh nhất mực giữ quan điểm rằng: sao bỗng dưng vợ trở nên ích kỉ, không thương anh em bên chồng? Tôi tức đến nghẹn lại, tháo chiếc nhẫn cưới trên tay, dằn mạnh xuống bàn trước mặt chồng: Anh cầm lấy. Từ nay thân ai nấy lo, việc ai nấy làm… Có lẽ quá sốc nên anh sững lại đến mấy mươi giây rồi đứng lên bước ra khỏi nhà. Tôi nghẹn lại trong uất ức.

Mười năm, ai cũng nói tôi có phúc, lấy được người chồng chuẩn mực, hiếu kính với bố mẹ, không cờ bạc gái gú, lại có chút vị trí xã hội. Mọi người ở cơ quan tôi thậm chí còn nhiều lần mắng mỏ: Chồng có vị trí như vậy, sao không bỏ thời gian tiền bạc ra chăm chút bản thân hơn? Thỉnh thoảng vẫn thấy ngược xuôi giật gấu vá vai, hỏi người này người kia tiền…

Muoi nam hon nhan, chong chi lo 'doi ngoai'

Mười năm qua, tôi chỉ biết cười gượng... Ảnh minh họa

Mười năm qua, tôi chỉ cười gượng, bởi anh đúng là một người chồng tốt. Nhưng lại là người con quá hiếu thảo, quá chu toàn với họ hàng. Sống cạnh nhà bố mẹ, mẹ lại khó tính, nên anh luôn sợ làm phật lòng bà. Muốn mua món đồ gì cho vợ con, anh sẽ mua cho bố mẹ mình trước. Có thức gì ngon, dù vợ đã sai con mang biếu ông bà, đến khi chồng về lại vội vàng san sẻ thêm ra và mang đi mà không nói với vợ câu nào. Mua sữa cho con, anh cũng phải nghĩ mua sữa cho ông bà trước, tất tật những vật dụng khác cũng vậy.

Tôi không phải người nhỏ nhen, nhưng rất buồn vì cách xử sự của chồng. Người già, nhu cầu có bao nhiêu đâu. Trong khi hai đứa trẻ nhà tôi mới thực sự cần rất nhiều thứ. Sữa anh mua chất đầy tủ, ông bà không uống hết, quần áo cũng nhiều vô kể, ti vi đang xem bình thường anh nói: để con đổi cho ba mẹ cái ti vi lớn hơn, xem đỡ mỏi mắt

Tháng nào anh cũng mặc vợ xoay xở trong phạm vi lương của mình. Mười năm, anh không đưa tiền lương cho vợ. Thỉnh thoảng anh có mua đồ ăn, mua đôi chút quà vặt trong nhà, việc lớn thì chia đôi… còn lại nay đứa em họ chạy sang mượn anh ít tiền, mai ông chú nói cần một chút lo việc. 

Muoi nam hon nhan, chong chi lo 'doi ngoai'
Anh như cái ngân hàng di dộng mà nếu cần, anh em họ hàng thoải mái tới lui. Ảnh minh họa

Họ hàng khen anh hết lời, anh như cái ngân hàng di dộng mà nếu cần, anh em họ hàng thoải mái tới lui. Cũng vì thế nên từ anh em họ hàng cho đến bạn bè, thậm chí cả bố mẹ chồng đều nghĩ anh có rất nhiều tiền, còn tôi chỉ là cái bóng phụ bên chồng mà thôi.

Mười năm giữ thể diện cho chồng, mười năm cố nhẫn nhịn cho nhà cửa ấm êm, đã bắt đầu quá sức chịu đựng của tôi, khi tình cờ phát hiện anh vay hơn một trăm triệu giúp em gái sắm ô tô, giúp cậu em nhà dì ba mươi triệu tiền thua cá độ bóng đá. Mảnh đất nho nhỏ, không hiểu sao anh mua lại để cậu em mình đứng tên. Vẫn như những lần trước, anh không hề bàn với tôi một tiếng, trong khi vợ cũng vừa phải đi vay nợ để mua cái máy giặt thay thế cái máy đã hỏng.

Tôi gần như phát điên khi anh nói: “Cô ích kỉ nó vừa vừa chứ!”. Vâng, tôi ích kỉ chỉ vì có bao nhiêu lương thì lo nuôi chồng con hết mà không bỏ ra cho anh em bố mẹ chồng mượn. Tôi ích kỉ nên mười năm trời để chồng chỉ lo hào nhoáng bên ngoài mà không có chút trách nhiệm nào phụ vợ nuôi con. Mười năm, trong mắt anh, tôi không có giá trị của người bạn đời.

Tôi tháo nhẫn cưới ra khỏi ngón áp út. Mười năm để lại một vết hằn trắng quá lớn. Có thể tôi đang quá tức giận, có thể cả giận sẽ mất khôn. Nhưng khi những đứa con mình sinh ra, tự mình nuôi nấng chăm bẵm… thì bước đi cùng một người, hay hai người trên con đường phía trước cũng đâu có khác nhau?

P. Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI